Thầy thuốc lấy chữ "giúp đời" làm đầu

06:02, 25/02/2019

Biết anh hơn 10 năm nay, chưa bao giờ BS Nguyễn Ngọc Thơ- Chủ tịch Hội Đông y TX Bình Minh- muốn chúng tôi nói nhiều về những cống hiến thầm lặng của mình đối với người bệnh, những hoàn cảnh khó khăn lại còn bệnh tật ngặt nghèo. 

Biết anh hơn 10 năm nay, chưa bao giờ BS Nguyễn Ngọc Thơ- Chủ tịch Hội Đông y TX Bình Minh- muốn chúng tôi nói nhiều về những cống hiến thầm lặng của mình đối với người bệnh, những hoàn cảnh khó khăn lại còn bệnh tật ngặt nghèo.

Anh luôn tâm niệm và khắc ghi món nợ ân tình đã vay từ người dân, vay từ những người thầy đã dìu dắt mình những bước đi quan trọng trên con đường đến với nghề y.

BS Nguyễn Ngọc Thơ- Chủ tịch Hội Đông y TX Bình Minh- thăm khám cho bệnh nhân.
BS Nguyễn Ngọc Thơ- Chủ tịch Hội Đông y TX Bình Minh- thăm khám cho bệnh nhân.

Được vinh dự hành nghề, có điều kiện cứu chữa người bệnh, không nề hà, từ nan những khó khăn trong cuộc sống, lấy chữ “giúp đời” làm trọng, đó là cái “đạo” của người thầy thuốc.

Nghĩa tình trả sao cho hết!

Nhiều, rất nhiều lần bắt đầu câu chuyện nghề thuốc, BS Nguyễn Ngọc Thơ luôn nhắc đến “người ơn” là BS Nguyễn Hồng Trung (chú Mười Trung)- nguyên Giám đốc Sở Y tế và cũng là người xây dựng nền móng cho ngôi nhà Đông y tỉnh Vĩnh Long lớn mạnh như ngày nay.

BS Thơ xúc động chia sẻ: “Không có chú Mười Trung thì không bao giờ tôi được đến với nghề thuốc và được như bây giờ, từ lớp học sơ cấp Đông y đầu tiên ở tỉnh, cho đến lớp học nâng cao sau đó ở TP Hồ Chí Minh, đều có sự chỉ đạo trực tiếp của BS Nguyễn Hồng Trung.

Những quyết định táo bạo về công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành y ngay trong giai đoạn kinh tế- xã hội còn quá nhiều khó khăn, sau mấy mươi năm nhìn lại mới thấy tầm nhìn xa và cái tâm của người lãnh đạo ngành y tế tỉnh lúc bấy giờ”.

BS Nguyễn Ngọc Thơ nhớ lại ngay từ năm 1982, khi mà cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn trăm bề thì rõ ràng chăm sóc sức khỏe nhân dân quả là một vấn đề lớn.

Khi còn lãnh đạo ngành Tây y, trong một chuyến về khảo sát khu vực các xã: Mỹ Thuận, Thuận An, Nguyễn Văn Thảnh (ngày nay), chú Mười Trung đã đề nghị Bình Minh cử 3 người học sơ cấp Đông y và 3 người học nữ hộ sinh sơ cấp.

Trong điều kiện thời đó, giao thông từ vùng sâu ra huyện thị chỉ có đường đò, có những chiều cán bộ họp trễ là phải ngủ lại qua đêm; do đó, nguồn nhân lực tại chỗ ở tuyến cơ sở theo phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại nhà” là một nhu cầu bức thiết.

“May mắn là tôi được đi học lớp Đông y đầu tiên đó. Có điều đặc biệt là các học viên được học trực tiếp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, học theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, học xong là về cơ sở có thể bắt tay ngay vào công việc”- BS Thơ giải thích thêm.

Đó là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời và cũng khắc sâu vào tâm khảm BS Thơ những kỷ niệm sâu sắc.

Sau mấy mươi năm, giờ đây đã là bác sĩ, có nhiều năm lãnh đạo Hội Đông y TX Bình Minh, những lần về TP Vĩnh Long công tác, hễ chạy ngang khu vực bệnh viện cũ ngày xưa BS Thơ không thể nào quên có căn phòng nằm sát mé lộ mang số 12, đó chính là văn phòng Khoa Đông y của bệnh viện.

Đối với anh, nơi đó như chiếc nôi đã chăm bồi những bài học vỡ lòng, nâng bước anh đi vào thế giới vô cùng phong phú và còn chứa đựng bao điều huyền diệu của nền y học truyền thống dân tộc. Và từ đó, anh như con thuyền bé nhỏ mải miết bơi trong cái biển học vô bờ của nghề cao quý- chữa bệnh giúp người.

Ý thức sâu sắc về nhân sinh quan đó, mà “cái sự học” của BS Thơ cũng là câu chuyện dài lý thú. Có một quyết định mà anh gọi là “chấn động”, khi giữa lúc đất nước đâu đâu cũng khó khăn, năm 1984, tỉnh Cửu Long đã “gồng mình” đưa 200 học viên lên học Trường Trung cấp Y học cổ truyền (nay thuộc Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh), tỉnh lo toàn bộ học phí, lo từng chiếc giường ngủ cho học viên, hàng tháng còn chở lên tiếp tế từ gạo, bột ngọt cho đến cái hộp quẹt.

Anh cho rằng, đó là món nợ ân tình quá lớn đối với quê hương, đối với người dân tỉnh nhà; đặc biệt công ơn của thầy Bùi Chí Hiếu, mà nhắc đến thầy Bùi Chí Hiếu, phải nhắc đến chú Mười Trung.

“Thọ giáo” thầy Nguyễn Tài Thu

Đang yên đang lành trong lĩnh vực Đông y, BS Thơ lại thi tuyển vào học chuyên khoa Tai- Mũi- Họng của Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, khi đó ở Bình Minh chỉ mới có một y tá chuyên khoa này.

Nhưng chính giai đoạn quảy ba lô ra Hà Nội quyết tâm theo đuổi thuật châm cứu siêu việt của GS Nguyễn Tài Thu, đã giúp cho BS Thơ phát huy hết tiềm năng trong việc phối hợp Đông- Tây y qua phương pháp thủy châm.

Bản thân chúng tôi có thời gian dài tiếp cận và chứng kiến tài năng siêu việt của GS Nguyễn Tài Thu qua thuật châm cứu, đặc biệt là trường châm (kim dài 6 tấc) và châm huyệt bách hội (đỉnh đầu); do đó, cảm nhận được nét tài hoa và hiệu nghiệm tuyệt vời cùng những mũi châm của người học trò- BS Thơ, khi điều trị các bệnh cấp, mạn tính bằng phương pháp thủy châm.

Hàng trăm ca từ thiện mỗi năm, hàng chục năm nay anh lặng lẽ cứu giúp rất nhiều gia đình khó khăn vượt thoát qua những căn bệnh hiểm nghèo.

Trong đó, có những gia đình bệnh nhân ở xa phải thuê nhà trọ ở lại hàng tháng, hàng năm trời, đã được điều trị miễn phí, lo cho tiền ăn, tiền ở và lo cả tiền xe sau khi hết bệnh về quê. Niềm vui, nụ cười của bệnh nhân, chính là món quà vô giá đối với người thầy thuốc có đầy đủ bản lĩnh, tâm đức hành nghề.

Như trường hợp bé Nhã Th. (10 tuổi, ở Khóm 2, phường Cái Vồn) mắc bệnh não úng thủy- căn bệnh đòi hỏi can thiệp phẫu thuật kỹ thuật cao của Tây y, rất tốn kém. Bé Nhã Th. được người nhà đưa đến đây điều trị trong tình trạng không đi được, phải bồng ẵm thời gian đầu.

Song qua hơn 1 năm kiên trì với phương pháp thủy châm do BS Thơ điều trị miễn phí, bé Nhã Th. đã khỏi bệnh đi lại tốt từ 2 năm trước, được đi học bình thường, là niềm vui lớn cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đây chỉ là một trong hàng trăm trường hợp đã được điều trị miễn phí, chứng tỏ tính hiệu quả cao của việc phối hợp Đông- Tây y trong công tác khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

Mẫu mực trong cuộc sống và hành nghề, với vai trò là Chủ tịch Hội Đông y TX Bình Minh, BS Nguyễn Ngọc Thơ đã tập hợp được một đội ngũ thầy thuốc, nhân viên tận tâm, tận lực, không khí làm việc hòa đồng, vui vẻ và thái độ gần gũi, thân thiện với bệnh nhân; nên nhiều năm qua nơi đây được xem là mái nhà ấm áp, yêu thương, làm dịu nhẹ nỗi đau, sự khó khăn của nhiều bệnh nhân nghèo.

Tâm đức, y đức lan tỏa tạo dựng được niềm tin yêu không chỉ đối với người bệnh, mà còn quy tụ xung quanh hội rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, thậm chí ở nước ngoài sẵn sàng chung tay, đóng góp cùng với Hội Đông y TX Bình Minh, đưa ra rất nhiều sáng kiến, mô hình mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bệnh nhân.

Điển hình, Hội Đông y TX Bình Minh là hội cấp huyện duy nhất trong cả nước cho đến giờ này, có được 2 xe chuyển bệnh từ thiện được điều hành và phục vụ hiệu quả trong thời gian qua.

Khi đặt vấn đề “kể lể” câu chuyện nghề thuốc với BS Thơ, anh cười cười nhắc về Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông: Trong Y huấn cách ngôn, Hải Thượng Lãn Ông đã quan niệm rằng: “Thầy thuốc là nghề cao thượng, vì thế phải giữ khí tiết cho trong sạch... Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của thiên hạ. Chỉ lấy việc cứu người làm phận sự của mình mà không cần lợi kể công”.

Hẳn nhiên, “kể lể” cũng chỉ nhằm mục đích càng cố gắng trau dồi, răn mình để giữ nghiêm giáo huấn của y tổ; người thầy thuốc lấy việc giúp đời làm trọng, làm mục đích tôn chỉ cao nhất, còn mọi vinh quang đều xuất phát từ hạnh phúc của bệnh nhân.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh