Những năm gần đây, giới "tao nhân mặc khách" truyền tai nhau về một thứ trà quý hiếm đất Việt với hương vị thơm ngon không giống bất cứ loại trà nào đang có trên thị trường, đó là trà Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa (tỉnh Sơn La).
Những năm gần đây, giới “tao nhân mặc khách” truyền tai nhau về một thứ trà quý hiếm đất Việt với hương vị thơm ngon không giống bất cứ loại trà nào đang có trên thị trường, đó là trà Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa (tỉnh Sơn La). Chúng tôi đã tìm về cội nguồn của dòng trà này, để nghe câu chuyện về đời trà, đời người nơi đây.
Đời người đi qua, đời cây ở lại
Nhắc tới Tà Xùa, người ta thường nghĩ ngay tới hình ảnh rẻo cao Tây Bắc với tiết trời trong lành, tinh khiết, nguyên sơ và đặc biệt là những cuộn mây trắng phau giăng kín lối mỗi khi tiết trời lạnh ẩm.
Những năm gần đây, Tà Xùa được biết đến không chỉ với tên gọi “thiên đường mây” mà đây còn là cái nôi, cội nguồn của những cây trà cổ thụ quý hiếm, hương thơm ngây ngất lòng người.
Vượt qua những con dốc gần như thẳng đứng, chúng tôi đi theo lối mòn đến bản Bẹ, cách trung tâm thị trấn Tà Xùa chừng 12km đường núi cheo leo, khúc khuỷu.
Đây là một trong những bản làng có nhiều cây trà cổ thụ nhất tại Tà Xùa. Ngay từ đoạn đường bê tông đang làm dở để dẫn vào bản, chỉ cần phóng tầm mắt sang sườn núi hai bên đường, ta có thể thấy những cây trà cổ thụ cao quá đầu người, thân cây xù xì mốc trắng, bám đầy địa y, tán và cành cây vươn rộng, to vài người ôm mới xuể.
Thu hoạch trên cây trà cổ thụ tại bản Bẹ - Tà Xùa |
Chúng tôi tìm đến nhà của một già làng trong bản và không khó để trao đổi thông tin với người dân tộc H’Mông ở đây, bởi đa số bà con đều rất thạo tiếng Kinh.
Khi được hỏi về thâm niên của những cây trà cổ thụ, người cao tuổi nhất trong số những già làng tỏ ra lúng túng.
Tuổi của những cây trà tại đây không thể tính theo năm mà phải tính theo đời người. Không ai biết chính xác các gốc trà cổ thụ có từ bao giờ, chỉ biết khi họ sinh ra cây đã lớn vậy rồi.
Chia sẻ với ánh mắt đầy nuối tiếc, già làng kể: “Cách đây vài năm, khi điện còn chưa về bản, nhà nào nhà nấy trồng ngô khoai sắn quanh năm vẫn không đủ ăn, chúng tôi phải chặt cây trà đi để trồng thêm khoai vì nếu có để lại, cây cũng không biết dùng làm gì.
Gần tới mùa đông thì chặt cây phơi khô để nhóm lửa sưởi ấm cho cả nhà và trâu bò qua được cái rét buốt. Đến khi bắt đầu có người vào thu mua trà thì chúng tôi mới biết cây có giá trị. Lúc ấy, số lượng cây trà đã bị chặt đi già một nửa”.
Đời người đi qua, đời cây ở lại. Những cây trà từng là nhân chứng lịch sử cho thăng trầm của biết bao đời người H’Mông tại bản Bẹ.
Người ta đem chặt những cây trà vì chúng không có giá trị kinh tế, vì cuộc sống mưu sinh, nhưng có lẽ đến khi dân trí tại đây phát triển tới một mức nào đó, chúng tôi tin họ sẽ tiếc nuối khi nhận ra mình từng phá hủy một thứ có giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc rất riêng của người H’Mông.
Khôi phục trà cổ thụ
Quay trở lại thị trấn Tà Xùa, chúng tôi tiếp tục hành trình của mình qua sự dẫn đường của một người dân bản địa. Người dẫn đường đưa chúng tôi tới một ngôi nhà khang trang ven thị trấn.
Vừa bước tới cổng, bao trùm không gian tĩnh mịch, hun hút giữa đại ngàn buổi xế chiều là một hương thơm vừa lạ vừa quen, đó là hương thơm của trà.
Chủ nhân nơi đây chính là anh Mùa A Khư (32 tuổi), cán bộ xã, người đầu tiên làm kinh tế trên cây trà Tà Xùa. Khi chúng tôi tới cũng là lúc khu vực sản xuất nhà anh Mùa A Khư vừa đỏ lửa.
Anh Khư không ngần ngại đưa chúng tôi vào tận nơi sản xuất trà, nhiệt tình pha một ấm trà mời chúng tôi thưởng thức và bắt đầu chia sẻ những câu chuyện về loại sản vật quý giá này.
Bà con dân tộc H’Mông mang trà đã thu hái về nơi tập kết |
“Mình sinh ra và lớn lên ở đây, cuộc sống gắn liền với cơm đấu sắn đấu ngô, với đói rét cùng bà con. Trước đây mình cũng giống như bà con, chẳng biết cây trà có giá trị gì.
Cho tới khi làm cán bộ xã, có cơ hội được xuống miền xuôi học, gặp gỡ những thương lái rồi mới biết những cây trà cổ có giá trị kinh tế rất lớn.
Suy nghĩ đầu tiên trong mình khi bắt đầu làm kinh tế cho cây trà là: Bà con mình sắp thoát nghèo rồi! Mình cùng những người đam mê trà từ dưới miền xuôi lên đã tìm cách sản xuất trà từ những cây trà cổ, mình học từ cách hái lá đến cách sao sấy trà rồi dạy lại cho bà con.
Mình muốn sản phẩm trà cổ thụ phải có hương vị thơm ngon đặc trưng mà vẫn giữ được bản sắc riêng của bà con H’Mông”, anh Khư chia sẻ.
Khi chúng tôi hỏi về những khó khăn, thách thức trong quá trình tìm cách đưa trà cổ thụ Tà Xùa vào sản xuất và mang ra thị trường, anh Khư trầm ngâm: “Khó khăn thì nhiều lắm, thậm chí là cả thất bại nữa, nếu kể về những thất bại thì phải nói cả ngày mất.
Nhưng hồi đó để tìm ra cách sản xuất, chế biến giúp trà đạt chất lượng ngon nhất, mình đã phải đổ bỏ rất nhiều tạ trà bị làm hỏng”.
Vừa nói, anh Khư vừa mang một nắm lá trà tươi mới thu hái lúc chiều đưa chúng tôi xem và chỉ những điểm khác biệt của trà Tà Xùa với trà ở các vùng khác.
Đó là ở kích thước lá trà to hơn, mà trên búp trà còn có một lớp lông tơ trắng mịn gọi là tuyết trà. Vì thế nên người ta mới gọi trà Tà Xùa là trà Shan tuyết. Nếu trong quá trình sản xuất không cẩn thận sẽ làm mất hết lớp lông tơ quý giá này.
Từ sự tỉ mỉ và chỉn chu trong từng công đoạn sản xuất, dần dần nhiều người đã biết tới trà Shan tuyết Tà Xùa. Hiện nay, những mẻ trà mà anh Khư làm ra thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Từ đó, bà con trong bản có công ăn việc làm ổn định, mỗi ngày chỉ đi núi thu hái trà, đi từ sáng sớm tới chiều rồi đem ngay về nhà xưởng của anh Khư cũng được từ 300.000 - 600.000 đồng/ngày, tùy theo sản lượng.
Cũng tại nhà của anh Khư, chúng tôi đã trò chuyện cùng anh Mùa A Kí (29 tuổi, người dân tộc H’Mông), một người cũng “đổi đời” nhờ trà.
Nhà anh A Kí vài năm gần đây chuyển từ làm nương rẫy sang làm trà. Trong gia đình, nhân lực làm trà chủ yếu là vợ và con anh, một ngày hai người đi hái trà trên núi từ sáng tới chiều, mỗi ngày cũng được 300.000 - 500.000 đồng, đợt nào vào đúng mùa thì được tiền triệu.
Thu nhập này là con số đáng mơ ước của gia đình anh, bởi trước đi làm nương rẫy, trồng ngô khoai sắn, một tháng thu nhập cũng không được quá 300.000 đồng.
Từ thu nhập đó, anh A Kí tích góp và vay mượn thêm, xây một ngôi nhà gỗ ở gần thị trấn cho khách du lịch, khách đi phượt thuê. Tại đó, anh A Kí bán và giới thiệu các sản phẩm trà Tà Xùa. Nhờ vậy mà gia đình anh đã thoát được cái đói, cái nghèo bao năm bủa vây.
Không chỉ có anh Mùa A Khư và anh Mùa A Kí, vài năm gần đây, trà cổ thụ đã trở thành nguồn thu nhập chính giúp bà con dân tộc tại Tà Xùa cải thiện cuộc sống.
Dù nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tâm huyết, mong muốn đem ra thị trường dòng trà sạch, chất lượng của đồng bào dân tộc H’Mông, những người con Tà Xùa sẽ đưa hương trà Shan tuyết cổ thụ bay xa…
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin