Tổ quốc nhìn từ biển đảo là cảm xúc trào dâng trong mỗi trái tim, hòa quyện trong tự tình ngàn năm của dân tộc. Một dân tộc hiền hòa, nhân hậu lấy đạo nghĩa làm trọng mà cũng gan góc lạ thường khi đứng trước những âm mưu xâm lược bá quyền.
Tổ quốc nhìn từ biển đảo là cảm xúc trào dâng trong mỗi trái tim, hòa quyện trong tự tình ngàn năm của dân tộc. Một dân tộc hiền hòa, nhân hậu lấy đạo nghĩa làm trọng mà cũng gan góc lạ thường khi đứng trước những âm mưu xâm lược bá quyền.
Chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn. |
Tổ quốc nhìn từ biển đảo đẹp lạ lùng từ dáng vóc một dải non sông, đẹp từ trong sâu thẳm niềm tự hào dòng máu con Lạc cháu Hồng.
Lịch sử dân tộc ngàn năm vốn đã bắt đầu câu chuyện về biển cả khi cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ đã chia nhau lên rừng, xuống biển.
Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc mình cũng đã biết bao nhiêu lần bắt đầu từ biển; làm sao kể hết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, máu xương đã hòa vào vị mặn mòi của đại dương bao la.
Biển cả trong dạt dào cảm xúc trái tim ta vì thế cũng luôn hòa quyện trong tình yêu thiêng liêng Tổ quốc!
Tôi nhớ mãi lần ra thăm đảo Lý Sơn, gặp một ngư dân đã ngoài 60 tuổi. Cái tay ông còn băng bó vì tai nạn trong lần đi biển bị cụt mất 3 ngón, vậy mà mắt ông vẫn đăm đắm nhìn ra khơi xa trông cho mau… khỏe khỏe lại tiếp tục những chuyến đi.
Những chuyến đi đã được truyền đời qua bao thế kỷ, ngang dọc khắp biển Đông, biển Tây, kia là Hoàng Sa, phía này là Trường Sa…
Mỗi lần ra khơi, mỗi chuyến lặn biển gieo neo nguy hiểm mà đời ngư dân được ví như “hồn treo cột buồm”. Còn thêm hiểm nguy vì dã tâm xâm lấn chủ quyền luôn rình rập, nhưng nào có hề chi: “Biển mình thì mình lặn, sợ cho mi!”- lão ngư dân Lý Sơn cười lớn mà mắt trừng lên như có lửa.
Những cuộc mưu sinh trở nên đẹp đẽ và vinh quang khi họ trở thành những cột mốc sống trên khắp vùng biển quê hương.
Đài Liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn. |
Từ hàng trăm năm trước, cha ông ta cũng từng mang trọng trách quốc gia đi mở rộng cõi bờ về phía biển; mang theo mình 7 thanh tre sẵn sàng bỏ thân giữa nghìn trùng sóng gió, để “vẽ” nên dáng hình Tổ quốc trọn vẹn hôm nay có Hoàng Sa và có cả Trường Sa, cùng với hàng ngàn những hòn đảo lớn nhỏ, gần xa trải dài từ vùng biển phía Bắc đến tận cuối trời phương Nam.
Một đất nước mở rộng bát ngát về phía biển có chiều dài trên 3.700km, hẳn có biết bao nhiêu cái lợi, cái thế với “hành lang biển” tuyệt vời này.
Nhớ lắm những chuyến đi ra thăm vùng biển, đảo Tây Nam, lại càng thấy đất nước ta quả đẹp vô cùng. Người dân đảo chân tình, hiếu khách như “níu lòng” người trong mỗi lần bịn rịn chia tay.
Những tên gọi thân thương từ trong nỗi nhớ: Thổ Chu, Nam Du, rồi hòn Chuối, hòn Khoai, hòn Đốc,… Nhớ những ly rượu chia tay với má Mười Hòn Chuối, nhớ ông già “Robinson” Ba Nhàn ở xã đảo Tiên Hải,…
Công viên tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây. |
Lâu lâu nửa đêm buồn, ông lại gọi điện thoại vô đất liền hỏi thăm đứa này, đứa nọ. Nhớ những người lính đảo, giờ đây đã trở thành… người nhà, hễ có dịp công tác lại “a lô” gặp nhau một chút thôi cũng đủ vui rồi.
Những chuyến đi làm đầy thêm cảm xúc và nối dài những nỗi nhớ thân thương.
Được ra thăm Trường Sa là chuyến đi đặc biệt trong đời, bởi lẽ nơi đó được mệnh danh là “Thủ đô của biển đảo Việt Nam”.
Không còn chỉ là sự tưởng tượng, nỗi khát khao mỗi khi được xem, được đọc những gì thuộc về nơi đây; hơn 1.000 hải lý cùng với tàu kiểm ngư KN 491 đã để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc khác nhau, nhưng sẽ cùng chung cảm nhận về sức sống mãnh liệt của một quần đảo tuyến đầu càng củng cố thêm niềm tin mạnh mẽ về chủ quyền của đất nước.
Thật lòng, khó nói hết cảm xúc khi được đặt những bước chân đầu tiên lên đảo Song Tử Tây, vừa háo hức mà vừa rưng rưng trào dâng trong lồng ngực.
Cảm nhận sức sống lạ thường của những hàng phong ba xòe tán lá xanh um làm dịu mát cái nóng như rang trên cát.
Có một góc đảo rất đặc biệt là một công viên nhỏ với rất nhiều những bóng cây xanh chen chúc nhau chạy dài ra tới mép biển, ở đó vươn cao nổi bật là tượng đài uy nghi của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, càng cảm nhận rõ nét diện mạo, sức sống và “thế đứng” vững chãi của Song Tử Tây.
Mà cũng là lời nhắc nhở đanh thép về những chiến công lừng lẫy 3 lần đánh tan giặc Nguyên- Mông của dân tộc ta; trong đó, bãi cọc Bạch Đằng vùi bao xác quân thù cùng với dã tâm rình rập, xâm lăng từ phía biển. “Rành rành” sách sử vẫn còn ghi.
Cùng với Song Tử Tây là các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca với điều kiện sinh hoạt tương đối thuận lợi khi toàn đảo được phủ xanh những bóng cây bàng vuông, cây phong ba, có cả những hàng dừa mang hình dáng gần gũi thân thương của đất liền.
Còn ở những bãi đá chỉ nhô lên mặt biển khi thủy triều xuống, thì chỉ trơ trọi những khối nhà xây dựng lên giữa mênh mông trời biển, mới hiểu được phần nào những thiếu thốn, khó khăn mà người lính đảo phải đối mặt.
Trong đó, cụm bãi đá Cô Lin, Len Đao nhắc mọi người nhớ đến một sự kiện đau thương trong trận hải chiến Gạc Ma.
Những người lính Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc nước, từng bãi đá ngầm chìm nổi giữa trùng khơi.
Và trong mọi hải trình đến với Trường Sa, đều không thể thiếu nghi thức nghiêm trang thả tràng hoa xuống biển tưởng nhớ những liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Những phút giây xúc động, nghẹn ngào mà vô cùng tự hào, tin tưởng tương lai.
Mỗi chuyến hải trình để lại biết bao tình yêu, nỗi nhớ; là khúc tự tình biển, đảo tựa sóng biển dạt dào vỗ mãi trong ta.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin