Ra đời từ khoảng 200 năm trước, làng trống Lâm Yên (thôn Ấp Nam, xã Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam) một thời vang bóng với các loại trống chầu, trống cái, trống cơm, trống dăm luông... Tuy nhiên, nay làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một vì không có người nối nghiệp cũng như thị trường ngày càng thu hẹp.
Ra đời từ khoảng 200 năm trước, làng trống Lâm Yên (thôn Ấp Nam, xã Đại Minh, Đại Lộc, Quảng Nam) một thời vang bóng với các loại trống chầu, trống cái, trống cơm, trống dăm luông... Tuy nhiên, nay làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một vì không có người nối nghiệp cũng như thị trường ngày càng thu hẹp.
Làng trống Lâm Yên đang đứng trước nguy cơ mai một vì không có người nối nghiệp và thị trường ngày càng thu hẹp. Ảnh: NGỌC PHÚC |
Khó cạnh tranh
Nếu trước đây cả làng có hơn 20 gia đình làm trống với số lượng lên đến 2.000 chiếc/năm thì nay chỉ còn tính bằng chục và số người làm trống chỉ vỏn vẹn ở con số 4. Bám nghề chủ yếu là những người lớn tuổi, trẻ nhất cũng hơn 40 tuổi, thanh thiếu niên hầu như vắng bóng.
Ngay cả Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Làng nghề truyền thống trống Lâm Yên (xã Đại Minh) Phan Văn Hiệp cũng đã không nhận làm trống nhỏ nữa.
Chủ yếu làm trống dăm luông. Đây là loại trống to được làm từ thân cây rỗng ruột bịt da trâu 2 đầu (còn có tên gọi khác là trống chùa vì chỉ có chùa mới đặt hàng). Hiện nay, nhà anh Hiệp gần như đã cất hết đồ nghề làm trống.
Chị Lê Thị Huệ (vợ anh Phan Văn Hiệp) chia sẻ, năm nay rất ế, khách đặt hàng ít, hàng làm sẵn có chở đi bán dạo nhưng thuê xe chi phí nhiều không có lời nên không sản xuất nữa. “Với loại trống dăm luông thì tìm cây rất khó vì rừng đóng cửa, đặc biệt loại cây rỗng ruột bây giờ cũng không còn nhiều nên cả năm nay không làm được cái trống nào dù chùa đặt hàng”, chị Huệ cho biết.
Cách đó không xa, gia đình ông Phan Văn Lâm vài năm nay cũng chỉ làm trống cho các nhà thờ hoặc bán trong Tết Trung thu hay mùa khai trường.
“Thời ba tôi thì làm thủ công, đến thời tôi thì làm, bằng máy móc. Mẫu thay đổi liên tục, giờ trống chuẩn đẹp hơn trước nhiều.
Nhưng tôi cũng không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm nữa, vì gỗ cứng khó làm đòi hỏi phải có sức khỏe tốt. Trung bình một tháng tôi làm khoảng 30 đến 40 cái trống để bán ra thị trường, loại này đơn giản, giá cũng rẻ hơn.
Còn trống hàng đặt thì chỉ làm khoảng 4-5 cái chất lượng, nhưng bây giờ cũng không dám nhận nhiều, sức khỏe tôi không tốt nên làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu”, anh Lâm nói.
Thương hiệu trống Lâm Yên từ lâu không chỉ vang danh trong tỉnh Quảng Nam mà đã được nhiều tỉnh, thành lân cận biết tới.
Năm 2012 HTX Làng nghề trống Lâm Yên được thành lập với chủ trương thu hút nghệ nhân tham gia sản xuất tập trung, hỗ trợ sản phẩm đưa đi trưng bày, triển lãm tại nhiều hội chợ trong và ngoài nước…
Ngoài ra, từ nguồn khuyến công, HTX đã hỗ trợ cho xã viên mua sắm máy móc, công nghệ phục vụ chế tác như: máy cưa vòng, bào, tiện, khoan… giúp tháo gỡ bớt khó khăn cho làng nghề. Tuy nhiên, đến nay không chỉ không phát triển nhân rộng mà sản xuất và buôn bán theo kiểu mạnh ai nấy làm.
Ông Phan Văn Hai (70 tuổi), người lớn tuổi nhất trong làng trống với thâm niên hơn 50 năm làm trống, cho hay:
“Thị trường hiện nay cạnh tranh khốc liệt, ngoài quốc lộ 1A từ Đà Nẵng trở vào, có rất nhiều cơ sở sản xuất trống, trang thiết bị hiện đại và sản phẩm trống bày bán rất nhiều với giá cả cạnh tranh. Gia đình tôi làm nhiều năm rồi nên khách đặt hàng đã biết và đặt hàng qua điện thoại, khi có trống chúng tôi sẽ chuyển đến tận nơi…
Còn ngoài thị trường họ bày bán rất nhiều nhưng chắc chắn chất lượng sẽ không bằng hàng do mình làm.
Hơn nữa, trung bình mỗi chiếc trống trung Lâm Yên giá bán từ 3 - 4 triệu đồng, thời gian dùng khoảng 7 năm da mới hỏng, nhưng lúc đó người ta cũng chỉ cần thay da là thành trống mới, do vậy khách hàng mua một cái trống thời gian sử dụng chí ít cũng được 10 năm mới mua lại.
Hiện chỉ còn vài hộ, ai làm được bao nhiêu thì làm, nói chung hồi trước có thể tích góp làm giàu nhưng bây giờ nghề này cũng đủ nuôi sống gia đình và lo cho con ăn học”.
Không người nối nghiệp
Không có người nối nghiệp là tình trạng chung của các làng nghề thủ công truyền thống hiện nay do lớp trẻ bận đi học, đi làm ăn xa hoặc không mặn mà với nghề.
Làng trống Lâm Yên cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu người kế tục. Trong làng hiện chỉ còn vài hộ sản xuất riêng lẻ. May mắn hơn, gia đình ông Hai còn có cậu con trai theo nghề.
“Nếu so với một số nghề khác, làm trống thu nhập cũng tương đối cao, có làm là có tiền nhưng lớp trẻ bây giờ ít đứa mặn mà. Cũng may con trai tôi biết nghề và chịu khó đi chào hàng tại các nơi nên cũng bán được lai rai”, ông Hai nói.
Với gia đình ông Lâm thì không có được may mắn đó. Những đứa con đều đi học xa, nhà chỉ còn mình ông làm, để duy trì nghề, ông cũng nhận sửa trống, công việc này dễ, thời gian làm ngắn, khoảng 2-3 ngày là xong.
“Năm nay tôi đã 50 tuổi, nhưng đau ốm liên miên, sức khỏe không như trước nữa, mà cái nghề này thì nặng nhọc, nhất là những loại trống được làm từ gỗ mít rất cứng, đòi hỏi phải mạnh tay, mà mình thì sức ngày càng yếu không biết theo được bao lâu nữa.
Chưa kể, thị trường hiện nay cạnh tranh cũng gay gắt. Thôi thì cứ được lúc nào hay lúc đó, khi nào không làm được nữa thì nghỉ thôi chứ biết làm sao”, ông Lâm trăn trở. Kể cả người trẻ tuổi và tâm huyết như anh Phan Văn Hiệp (40 tuổi) cũng gặp trở ngại do chỉ chọn đóng trống dăm luông vì tìm cây rất khó.
Ông Phan Hành, Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đại Lộc, thừa nhận, khó nhất hiện nay của làng nghề chính là không tìm được thế hệ kế thừa, vì lợi nhuận sản phẩm làm ra thấp nên không thu hút được người dân và lớp trẻ theo nghề.
Mặt khác, hầu hết thiết kế sản phẩm làng nghề còn đơn điệu, chưa sáng tạo ra được mẫu mã mới mang tính cạnh tranh.
Trong khi, hàng hóa sản xuất trên thị trường ngày càng đa dạng, tinh xảo, giá cả phù hợp… khiến sản phẩm làng trống Lâm Yên khó cạnh tranh, tiêu thụ nên để duy trì phát triển làng nghề thật sự là một bài toán khó của địa phương hiện nay.
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin