Hơn 11 năm qua, dù cho đàn vạc trú ngụ, làm tổ khiến vườn nhãn gần 2ha không còn chút hoa lợi nào, nhưng ông Lê Văn Chìa (72 tuổi, ở ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) vẫn quyết tâm bảo vệ, ngày đêm vất vả canh chừng người săn bắt.
Hơn 11 năm qua, dù cho đàn vạc trú ngụ, làm tổ khiến vườn nhãn gần 2ha không còn chút hoa lợi nào, nhưng ông Lê Văn Chìa (72 tuổi, ở ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) vẫn quyết tâm bảo vệ, ngày đêm vất vả canh chừng người săn bắt.
Cứ mỗi sáng đàn vạc lại bay về trú ngụ trong vườn nhãn. |
Khoảng giữa năm 2007, vườn nhãn nhà ông Lê Văn Chìa (Hai Chìa) bỗng xuất hiện đàn vạc vài chục con, nhưng càng ngày vạc đến càng nhiều hơn và cứ thế sinh sôi nảy nở, hiện tại theo ước lượng có thể lên đến hàng ngàn con.
Mỗi ngày, cứ khoảng 5- 6 giờ sáng là từng đàn, từng đàn vạc bay về. Mỗi đàn có vài chục con đến cả trăm con biểu diễn với những đường bay uốn lượn và tiếng đập cánh phành phạch hòa lẫn trong tiếng kêu oạc, oạc, oạc làm xao động cả một khung trời.
Lúc đầu, đàn vạc làm tổ và trú ngụ trên cây nhãn đã làm thiệt hại năng suất nhãn rất nhiều và cũng gây cho ông không ít khó khăn trong việc chăm sóc vườn, nhưng vì yêu quý chúng nên ông Hai cũng chấp nhận. Thời gian dần trôi, vạc sinh sản càng nhiều, những đọt nhãn bị vạc bẻ cong, chết khô để làm tổ, trú ngụ… Đến nay vườn nhãn hoàn toàn thiệt hai, coi như ông Hai mất trắng.
“Chỉ tính riêng khu vườn cho vạc ở là 15 công, mỗi công tôi trồng 20 cây nhãn, mỗi cây nhãn trên 25 năm tuổi, tính “nhẹ” thì mỗi cây cũng cho cả trăm ký nhãn một năm, lại thêm măng cụt cũng đã gần 20 năm tuổi. Nếu tính mỗi năm gia đình tôi thất thu cả vài trăm triệu đồng”- ông Hai Chìa nhẩm tính.
Khu vườn vạc của ông Hai cũng thường xuyên bị người vào bắn phá, bắt vạc. Nhiều lúc ông ra vườn thấy xác của những con vạc gãy cánh, nằm chết thối rất thảm thương. Vì vậy, ngày cũng như đêm ông Hai không ngại nắng mưa, tuổi già vẫn canh giữ quyết tâm bảo tồn đàn vạc hơn 11 năm qua.
Hệ thống chuông báo động do ông Hai tự sáng chế để bảo vệ đàn vạc.
|
Ông Hai tự sáng chế hệ thống chuông báo động bằng cách dùng miếng long đền (vòng sắt) quấn vào dây thun, một sợi kẽm làm chốt được nối với dây văng trong vườn thành hệ thống kín, để khi ban đêm có người vào vướng dây là được báo động ngay.
Vừa nói, ông Hai vừa giật sợi dây gân, tiếng ron… ron văng vẳng vang lên. “Ban đêm ban hôm, có bữa 8- 9 giờ tối, thậm chí 10 giờ, họ cũng vô chọc phá, bắt chim con. Nghe “mìn” kêu ron… ron thì chạy ra gặp ngay hai, ba người vào vườn”.
Mong ước của ông Hai là cơ quan chức năng sớm có phương án bảo tồn. “Giờ còn khỏe, còn bảo vệ được lũ chim, không biết được bao lâu. Sợ đến lúc tui không còn bảo vệ nổi thì đàn vạc này biến mất, thật vô cùng tiếc”- Ông Hai bộc bạch.
Bài, ảnh: HÙNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin