Vốn đam mê từ nhỏ, cùng những biến cố bệnh tật của bản thân đã đưa anh đến với nghề thuốc thành định hướng nghề nghiệp. Rồi như một cơ duyên, trở thành thầy thuốc "mát tay" đem niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, từng trải qua những khoảng thời gian dài đằng đẵng mong chờ, khao khát một đứa con.
Vốn đam mê từ nhỏ, cùng những biến cố bệnh tật của bản thân đã đưa anh đến với nghề thuốc thành định hướng nghề nghiệp. Rồi như một cơ duyên, trở thành thầy thuốc “mát tay” đem niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, từng trải qua những khoảng thời gian dài đằng đẵng mong chờ, khao khát một đứa con.
Anh là BS Nguyễn Phú Lâm- Chủ tịch Hội Đông y huyện Mang Thít.
BS Nguyễn Phú Lâm đang xem hồ sơ và tư vấn cho một cặp vợ chồng hiếm muộn. |
Đơn đặt hàng “hiếm muộn” đầu tiên
Cuộc trò chuyện chưa đầy 1 tiếng đồng hồ cùng BS Nguyễn Phú Lâm, nhưng bị ngắt quãng hàng chục lần vì điện thoại réo liên tục. “Bác sĩ ơi, vợ em có thai rồi!”; “Bác sĩ ơi, thuốc uống sao nóng quá?”; “Bác sĩ ơi, vợ em sinh rồi, con trai bác sĩ ơi!”… cùng rất nhiều thắc mắc, hỏi han về các liệu trình dùng thuốc và những cuộc hẹn đến khám bệnh, hốt thuốc.
“Vừa sáng sớm nay đã có điện thoại từ Sóc Trăng báo tin vui sắp có con của cặp vợ chồng hiếm muộn gần 10 năm rồi”- giọng BS Lâm cũng reo vui cùng niềm vui của người bệnh. Đó cũng là hạnh phúc lớn lao của người thầy thuốc.
Nhớ lại con đường đưa anh đến với nghề thuốc, nó có cái gì đó như “định đặt” của số mệnh. Hồi nhỏ BS Lâm được về chơi ở An Giang, thăm người bạn của cha là một lương y có tiếng trong vùng, hình ảnh “ông thầy bốc thuốc cứu người” gieo vào lòng anh niềm ngưỡng mộ.
Lớn lên chọn học ngành Đông y và có quá trình theo tập sự tại các nhà thuốc ở TP Hồ Chí Minh, lại là giai đoạn anh vướng vào căn bệnh di tinh khá nặng, cơ thể, tinh thần sa sút. Dù được các lương y bốc nhiều phương thuốc nhưng bệnh vẫn không dứt; sau này anh hiểu nguyên nhân là do các phương thuốc chỉ mới trị chứng mà không thể dứt căn.
Bản thân tự mày mò học hỏi thêm từ kho tàng y học cổ truyền để tự điều trị bệnh cho bản thân; đặc biệt là nền tảng “lục vị, bát vị” trong Y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông. Đây cũng là cơ sở để sau này, khi có cơ hội BS Lâm đã phát huy điều trị rất hiệu quả một số bệnh hiếm muộn ở nam giới.
Năm 2004, lương y trẻ Nguyễn Phú Lâm trở về quê hương Vĩnh Long, công tác tại Phòng Chẩn trị Hội Đông y huyện Mang Thít. Tại đây, bằng sự tận tâm với nghề, anh thường xuyên tổ chức những buổi khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo tại địa phương.
Nỗ lực học hỏi, trau dồi nghiệp vụ và y đức, đến năm 2006, Nguyễn Phú Lâm được bầu làm Chủ tịch Hội Đông y của huyện. Sau đó, anh theo học khóa đào tạo bác sĩ của ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, những kiến thức mới ở bậc ĐH giúp anh phát huy tốt những y lý, phương dược độc đáo của nền y học dân tộc cổ truyền; đặc biệt là nghiên cứu lý luận, thực hành trên lĩnh vực điều trị hiếm muộn vô sinh.
Hơn chục năm qua, sự “mát tay” của anh đã giúp cho hàng ngàn gia đình “chào đón tiếng khóc trẻ thơ”. BS Lâm chân tình chia sẻ: “Suốt đời tôi mang ơn bà Hai Thành, nhờ có cái “đơn đặt hàng” của bà Hai mà tôi tìm tòi, sáng tạo và nghiên cứu chuyên sâu về hiếm muộn”.
Năm 2004, bà Hai Thành (60 tuổi, ngụ Khóm 2, thị trấn Cái Nhum) là hàng xóm thường sang nhà anh chơi. Con gái bà Hai có chồng về Cà Mau đã 10 năm mà chưa có con. Nguyên nhân do tinh trùng của người chồng yếu; thụ tinh nhân tạo 6 lần vẫn không có kết quả. Nặng lòng với nỗi đau của vợ chồng con gái, bà Hai Thành đánh liều gợi ý lương y Phú Lâm tìm cách chữa trị căn bệnh vô sinh.
Dịp tết năm đó, vợ chồng chị Phượng (con gái bà Hai Thành) mang theo hồ sơ xét nghiệm Tây y liên quan đến khả năng sinh sản, lên gặp lương y Lâm. Sau đó, lương y bắt mạch và căn cứ vào các kết quả xét nghiệm Tây y, bốc cho chồng chị Phượng một thang thuốc có tên “Nhất dạ ngũ giao gia giảm”.
Tháng 7/2006, vợ chồng chị Phượng sung sướng đón con trai kháu khỉnh chào đời. Ngày bế con lên thăm “ân nhân”, cả bệnh nhân và thầy thuốc đã sung sướng ôm nhau khóc.
Từ đó đến nay, lương y- BS Nguyễn Phú Lâm trở nên nổi tiếng, được coi như “cứu tinh” của các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn.
Để chữa trị đạt hiệu quả cao, BS Lâm thường yêu cầu vợ chồng bệnh nhân mang hồ sơ, kết quả các xét nghiệm Tây y trước đó để biết chắc chắn nguyên nhân. “Với đàn ông thì phải có kết quả xét nghiệm tinh dịch đồng (tinh trùng); phụ nữ thì phải có kết quả siêu âm màu cổ tử cung, buồng trứng, chụp vòi trứng (HSG).
Xem hồ sơ, bắt mạch, đo huyết áp xong, có khả năng trị được thì bác sĩ Lâm mới bốc thuốc, còn ngược lại thì từ chối hẳn.
BS Lâm cho biết: “Trong nhiều năm qua, cũng đã từ chối rất nhiều cặp vợ chồng đến khám bệnh hiếm muộn nhưng không có khả năng trị được. Đó là những trường hợp bệnh quá nặng, vô phương cứu chữa, người thầy thuốc từ chối bởi không muốn lợi dụng bệnh nhân”.
Cứu tinh cho nỗi lo “tuyệt tự”
Cả 2 anh em trai trong một gia đình cưới vợ đã nhiều năm mà không sinh được con. Suốt gần 1 thập kỷ chạy chữa hao tiền tốn của mà vẫn thất vọng. Vậy nhưng, nhờ thầy lang “mát tay” Nguyễn Phú Lâm với những bài thuốc “thần diệu” đã giúp họ thỏa mong ước làm cha.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thái (39 tuổi, ấp Phú Thuận A, xã Nhơn Phú- Mang Thít) vui ra mặt khi kể về chặng đường gian nan chạy chữa căn bệnh “vô sinh, hiếm muộn”.
Theo lời kể, vợ chồng anh Thái cưới nhau được 12 năm vẫn không sinh nổi một mụn con. Nhiều năm chạy chữa khắp nơi, kể cả ở những bệnh viện phụ sản nổi tiếng, thế nhưng vẫn vô vọng. Đã có lúc, chán nản, người chồng làm được đồng nào là tung tẩy chơi bời, bỏ bê vợ. Năm 2007, trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, nghe người mách nước, vợ chồng anh Thái tìm đến BS Lâm nhờ chữa trị.
Anh Thái kể: “Khi đó, vợ chồng tôi mang hồ sơ bệnh tình qua cho bác Lâm xem, bắt mạch rồi mua thang thuốc về ngâm gần cả năm nhưng không uống vì không tin lắm. Bệnh viện nổi tiếng còn bó tay thì kiểu điều trị uống thuốc Bắc như bác Lâm thì làm sao có kết quả. Thời gian dần trôi, khi đó người thân cũng rơi vào hoàn cảnh hiếm muộn đến bác Lâm cho uống thuốc đạt kết quả. Thế là lúc ấy tôi bắt đầu uống, khi uống được 2/3 bình rượu thì có tin vui, sinh được đứa con trai kháu khỉnh”.
Kỳ diệu hơn, một nửa bình thuốc còn lại, anh Thái mang cho người em trai đã cưới vợ 4 năm mà chưa sinh con. Người này uống hết thuốc thì vợ có thai, sinh được một con gái. “Đến nay, trong họ tôi có 5 người bị vô sinh, hiếm muộn được BS Lâm chữa khỏi. Có người đã có được 2 mặt con như vợ chồng anh Nguyễn Hồng Kỳ (vợ là Nguyễn Hồng Thụy) ở ấp Phước Thới C, xã Bình Phước- Mang Thít”.
Theo tìm hiểu, bởi căn bệnh “hiếm muộn”, vì muốn có con, vợ chồng anh Kỳ đã phải cầm cố gần 2ha đất lên mướn mặt bằng gần một bệnh viện phụ sản nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh để điều trị. Kết cục tiêu tốn tiền của nhưng không có kết quả.
Trở về quê trong nỗi thất vọng, vợ chồng anh Kỳ tìm đến BS Lâm khi này đang nổi tiếng trong vùng, để nhờ chữa trị. Nhờ đó, không những sinh được con trai kháu khỉnh. Đến nay vợ chồng anh Kỳ hạnh phúc vì lại sinh được một “quý tử” nữa.
Một số ít điển hình trong số nhiều cặp vợ chồng đã được BS Lâm điều trị hiệu quả, để nói về một thầy thuốc dốc lòng nghiên cứu một số phương thuốc cổ truyền trong kho tàng mênh mông và vô cùng phong phú của nền y học nước nhà.
Điều này cho thấy rằng, nếu biết ứng dụng kiến thức của khoa học hiện đại, hậu thế sẽ còn tiếp tục phát huy, phát triển nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nền y học dân tộc góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân với chi phí tiết kiệm nhất có thể.
Có một số trường hợp hiếm muộn cần phải có sự can thiệp của Tây y và có sự can thiệp, ứng dụng kỹ thuật y tế cao mà chi phí điều trị tốn kém hàng trăm triệu đồng. Nếu ra nước ngoài như Thái Lan thì chi phí đến trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, có một số trường hợp vẫn có thể điều trị bằng Đông y đạt hiệu quả cao, an toàn, chi phí điều trị thấp. Mỗi ca điều trị hiệu quả tại phòng khám của BS Phú Lâm, chỉ trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Có những trường hợp bệnh nhân dị ứng với thuốc, không hiệu quả thì được khuyên ngừng thuốc và được trả lại tiền. |
Bài, ảnh: QUANG THUẦN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin