Hạnh phúc vì luôn có "má" trong mái nhà chung

12:03, 20/03/2019

Là điểm tựa của hàng chục trẻ em bị bỏ rơi, nhân viên chăm sóc cho các bé cũng là những người mẹ chở che, nâng niu từ những tiếng khóc đầu đời của trẻ.

 

Má Xuân là điểm tựa của các bé tại Trung tâm Công tác xã hội đã 12 năm.
Má Xuân là điểm tựa của các bé tại Trung tâm Công tác xã hội đã 12 năm.

Nép sau khoảng cây xanh mát, thoáng đãng ở Trung tâm Công tác xã hội Vĩnh Long là nhiều dãy phòng với hàng trăm câu chuyện đời khác nhau. Khi cánh cổng ở cuối dãy nhà mở ra, chúng tôi như bước vào thế giới của trẻ thơ rộn rã tiếng nô đùa, tiếng cười giòn, giọt nước mắt của các bé. Là điểm tựa của hàng chục trẻ em bị bỏ rơi, nhân viên chăm sóc cho các bé cũng là những người mẹ chở che, nâng niu từ những tiếng khóc đầu đời của trẻ.

Vừa bước vào phòng, thấy “má Yến”- chị Trương Thị Ngọc Yến- Trưởng Phòng Quản lý chăm sóc, “má Xuân” đứng vịn nôi, thì các bé nhỏ ư ư e e, cười toe mừng rỡ.

“Má Xuân” đưa tay ẵm bé trai, bé mừng rơn cười tươi rói dựa đầu vào “má” đầy yêu thương: “Nhớ má hả con? Hổm rày má đi học suốt nên má không giữ chăm tụi con nè. Phước Quang nhớ má lắm hông?” Võ Phước Quang (10 tháng tuổi) cười lấy tay nựng “má Xuân”, rồi dang tay qua “má Yến”, cười nịnh. 

Chị Ngọc Yến cho biết: “Các em thiếu thốn tình cảm của ba mẹ, ngay khi cất tiếng khóc chào đời đã không kịp biết ba mẹ mình là ai. Như bé Quang bị bỏ ở trước chùa Phước Quang (Tam Bình), được đưa về trung tâm nuôi dưỡng và được đặt tên Võ Phước Quang- (lấy họ Võ của ông Võ Văn Tấn Hùng- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh)”.

“Má” Lê Linh Xuân- tổ trưởng- là một trong những “má” công tác lâu năm và gần gũi với các bé nhất. Năm 22 tuổi, chị Xuân đến trung tâm làm việc và gắn bó đến nay đã 12 năm.

Ngần ấy thời gian với biết bao nhiêu chuyện nghề vui buồn, chị Xuân không nhớ nổi mình đã chăm sóc bao nhiêu bé nhưng câu chuyện cũ như dài mãi vì chị không quên các em bé tên gì, nhặt được ở đâu, chuyện ăn, chuyện ngủ ra sao... Chị Xuân cho biết: “Một ca làm việc dài 24 tiếng, gần gũi nên mến tay mến chân, ai đến đây làm cũng xem các bé như con ruột của mình”.

Trong căn phòng nhỏ này có 9 trẻ dưới 1 tuổi. Được thả xuống gạch, bé Bùi Hữu Nghĩa (8 tháng tuổi) bò rất nhanh, đụng đầu vô cửa nhôm mà vẫn cười toe.

Bé Huỳnh Thị Quân (9 tháng tuổi), đầu bị méo một bên, chậm phát triển, thường hay ói khi ăn cháo, uống sữa, giương đôi mắt nhìn khi có khách tới thăm. Bé Diệp Thị Thanh Hà (11 tháng tuổi) lẫm chẫm đi khắp phòng. Bé Nguyễn Trọng Phước nhỏ xíu, chậm chạp, các má thường thay nhau ẵm, nay đã lanh lợi, vận động nhanh hơn.

Bé Nguyễn Minh Nhật bị bỏ rơi trong bệnh viện tỉnh, đem về trung tâm nuôi từ 1 tháng tuổi còn đỏ hỏn khiến ai cũng lo lắng, giờ thì hồng hào lại bú khỏe. Bé nằm sấp ngủ ngon lành, thi thoảng ư e, ra vẻ khó chịu vì các anh chị khóc, rồi lại mút tay ngủ tiếp.

Phòng kế bên là các bé lớn hơn. Có bé bị não úng thủy nằm một chỗ, bé thì bị tim bẩm sinh, bé thì bệnh tăng động... cũng có những bé hoàn toàn bình thường. Chỉ có điều, tất cả các bé có một điểm chung là có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại cha mẹ ruột của mình nữa.

Ôm các bé vào lòng, chị Nguyễn Thị Thắm với 7 năm công tác cho biết làm lâu ngày quen việc chứ thời gian đầu có thật nhiều cảm xúc. “Chiều chiều ngồi làm thấy nhớ nhà, nhớ con ruột bao nhiêu thì thương đứt ruột các bé ở đây bấy nhiêu. Các bé thiếu tình thương của cha mẹ, không được ẵm bồng, không được quan tâm”.

Ở trung tâm, từ giám đốc cho đến các cô điều dưỡng, giáo viên, nhân viên đứng bếp… đều sẽ xưng hô “cha, má” với các em nhỏ.

Các “cha, má” phải chia ca trực 24 giờ với cả khối công việc như: tắm, giặt, vệ sinh, cho bé ăn, bú, ngủ,... Với những trẻ bị bại não, rối loạn thần kinh vận động,... thì cực gấp đôi ba lần trẻ bình thường. Vất vả như thế nhưng mọi người vẫn vui và gắn bó với công việc suốt nhiều năm dài.

Và niềm hạnh phúc nhất với những “cha, má” ở Trung tâm Công tác xã hội là chứng kiến các con có một gia đình: “Hễ có cha mẹ đến nhận con hay ai hoàn thành thủ tục nhận con nuôi là chúng tôi mừng mừng tủi tủi. Mừng vì cho các con một gia đình thì tốt biết bao. Dù các cô ở đây có chăm sóc nhiệt tình đến đâu, thì các con đông không thể bằng sự chăm sóc của một gia đình. Hơn nữa các con sẽ được hòa nhập vào cộng đồng. Nhưng buồn lắm vì sắp lại phải xa con”- chị Thắm bộc bạch.

Xem như con, các bé được “má” nâng niu từ bữa ăn đến giấc ngủ.
Xem như con, các bé được “má” nâng niu từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Là thành viên nhỏ tuổi nhất, cũng là 1 trong 2 thành viên nam hiếm hoi chăm sóc các bé ở Trung tâm Công tác xã hội, Trần Vũ Kiệt mới 24 tuổi nhưng đảm nhận vai trò “làm anh, làm cha mang đến hơi ấm gia đình cho các bé”.

Vũ Kiệt chia sẻ: “Em mới đi làm gần 1 tháng thôi nhưng cảm thấy rất yêu mến công việc ý nghĩa này. Từ khi em còn nhỏ, mấy bé trong xóm đã quấn quýt, đeo theo nên em thích con nít từ khi nào cũng hổng biết. Lên đại học, em đã quyết tâm học ngành công tác xã hội để về trung tâm làm”.

Kiệt vui vẻ kể lại những kỷ niệm với nghề: “Khó nhất là thời gian đầu, em chưa có gia đình, chẳng biết chăm bé thế nào, ẵm các bé còn lo lắng vì… sợ lọt tay. Cho các bé uống sữa em cứ lóng nga lóng ngóng, chẳng biết pha bao nhiêu, làm sao các cháu không bị sặc… Rồi nhìn các chị, làm theo riết quen. Giờ pha sữa, cho bú, cho ăn bột, thay tã hay tắm bé là ngon ơ nghen”.

Chị Trương Thị Ngọc Yến- Trưởng Phòng Quản lý Chăm sóc- cho biết: Khu vực chăm sóc dành cho trẻ, có vài cô một ca nhưng chăm sóc cho gần 30 trẻ, cháu bé nhất 1 tháng tuổi, cháu lớn nhất 9- 10 tháng tuổi. Trong đó, có các bé bị khuyết tật. Chăm sóc các cháu ở lứa tuổi này là rất vất vả. Công việc tại đây luôn chân luôn tay vì các cháu không tự đi vệ sinh và tự vệ sinh cá nhân được. Các chị em quanh năm cũng chẳng có lễ tết vì nghỉ rồi thì các bé phải làm sao. Những lúc có bé phải nằm viện là các chị em vất vả gấp đôi vì phải làm thêm, choàng gánh luôn công việc của người chăm bé ở bệnh viện.

 

 

Bài, ảnh: QUYÊN THÚY

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh