Chúng tôi có mặt tại lớp học của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (Phường 8- TP Vĩnh Long), chứng kiến "lớp học đặc biệt" của những mảnh đời kém may mắn. Suốt những năm qua, cô Nga đã bằng tâm huyết và tình thương, gieo con chữ cho hàng trăm lượt học sinh.
Lớp học của cô Nga lúc nào cũng ấm áp và rộn rã tiếng cười. |
Chúng tôi có mặt tại lớp học của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (Phường 8- TP Vĩnh Long), chứng kiến “lớp học đặc biệt” của những mảnh đời kém may mắn. Suốt những năm qua, cô Nga đã bằng tâm huyết và tình thương, gieo con chữ cho hàng trăm lượt học sinh.
Lớp học của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga, từ năm 1999 đến nay, đã có biết bao lượt học sinh ra vào. Ban đầu, cô Nga dạy học theo chương trình phổ thông, xóa mù chữ cho học sinh khó khăn. Rồi từ 7 năm trở lại đây, cô Nga dạy các bé khuyết tật. Cô Nga cho biết: “Tôi vừa dạy kỹ năng vừa yêu thương, chia sẻ với các em, giúp các em hòa nhập, không mặc cảm, tự ti, để các em cảm thấy mỗi ngày đi học là một niềm vui.”
Cô Lê Thị Thanh Đào (xã Thanh Đức- Long Hồ) có con trai 17 tuổi bị chứng bại não. Được người bạn giới thiệu, cô đã cho con tham gia lớp học được 3 năm. Cô Đào chia sẻ: “Tôi thấy con tiến bộ nhiều, biết đếm số, biết tô màu. Sau khi học được một thời gian, cháu đã biết nhận thức, hiểu được người khác nói gì và biết nghe lời. Tôi mừng lắm nên dù nhà xa cũng ráng đưa con đi học mỗi ngày”.
Là một giáo viên và từng tham gia Đội xung kích tình nguyện của phường để tham gia phổ cập tiểu học chống mù chữ cho người dân ở địa phương, cô Nga đã gặp rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn không được đến lớp, nhiều cảnh đời bất hạnh đang là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Năm 1999, cô Nga mở lớp học tình thương cưu mang 40 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không được đi học, ban đêm thì tranh thủ dạy phổ cập giáo dục cho người dân ở phường. Đến năm 2009, cô giáo Nga về hưu và quyết định chuyển lớp học về nhà để tiếp tục dạy cho các em.
Cô tiết kiệm chi tiêu của gia đình, cộng thêm những đồng lương hưu ít ỏi, dành dụm lo chi phí cho lớp học. “Các em theo học không phải đóng góp một khoản chi phí học tập nào mà còn được tặng bánh kẹo cho các em vui”- cô Nga cho biết.
Toàn bộ học sinh ở đây đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Lớp học có 36 em thì gần 30 em bị hội chứng bại não, nhiễm HIV, tăng động, chậm phát triển, tâm thần nhẹ...
Theo dõi mỗi buổi học, những ánh mắt, nụ cười vô tư của các em học sinh, những giọt nước mắt hạnh phúc, ánh mắt dõi theo của cha mẹ, là niềm vui và động lực để cô Nga tiếp tục duy trì lớp học “đặc biệt”, vì những “đứa con đặc biệt”.
Cũng vì thế mà cô Nga được mọi người gọi là “Cô giáo đặc biệt” của “Lớp học đặc biệt”. Mỗi năm như thế có từ 30- 40 em tham gia, có em học lâu nhất 12 năm. Tính từ khi mở lớp đến nay, cô Nga đã nhận dạy miễn phí cho trên 680 em.
Sự tiến bộ từng ngày của các em học sinh là động lực giúp cô Nga gắn bó với lớp học đặc biệt này. |
“Nhớ lại những ngày đầu mở lớp, tôi phải lặn lội đi từng nhà vận động, thuyết phục từng gia đình cho các em đến lớp. Ban đầu cũng gặp nhiều khó nhưng tôi không nản lòng, tôi vận động các Mạnh thường quân hỗ trợ thêm nhu yếu phẩm để giúp đỡ gia đình các em. Từ từ, các gia đình cũng đồng ý đưa các con đi học”- cô Nga chia sẻ.
Cô Nga đã vận dụng hình thức quản lý lớp giống ở trường phổ thông nhưng với phương pháp dạy hoàn toàn khác. Khi các em đến lớp, cô Nga hướng dẫn một vài động tác thể dục đơn giản. Tranh thủ giờ giải lao giữa các môn học, cô dạy các em hát các bài hát ngắn, dễ nhớ hoặc thiết kế các trò chơi vận động rèn luyện trí nhớ và sự năng động.
Các em trí nhớ tốt còn được tập đếm số và nói những từ tiếng Anh đơn giản. Phương pháp này tuy mất thời gian và cần sự tỉ mỉ nhưng đã giúp các em tiếp thu nhanh hơn. Nhìn bà Tống Thị Nhê (Phường 2- TP Vĩnh Long) đã ngoài 70 tuổi ngồi cạnh bên cô con gái 38 tuổi, bị chậm phát triển thần kinh, ngô nghê như đứa trẻ, ai cũng xót xa.
Theo bà Nhê, sau khi con gái đến đây học thì lanh lợi hơn hẳn. “Nhờ cô dạy học thể dục mà cơ thể, tay chân con tôi linh hoạt hơn. Tôi còn khỏe ngày nào sẽ ráng đưa con đi ngày đó”- bà Nhê xúc động chia sẻ.
Sau thời gian tham gia lớp học, hầu như các em đều tiến bộ rõ rệt. Từ những đứa trẻ rụt rè, mặc cảm, nhiều em đã cởi mở, thân thiện, lễ phép hơn với mọi người xung quanh. Nhiều em vẽ và tô màu rất đẹp, đạt giải thưởng cao trong cuộc thi Mỹ thuật dành cho thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long.
Hàng năm có từ 5-6 em đạt giải, riêng năm 2017 có 12 em đạt giải. Mỗi bức tranh do các em vẽ, cô Nga luôn trân trọng treo lên tường, lên bảng tại lớp học để động viên các em. Không dừng lại ở cách dạy đọc, dạy viết, dạy hát, dạy vẽ…cô Nga còn dạy cho các em tính tiết kiệm. Cô Nga chia sẻ: “Mỗi em được tôi tặng cho một con heo đất. Khi có tiền sẽ “cho heo ăn”.
Cô Nga còn tổ chức sinh nhật, tặng quà cho những học sinh có sinh nhật trong tháng giúp các em vui vẻ.
Cô Nga nhận giải thưởng KOVA dành cho những việc làm tốt đẹp, lan tỏa tính nhân văn trong cộng đồng. |
Ngày qua ngày, cô Nga luôn cần mẫn góp nhặt yêu thương để duy trì lớp học gần 19 năm. Là người phụ nữ không có chồng, con nên hàng ngày khi đến lớp, cô Nga xem các em như những đứa con của mình. Đổi lại tấm lòng của cô Nga là sự tiến bộ của những học trò đặc biệt, là những món quà nhỏ, thức ăn do phụ huynh mang đến.
“Tôi có mong muốn duy nhất là có sức khỏe để tiếp tục dẫn dắt các em vào đời, hỗ trợ phần nào khó khăn cho những đứa con có hoàn cảnh đặc biệt, góp một phần nhỏ công sức của mình để giảm gánh nặng cho xã hội”- cô Nga nói.
Hiện lớp học nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành; được Bí thư Tỉnh ủy ghé thăm, tuyên dương tại hội nghị tổng kết thi đua cụm 13 tỉnh/thành Tây Nam Bộ năm 2017 do UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức, nhận bằng khen của Tỉnh ủy vì có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016- 2017. Và mới đây nhất, Giải thưởng “KOVA- Hạng mục sống đẹp lần thứ 16 năm 2018” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tôn vinh tấm lòng của cô Nga. |
Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA
Các tin liên quan |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin