Không còn là cồn bãi thưa vắng, cách trở với "đất liền", cồn Chim- "ấp đảo" Tân Vĩnh thuộc xã Trường An (TP Vĩnh Long) ngày nay đông vui, trù phú và ngày càng khang trang. Không chỉ đã kết nối liền mạch với nội ô, nơi đây còn đang được định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái, khu biệt thự cao cấp của thành phố trong tương lai.
Cồn Chim xinh đẹp nép mình bên dòng Cổ Chiên. |
Không còn là cồn bãi thưa vắng, cách trở với “đất liền”, cồn Chim- “ấp đảo” Tân Vĩnh thuộc xã Trường An (TP Vĩnh Long) ngày nay đông vui, trù phú và ngày càng khang trang. Không chỉ đã kết nối liền mạch với nội ô, nơi đây còn đang được định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái, khu biệt thự cao cấp của thành phố trong tương lai.
Cồn Chim ở ngay vị trí “địa đầu sông Cổ Chiên”- nơi con sông Tiền bắt đầu rẽ nhánh khi chảy qua địa phận TP Vĩnh Long. Từ đây, sông Cổ Chiên tỏa thêm nhiều nhánh rẽ chảy xuyên vào lòng phố. Nhìn từ trên cao, cồn Chim như một nét chấm phá duyên dáng thành phố ven sông.
Theo ông Lâm Văn Huỳnh- Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Vĩnh, cồn có diện tích khoảng 66ha, với khoảng 328 hộ dân sinh sống. Các hộ chăn nuôi (nuôi cá bè, cá sấu…); làm vườn (trồng hoa, cây ăn trái…) hoặc mua bán nhỏ… Hiện toàn bộ diện tích cồn được bao quanh bởi hệ thống kè kiên cố, đường nhựa kết hợp cây xanh, điện chiếu sáng, nước máy 100%…
Một người dân sống hàng chục năm trên đất cồn này phấn khởi: “Những ngày lễ tết, đèn điện sáng trưng, rực rỡ một khu vực sông”. Theo hồi ức của những người dân có thâm niên sống ở cồn nhỏ này, bức tranh cồn Chim hôm nay hoàn toàn đổi khác so với mấy mươi năm trước.
Từ nơi khác đến định cư ở đây từ năm 1968, chú Trần Văn Hính (76 tuổi) nhớ lại: “Hồi đó ở đây là bãi lài, ruộng lúa, rất ít cây. Bước ra sau nhà là nhìn thông thống từ đầu cồn bên này qua tới bên kia. Mùa cắt lúa xong thì mấy chỗ đất gò người ta cuốc lên trồng dưa, trồng bắp. Chiều, nước lớn mạnh ai nấy múc nước tưới rẫy nhà mình”.
Chú Hính cho biết thêm, quanh cồn kiếm không có cái cây bắc cầu khỉ qua con rạch nhỏ nên nước cạn phải lội, nước lớn thì bơi xuồng. Nhà cửa thì “cách cả trăm thước chưa có cái nào”. Rồi dân trồng gòn, bạch đàn… hơi lớn lớn thì đốn bắc cầu. Sau đó, xáng cạp làm bờ bao, làm đường đất, đường đan…
Sau mới tới làm bờ kè, làm đường nhựa như bây giờ. Sau hàng chục năm nay, con em ở cồn khôn lớn, cất nhà ra riêng… nên thành ra nhà cửa đông đúc như bây giờ…
Ông Lâm Văn Huỳnh- Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Vĩnh- thì nói: Khoảng 10 năm trước, ở đây rất thưa vắng. Mỗi miếng vườn của người dân đều có cống nên cầu khỉ bắc qua lại nhiều lắm.
Do đó, đi lại buôn bán thì phải lội, bơi xuồng hoặc đi vòng vô vườn nhà dân ra con đường đan độc đạo dẫn ra cầu Chùa- cầu duy nhất kết nối với “đất liền”. Khoảng 10 năm trước, được đầu tư bờ kè, đường nhựa… dân ở đây rất mừng. Nhờ vậy, đi lại mua bán thuận tiện hơn.
Đặc biệt, gần đây ở 2 đầu cồn vừa được đầu tư các cây cầu để kết nối liền mạch với đất liền như: cầu Vàm Chảy- nối từ cồn qua xã Tân Ngãi (đường lên Khu du lịch Trường An) và cầu Cồn Chim- nối từ cồn qua kè Cổ Chiên (đoạn Phường 9). “Chừng 5 năm nay thì nơi này bắt đầu phát triển nhanh”- ông Lâm Văn Huỳnh nói.
Phó Chủ tịch UBND xã Trường An Đỗ Thị Thu Kiều cho biết, thời gian qua, cồn Chim được đầu tư cơ sở hạ tầng như đường nhựa xe 4 bánh lưu thông thông suốt quanh cồn; cầu Vàm Chảy, cầu Cồn Chim nối 2 đầu Cồn với đất liền…
Theo UBND TP Vĩnh Long, cồn Chim đang được lập quy hoạch chi tiết 1/500 để làm cơ sở, hiện đã có một số nhà đầu tư đăng ký đầu tư khai thác phát triển khu vực này. Theo định hướng của ngành xây dựng, dự kiến phát triển cồn Chim thành một phần của trục cảnh quan sông Cổ Chiên.
Theo đó, phát triển nơi đây thành khu du lịch sinh thái lưu trú dài ngày và thành khu vực cao cấp nhất Vĩnh Long, với đất biệt thự thu hút người dân từ các ĐT lớn, chuyên gia và các vùng trọng điểm sản xuất… đến ở.
Đồng thời, định hướng hình thành tuyến cáp treo nối cồn Chim và cù lao An Bình, giúp ngắm cảnh sông Cổ Chiên và cầu Mỹ Thuận từ trên cao, tạo sự khác biệt trong vùng ĐBSCL.
Được bao bọc bởi sông ngòi, thiên nhiên phong phú, gần gũi và nối liền với nội ô thành phố… cồn Chim hiện đang có điều kiện sống khá lý tưởng. Chú Hính nói: “Sống ở đây thoải mái lắm, quanh năm nước trong, khí hậu mát mẻ. Bởi vậy, 4 giờ chiều là tôi ra ghế đá ngoài bờ kè này ngồi tới tối mới vô nhà”.
Một người dân khác vui vẻ: Rạng sáng hoặc trời vừa tối thì dân bên “đất liền” đổ qua đây đi bộ tập thể dục đông lắm. Ngày chủ nhật buồn buồn thì lấy ghe xuồng đi giăng lưới, về cũng có cá ăn”.
Ông Lâm Văn Huỳnh- Bí thư kiêm Trưởng ấp Tân Vĩnh Hiện cư dân sinh sống ở cồn Chim chủ yếu vẫn là “cư dân truyền thống” từ trước đến nay, tuy nhiên, cũng có một số hộ từ nơi khác đến đã mua nền, số khác đang tìm mua… So hàng chục năm trước, cuộc sống người dân ở cồn nhỏ này đã ổn định hơn. Trên cồn còn có lò hủ tiếu, xóm nấu rượu đã tồn tại nhiều năm qua… Tuy nhiên, nếu được ngành chức năng hỗ trợ vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là thêm các mô hình phù hợp khai thác phát triển du lịch thì càng mừng hơn. |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin