"Tượng đài Mẹ" giữa lòng quê hương

08:12, 20/12/2018

Đầy tự hào khi quê hương, đất nước đã có những bà mẹ gan góc đứng lên chống giặc ngoại xâm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cuộc đời mẹ Ngọt đã khắc họa lại một tượng đài sống mãi giữa xứ sở quê hương.

 

Bà Ba (con gái mẹ Ngọt- phải) và bà Sáu (con dâu mẹ Ngọt) ngồi nhắc chuyện chiến tranh, phía sau là bàn thờ những liệt sĩ- các con của mẹ Ngọt.
Bà Ba (con gái mẹ Ngọt- phải) và bà Sáu (con dâu mẹ Ngọt) ngồi nhắc chuyện chiến tranh, phía sau là bàn thờ những liệt sĩ- các con của mẹ Ngọt.

Cuộc chiến tranh đã qua đi song để lại nhiều đau thương mất mát trên mảnh đất này. Đối với các bà mẹ Việt Nam anh hùng, vết thương lòng từ những mất mát đau thương ấy sẽ khó lành và là nỗi đau không có gì bù đắp được.

Không đau làm sao được khi mà chồng và 6 người con của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt (1910-1997) đã ngã xuống để góp phần dựng xây cuộc sống thanh bình hôm nay.

Và, cũng đầy tự hào khi quê hương, đất nước đã có những bà mẹ gan góc đứng lên chống giặc ngoại xâm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cuộc đời mẹ Ngọt đã khắc họa lại một tượng đài sống mãi giữa xứ sở quê hương.

Bà Võ Thị Lệ (bà Ba, 85 tuổi)- con gái thứ ba của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt- nhớ về những mất mát, hy sinh trong chiến tranh, những vết thương lòng còn nặng trĩu trong người mẹ quá cố của mình bằng hồi ức rưng rưng.

Năm 20 tuổi, “tiểu thư” Nguyễn Thị Ngọt- con điền chủ ở xã Phú Lộc (Tam Bình)- theo chồng về làm dâu ở Phú Hòa Yên. Suốt cuộc đời tần tảo vì chồng, vì con, cao hơn nữa là vì đất nước mình. Chồng mẹ Ngọt- ông Võ Văn Sanh- đã tham gia kháng chiến từ thời “tầm vông vạt nhọn” kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta từ năm 1946. Gánh nặng gia đình với đàn con thơ dại (8 người con: 7 trai và 1 gái) đặt tròn trên vai mẹ. Hết giặc Pháp rồi đến giặc Mỹ, mẹ Ngọt lần lượt tiễn 6 người con đi theo chí hướng của cha, theo tiếng gọi Tổ quốc.

Có ai sống ở mảnh đất Phú Hòa Yên (ấp Phú Hòa Yên, xã Song Phú- Tam Bình) mới thấy hết sự chịu đựng lớn lao của mẹ. Nhà cách tề xã Song Phú hơn 1km, thêm vào đó 3 đồn giặc đóng theo hình tam giác cách nhà mẹ cũng một khoảng cách như thế. Đêm ngày rình rập, dòm ngó căn nhà có 7 người là Việt cộng này. Thương chồng, nhớ con, mẹ Ngọt bấm bụng chịu đựng. “Má tui bị ở tù hoài hà, tụi nó đánh đập tra tấn dã man lắm. Anh Hai tui ở nhà mần ruộng với má cũng bị tra điện xỉu chết lên chết xuống nhưng 2 má con nhất quyết không khai. Vợ chồng anh Hai và má mần ruộng, nuôi heo, rồi làm đồ ăn gởi cho các con, nuôi chứa cán bộ”- bà Ba kể. Con dâu thứ hai của mẹ- bà Lê Thị Sáu (80 tuổi)- cứ sụt sịt, chậm nước mắt liên tục: “Mấy em chồng của tui cứ nói chị ráng lo cho má, hòa bình rồi giàu hay nghèo gì tụi em cũng lo cho chị. Ai dè, ngờ đâu chết hết trơn…”

Tháng 6/1962, một tin đau đớn đến với má, người con thứ tư Võ Bá Đương là bộ đội đặc công cơ động của tỉnh hy sinh ở tuổi 29 trong trận đánh ở Bằng Tăng (xã Mỹ Thạnh Trung). “Tụi nó ác lắm! Em tui bị chặt đầu rồi còn phơi xác 1 ngày ở chợ Cái Ngang. Lúc đó hay tin má tui như muốn bị khùng. Trước nhà có “cây cầu”, má ngồi trong đó suốt từ sáng tới chiều, khi vô dắt tay má ra mà mặt lơ ngơ không còn biết gì hết”.

Cách mạng miền Nam sục sôi cho Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, con trai út Võ Bá Mười Hai vừa tròn 16 tuổi đã tiếp bước theo cha và các anh. Con trai út trắng trẻo đẹp trai, má cưng như trứng mỏng đã quảy súng xin má cho ra tiền tuyến. Còn má thường thủ thỉ với chồng: “Ông chừa thằng út ở nhà hủ hỉ với tui”, nhưng rồi “thằng út” cũng theo cha và mấy anh đi đánh giặc. Con ra đi, chưa kịp về thăm má lần nào thì 2 năm sau (tháng 7/1969) má nhận tin báo tử bí mật gửi về.

Đau đớn nhất đối với má là trong năm 1970 má liên tiếp nhận 4 hung tin: chồng và 3 con hy sinh. Trong trận đánh bom ở quán Lệ Hoa cùng với liệt sĩ anh hùng Lưu Văn Liệt (cháu họ), con trai thứ 10 Võ Bá Chiến bị thương rất nặng. Bà Sáu nhớ lại: “Anh em lui cui với trái mìn như bắp chuối ngụy trang lá tre lá trúc rồi tối đó năn nỉ tui đưa qua sông. Tui chần chừ vì sợ 2 em đi sẽ chết thì Lưu Văn Liệt còn đùa: “Chị Hai đưa em qua lần này thôi, lần sau em về em hông kêu chị đâu, em bay qua không hà”. Vậy mà em tui nằm dưỡng thương cũng bị ăn đạn của địch (liệt sĩ Võ Bá Chiến hy sinh vào ngày 8/3/1970 ở chiến trường Cà Mau). Rồi 1 tuần sau đó, má tiếp tục nhận được hung tin chồng- ông Võ Văn Sanh- hy sinh trong trận càn của giặc. Chúng bắn vào hầm bí mật nơi ông đang núp ở Kinh Tư (xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân) vào ngày 15/3/1970.

Ngày 4/5/1970, má lại nhận tiếp hung tin con trai thứ 11 Võ Bá Lực hy sinh khi giặc đánh vào Quân y huyện. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, ngày 1/7/1970, trong chuyến công tác con trai thứ 6 Võ Bá Đức lọt vào ổ phục kích của địch, hy sinh tại xã An Khánh (huyện Châu Thành- Đồng Tháp). Và càng xót xa, đau đớn “đứt từng đoạn ruột” khi các con Chiến, Lực, Đức hy sinh bị giặc vùi mất xác. Rồi đến tháng 12/1971, má tiếp tục nhận hung tin con trai thứ 5 Võ Bá Thế- cán bộ Ban Tuyên huấn của tỉnh- hy sinh trong trận đánh ở xã Mỹ Lộc.

Đau thương mất mát như vậy thì còn nỗi đau nào hơn? Nhưng sống giữa vòng vây của giặc, má buộc phải nén lòng chịu đựng. Ngày ngày má vẫn đi mần ăn bình thường để giấu mọi người, che mắt giặc, nhưng đến đêm về thì má lại mượn rượu để nén đau, nén nỗi thương nhớ “từng núm ruột” của mình. Con dâu mẹ Ngọt- bà Sáu- bùi ngùi: “Có những lần giấy báo tử của các con từ chiến trường báo về, má thẫn thờ lặng im. Nhiều đêm dài sau đó má trằn trọc, thức trắng vì đau buồn, nhớ thương các con. Má khóc ướt cả gối, má ngủ hổng được, má uống rượu cho say má mới chợp mắt được”.

Nhắc tới mẹ chồng, những người em chồng, bà Sáu xúc động: “Tui về mần dâu năm 20 tuổi đến khi má mất, mẹ con khắng khít thương nhau dữ lắm. Má nói, mẹ nào cũng là mẹ, con coi má như má ruột của con. Còn mấy em chồng tui con trai mà thấy thương dữ lắm. Đi đánh giặc, đi học thì thôi, chứ hễ về thì chúi múi mần, chao rổ xúc tép ở ruộng; rồi thì củi, tàu dừa kéo vô chặt y như con gái. Trốn trong đám mù u cũng len lén ra mần ruộng, giặm lúa.”

Ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt trên bìa Báo Xuân Vĩnh Long năm 1996.  Ảnh: HUYỀN THANH
Ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt trên bìa Báo Xuân Vĩnh Long năm 1996. Ảnh: HUYỀN THANH

Cô Võ Thị Kim Thịnh (giáo viên về hưu là cháu chồng của mẹ Ngọt) xuýt xoa: “Tui coi bác dâu như má ruột của mình nên má con xúm xít bên nhau lắm. Má Tư tui là người hiền nhất xóm này, đẹp phúc hậu nhất xóm này. Đám giỗ bác Tư trai và các anh là má Tư tự mần giá, đổ bánh xèo, nấu cháo vịt. Tui hỏi má bộ các anh ưa ăn bánh xèo lắm hả. Má nói thương các anh con ít được ăn cơm nhà bữa nào cho ngon lành, về toàn ăn lén, ăn vội, ăn trong bụi không hà”.

Trên bộ ván ngựa, cô Thịnh ngồi học bộ cái dáng ngồi của mẹ Ngọt và nhớ lại: “Mỗi lần đám giỗ, bà ngồi trên bộ ván ngựa ôm gối, nhìn lên 6 di ảnh của các chú suốt cả ngày quên ăn. Có mấy con rết bò trên bàn thờ, bà hổng cho ai đuổi đập, nói tụi nhỏ về thăm...”

Con gái thứ 3 của mẹ càng lớn tuổi càng có nét đẹp phúc hậu giống mẹ. Đôi mắt bà Ba đôi lúc thẫn thờ, ngân ngấn nước. Bà vừa quệt nước mắt, vừa kể lại cái đoạn đứt ruột: “Thương má nhất là ngày hòa bình, bộ đội về nườm nượp, má con tui cũng bỏ ăn đứng dõi mắt ngóng trông. Má nói biết đâu, giấy báo tử hổng trúng bây, các em sẽ về với má!” Hòa bình rồi, tới mấy năm sau mẹ Ngọt vẫn ngóng trông ra cửa, coi có đứa nào còn sống trở về không…

Chồng và 6 người con hy sinh cho đất nước, nói sao hết những nỗi đau chất chồng theo năm tháng nhưng mẹ Ngọt càng tự hào vì đã dâng hiến những gì đẹp nhất, yêu thương nhất cho đất nước. Cuộc đời mẹ Ngọt đã khắc họa lại một tượng đài sống mãi giữa xứ sở quê hương!

 

Sáng nay (20/12/2018), tại xã Phú Lộc (Tam Bình), lễ khánh thành tượng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh trang trọng tổ chức nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tấm lòng tri ân của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tỉnh Vĩnh Long đối với mẹ Ngọt và những người mẹ anh hùng sẵn sàng hy sinh vì đất nước.


Mẹ Nguyễn Thị Ngọt vinh dự được Nhà nước phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” vào tháng 12/1994. Đồng nghiệp chúng tôi kể lại, mẹ đã từ chối căn nhà tình nghĩa mà địa phương định cấp cho mẹ với lý do “còn nhiều người khác cần nhà hơn, mẹ đã có nhà rồi”. Mẹ chỉ xin nhận tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất mà Nhà nước trao tặng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh