Đến với Trường Long Hòa

10:03, 31/03/2019

Những ngày cuối tháng hai, biển trời Ba Động đầy nắng và gió. Đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long có chuyến đi thực tế với chủ đề "Hướng về biển đảo, biên giới quốc gia" tại đồn Biên phòng Trường Long Hòa (Trà Vinh).

Những ngày cuối tháng hai, biển trời Ba Động đầy nắng và gió. Đoàn văn nghệ sĩ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long có chuyến đi thực tế với chủ đề “Hướng về biển đảo, biên giới quốc gia” tại đồn Biên phòng Trường Long Hòa (Trà Vinh).

Tiếp chúng tôi tại đồn, Thượng tá Nguyễn Văn Hùng- Đồn trưởng- và Thượng tá Nguyễn Quốc Thái- Chính trị viên đồn- giới thiệu khái quát với chúng tôi về vùng đất, con người, những nét chính về truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Trường Long Hòa anh hùng, mà trong kháng chiến được tặng danh hiệu “Trường Long Hòa sắt thép”.

Quay về lịch sử, những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, chính tại mảnh đất Trường Long Hòa này, những ngư dân chân đất, ngày đêm bám biển mưu sinh, chữ nghĩa gom lại “chưa đầy lá mít”, càng không có bằng cấp, danh hiệu gì.

Nhưng khi được giác ngộ cách mạng, họ sẵn sàng gác lại tình riêng, để vợ con, cha mẹ già ở lại trong những căn chòi rách nát ven các sườn động cát nhấp nhô mà cuộc mưu sinh ngày càng gặp khó. Với chiếc ghe đánh cá cũ kỹ và cũng nghèo nàn chắp vá như những chiếc áo mặc trên người, họ giong buồm ra khơi, tìm về miền Bắc xã hội chủ nghĩa để xin vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam mà cụ thể là những đơn vị bộ đội, an ninh vũ trang, du kích Trà Vinh đang chiến đấu chống lại sự đàn áp khốc liệt của cuộc chiến tranh đặc biệt mà quân đội Sài Gòn với vũ khí của Mỹ đang diễn ra trên dải đất thân yêu này.

Ngày 3/8/1961, khi nắng chiều đã tắt sau vạt rừng Ba Động, 6 đồng chí: Lê Văn Lòng, Hồ Văn In, Trần Văn Mao, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Văn Chấp và Ngô Văn Tôi với biệt danh mới Hai Đoàn, Ba Kết, Tư Đấu, Năm Tranh, Sáu Thắng, Bảy Lợi, rời bến, giong buồm ra khơi tìm về hậu phương lớn miền Bắc.

Con đường mòn trên biển hình thành. Theo chỉ đạo của trên, Trà Vinh khẩn trương xây dựng tổ chức cụm bến tiếp nhận vũ khí ở Rạch Cỏ, La Ghi, Cồn Tàu, Phước Thiện, Hồ Tàu, Khâu Lầu, Láng Nước, Cồn Trứng.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, các bến này đã tiếp nhận 16 chuyến hàng (riêng bến Cồn Tàu tiếp nhận 10 chuyến), với trên 680 tấn vũ khí, góp phần chi viện vũ khí cho bộ đội ở miền Tây Nam Bộ đến ngày giải phóng.

Ngày nay, Bia di tích bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu được công nhận là Di tích Lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Sau ngày giải phóng, trước tình hình phức tạp của vùng biển, tháng 4/1977, Đồn Biên phòng 818 được thành lập, đến năm 1990 đổi tên là Đồn Biên phòng 622 và tháng 4/2012 đổi tên là Đồn Biên phòng Trường Long Hòa. Đồn đảm nhiệm địa bàn 3 xã ven biển Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Dân Thành.

Trong những năm qua, đồn phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng công an, quân sự, chính quyền và nhân dân 3 xã bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, ngăn chặn vượt biển trái phép, chống tình báo, gián điệp xâm nhập nội địa; tuần tra, kiểm soát bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, đấu tranh chống các loại tội phạm và tệ nạn nạn xã hội; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách, pháp luật, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, thực hiện nếp sống văn minh.

Cấp ủy, Ban chỉ huy đồn luôn chú trọng công tác vận động quần chúng, tất cả các nhiệm vụ đều hướng về phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân từ việc vận động bà con chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập trên đồng ruộng, giúp đỡ các gia đình neo đơn khó khăn thu hoạch rau màu kịp thời vụ, vận động cất nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo; lập hợp tác xã hành nghề đánh bắt trên biển, bảo vệ ngư dân an tâm sản xuất, kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra, đến việc đưa trạm xá quân dân y kết hợp vào phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh cho dân.

Năm 2015, xã Trường Long Hòa về đích trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp lớn của đồn biên phòng.

Khi dự án xây dựng Trung tâm Điện lực Duyên Hải khởi công thực hiện tại xã Dân Thành, nhiều công nhân trong và ngoài nước đến làm việc, nhiều tàu thuyền ra vào ngày càng nhiều, các hoạt động kinh doanh, du lịch phát triển, lượng người từ các nơi đến ngày càng đông, đồn đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh lãnh thổ, an ninh biên giới.

Chúng tôi cũng được giới thiệu những gương người tốt việc tốt như: Trung úy Trần Hoàng Ân, Trung úy Trầm Ngọc Lý, Trung úy Sơn Trung Nhi, Trung úy Trần Văn Vũ là những điển hình trong thực hiện nhiệm vụ và được xét khen thưởng năm 2018. Các văn nghệ sĩ đã phản ảnh những tấm gương này qua tác phẩm của mình.

Đến Trường Long Hòa, chúng tôi cũng đến với Hải đội 2 Biên phòng tỉnh Trà Vinh. Trung tá Nguyễn Văn Quân- Hải đội trưởng, Trung tá Kim Tấn Út- Chính trị viên niềm nở tiếp đón, giới thiệu về Hải đội 2.

Đây là đơn vị cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới trên vùng biển; chịu trách nhiệm toàn tuyến bờ biển của tỉnh từ cửa Cung Hầu (giáp tỉnh Bến Tre) đến cửa Định An (giáp tỉnh Sóc Trăng).

Hải đội có tàu tuần tra ven biển, kiểm soát các tàu thuyền nghi vấn buôn lậu, đấu tranh ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền biên giới biển, tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển, thông báo kêu gọi các phương tiện trên biển vào nơi tránh trú khi có áp thấp nhiệt đới hay bão ảnh hưởng đến vùng biển.

Những gương điển hình trong thực hiện nhiệm vụ như: Thượng uý Nguyễn Duy Phương-Thuyền trưởng- là cán bộ tinh thông nghiệp vụ, giỏi về luật pháp, cách ứng xử trên biển; Thiếu úy Trần Văn Xiêm luôn tận tụy với công việc;...

Tuy các anh không tự giới thiệu về mình, nhưng qua việc chỉ huy, xây dựng đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các anh. Ở đây chúng tôi còn được biết thêm Đại úy Nguyễn Đa Lộc, trước đây là Hải đội phó nay chuyển về làm Phó Đồn trưởng Đồn Trường Long Hòa.

Anh là cán bộ tham mưu giỏi, luôn tận tụy với công việc, người trực tiếp việc điều hành, chăm lo cho đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi từ bữa cơm, bình nước đến chiếc chiếu, cái giường để anh chị em văn nghệ sĩ có thời gian chăm lo sáng tác.

Ban chỉ huy Hải đội 2 tổ chức một chuyến tuần tra ven biển để anh chị em văn nghệ sĩ được “mục sở thị” hình ảnh con tàu biên phòng rẽ sóng đại dương đưa những chiến sĩ biên phòng chắc tay súng, giữ bình yên vùng biển, biên giới thân yêu của Tổ quốc.

Trong chuyến đi này, các văn nghệ sĩ được tiếp xúc, giao lưu, tìm hiểu về nhiệm vụ, tâm tư tình cảm của người lính biên phòng, phản ảnh qua tác phẩm của mình. Chúng tôi đã kịp hoàn thành và tổ chức trưng bày 200 tác phẩm ảnh, 16 tác phẩm tranh nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Bộ đội Biên phòng, 30 năm ngày Biên phòng toàn dân do Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức tại TP Trà Vinh vào ngày 28/2/2019.

Ngay buổi chiều hôm đó, chúng tôi phối hợp cùng Phòng Văn hóa- Thông tin TX Duyên Hải, UBND xã Trường Long Hòa, Đồn Biên phòng Trường Long Hòa tổ chức một cuộc triển lãm các tranh ảnh, các tác phẩm văn học, nghệ thuật và một chương trình giao lưu văn nghệ “cây nhà lá vườn” với những tác phẩm sân khấu, âm nhạc vừa được sáng tác, phục vụ cán bộ chiến sĩ, bà con nhân dân, thắt chặt thêm tình nghĩa quân dân nơi vùng biển biên giới quốc gia Trường Long Hòa thân yêu.

ĐẶNG VĂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh