Những năm tháng đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh, cuộc sống của mỗi gia đình còn lắm khó khăn. Gia đình chúng tôi cũng thế, sáng sáng gửi con vào trường mẫu giáo rồi ai vào việc nấy những mong góp phần nhỏ của mình cho đất nước đang dần hồi phục những vết thương thời chiến…
Những năm tháng đất nước vừa thoát ra khỏi chiến tranh, cuộc sống của mỗi gia đình còn lắm khó khăn. Gia đình chúng tôi cũng thế, sáng sáng gửi con vào trường mẫu giáo rồi ai vào việc nấy những mong góp phần nhỏ của mình cho đất nước đang dần hồi phục những vết thương thời chiến…
Cũng như nhiều người, tôi rất thiện cảm với nghề giáo bởi bà xã đang là giáo viên dạy ở trường phổ thông và hàng ngày chúng tôi vẫn phải nhờ các cô giáo ở trường mẫu giáo nuôi dạy cho các con còn rất nhỏ của mình.
Nhìn qua công việc hàng ngày của các cô ở trường, tôi tự cho mình có chút may mắn khi cưới được một cô vợ không phải là giáo viên dạy ở các trường mầm non như họ! Bởi sáng sáng, khi vợ tôi còn có chút thời gian lo điểm tâm cho chồng con trước khi đi dạy học, thì các cô mẫu giáo đã đến trường rất sớm để chuẩn bị đón học trò của mình như là đón những “đứa con”.
Chiều đến, khi chúng tôi hạnh phúc đón những đứa con yêu quý sạch sẽ, xinh xắn của mình với nụ cười rạng rỡ tại cổng trường thì chính các cô lại là những người còn ở lại trường làm cho hạnh phúc ấy thêm đong đầy khi vui vẻ giao chúng tận tay chúng tôi. Chẳng thế mà ở nhà con chúng tôi thường tự tin hát véo von một cách thích thú về hai người mẹ: “Khi đến trường mẹ là cô giáo, mẹ và cô là hai mẹ hiền!”…
Có vẻ sự phân công xã hội là như thế, nhưng với vai trò làm cha như tôi nhiều khi ngắm nhìn các con của mình ngoan ngoãn dần dần lớn lên mới cảm nhận ra rằng mình còn nợ các cô giáo ấy một món nợ ân tình, bởi việc dạy trẻ ở cấp mẫu giáo đâu đơn giản chỉ có mấy việc như vừa kể.
Tôi và một anh bạn thân có những kỷ niệm nho nhỏ nhưng sâu sắc về món nợ đó: Hôm ấy, gần giờ tan tầm của buổi làm việc chiều thì anh ta được vợ điện bảo phải rước con. Đâu có việc gì phải lo vì đã quen như lúc con mình còn đi mẫu giáo mà quên phức nó đã lên lớp 1, nên khi cơ quan thình lình có khách quý đến thì anh quên lửng việc vợ giao.
Bảy giờ tối mưa rơi rả rích, tiễn khách ra về sau buổi tiệc bỗng chực nhớ việc mình phải làm, anh hộc tốc đến trường của con. Đường vắng, đèn đường vàng vọt, anh thấy mình “vô cùng có lỗi”- lời của anh- khi thấy đứa con trai tội nghiệp của mình đứng co ro thút thít khóc trước cổng trường vì sợ… ma!
Trường hợp của tôi còn tệ hơn, vì tương tự như anh nhưng con gái tôi thì còn đang học ở Trường Mẫu giáo Mầm Non A của TX Vĩnh Long, cũng 7 giờ tối tiễn khách xong tôi mới chợt nhớ đến việc phải rước con mà vợ đột xuất giao hồi chiều và cũng hộc tốc đến trường.
Tại sân trường, con gái tôi đang khóc ri rỉ trên tay cô giáo vì cô đang nách nó bên hông để dỗ dành, tôi còn nhớ chân con tôi dài thòng xuống khỏi gối cô giáo, cô còn nói với tôi: “Em mua cho cháu một quả trứng vịt, ăn rồi nhưng chưa chịu nín”.
Chẳng nhẽ lúc đó tôi đành thú thật: nín sao được cô giáo, cha nó còn muốn khóc nữa là! Và như thế đối với tôi món nợ ân tình với cô giáo ấy từ thời khắc đó quả là rất đặc biệt, bởi nó đã được cụ thể thêm bằng… một quả trứng vịt thật sự, còn nếu phải đánh giá về trách nhiệm phụ huynh của mình theo thang điểm 10 thì đó là một “điểm hột vịt”- một điểm “O” to tướng- bởi hôm đó do quá “quê độ” tôi đã vội vàng đón con về nhà mà quên luôn chuyện xin lỗi cô giáo và tệ hơn nữa là quên cả món tiền mà cô giáo mua quả trứng ấy cho con gái mình…
Mấy mươi năm trôi qua, những đứa con của tôi đi mẫu giáo ngày ấy bây giờ cũng đã có con đi mẫu giáo, đón các đứa cháu từ trường về tôi càng thấy mình nợ và thương mến các cô mẫu giáo ngày xưa ấy nhiều hơn…
Càng thấm thía hơn khi có một lần tôi được gặp lại một cô giáo của Trường Mẫu giáo Mầm Non A nay đã về hưu gọi đúng tên đứa học trò cũ của cô để hỏi thăm chuyện gia đình của nó. Đứa học trò cũ đó của cô chính là đứa con đầu lòng của tôi. Ôi, đó đâu chỉ là một lời hỏi thăm…
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin