Nhìn di ảnh của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt, nghe những chuyện kể đẫm nước mắt về đời mẹ, chúng tôi hình dung rất rõ một người phụ nữ Nam Bộ truyền thống với đầy đủ "tứ đức" ngày xưa.
Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón thăm hỏi người thân gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt. |
Nhìn di ảnh của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt, nghe những chuyện kể đẫm nước mắt về đời mẹ, chúng tôi hình dung rất rõ một người phụ nữ Nam Bộ truyền thống với đầy đủ “tứ đức” ngày xưa.
Và khi gặp hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh, mẹ đã sống một cuộc đời tỏa sáng sự trung kiên, tiết liệt; lặng thầm phía sau những nỗi đau mà mẹ phải vượt qua nó lớn lao biết mấy. Sự hy sinh, chịu đựng của mẹ là phẩm giá của một anh hùng.
Có 2 chi tiết cô đọng đủ nói lên một người mẹ vẹn tròn việc nước với việc nhà. Vốn xuất thân là con gái cưng xinh đẹp của một gia đình điền chủ giàu có, đất đai bề bề ở vùng đất Phú Lộc; nhưng khi được gả về nhà chồng mẹ Ngọt sống thuận theo nếp nhà bên chồng, một tay gánh vác mọi việc nhọc nhằn, khéo léo làm đủ mọi điều lớn nhỏ chẳng nề hà, một lòng hiếu thảo để cho chồng an tâm, dốc lòng lo việc nước. Rồi sinh một đàn con chỉ duy nhất người con trai thứ hai ở lại nhà cùng mẹ Ngọt và người con gái thứ ba; còn lại 6 người con trai đều theo cha đi đánh giặc.
“Có nơi đâu như xứ sở Việt Nam này
những người phụ nữ âm thầm đưa chồng, tiễn con ra trận
đêm về ngồi đếm giông, đếm gió
đếm những âu lo bom đạn thổi qua đầu”
(“Tượng đài Mẹ”- Hà Ngọc Trảng)
Những khoảnh khắc đầu tiên bước chân vào nhà mẹ Ngọt ở ấp Phú Hòa Yên, cảm nhận như đầy ắp cả 3 gian nhà là niềm tự hào về sự tận hiến cho đất nước và xen lẫn nỗi niềm đau thương bàng bạc lan tỏa từ di ảnh trên cao mắt mẹ Ngọt vẫn như đau đáu sự chờ mong.
Trên bộ ngựa gỗ mun đã đen bóng màu thời gian, 2 người phụ nữ- một là người con gái của mẹ Ngọt đã 85 tuổi, một là người con dâu đã 80 tuổi- ngồi trên chính chỗ ngồi thường ngày của mẹ Ngọt ngày xưa. Họ nhắc lại thật nhiều và cũng đã khóc thật nhiều, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rằng chưa thể nào nói hết nỗi lòng của người mẹ đã mất đi cả chồng và 6 người con trai yêu quý của mình.
Trên bộ ván ngựa này, ngày xưa mẹ Ngọt thường ngồi xắt chuối cây, rồi quết trong cối đá dành để nuôi bầy heo. Căn nhà ngó mặt ra con sông Ba Càng, cùng với cả vùng đất này đã hứng chịu bao nhiêu là bom đạn, chứng kiến bao nhiêu hình ảnh bộ đội ta bị giặc bắn chết, rồi chặt đầu cặm cọc, phơi xác cả ngày ngoài chợ Cái Ngang.
Trong đó, có mấy người con của mẹ Ngọt. Đó là nỗi đau đã lặn vào tận cùng sự chịu đựng, đã có lúc quật ngã người phụ nữ kiên cường và mẹ có hơn 2 năm rơi vào căn bệnh trầm cảm lơ ngơ như kẻ tâm thần. Hình ảnh người đàn bà đêm đêm để chai rượu dưới chân giường, mỗi khi nỗi đau dậy lên trong đêm vắng mẹ lại lồm cồm ngồi dậy với chai rượu, cho say đi để nguôi ngoai bớt nỗi giằng xé ruột gan.
Không thể hình dung được, người đàn bà ấy vốn xuất thân là con gái nhà giàu có, khi được gả về nhà chồng với 30 công ruộng được cha mẹ mua ngay phía sau nhà làm của hồi môn! Nhanh chóng cởi bỏ “lớp áo tiểu thư”, mẹ Ngọt lăn mình vào mọi chuyện nhà chồng, một tay chèo chống lại còn tham gia nuôi chứa cán bộ, số tiền dành dụm để thỉnh thoảng mua đồ thiết yếu tiếp tế cho bộ đội.
Mẹ Ngọt thương yêu, quý mến bộ đội vì đó chính là hình ảnh của chồng, của con mẹ cũng đang lặn lội đâu đó trên khắp vùng đất quê mình, luôn đối đầu với bao gian khổ và sự chết chóc hy sinh có thể đổ ập đến bất cứ lúc nào.
Những cái chết trong chiến tranh nó thường trực đến mức trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng trong lòng mẹ. Nó trở nên niềm tin tâm linh thực sự khi mà sau khi bộ đội hy sinh, tụi giặc cũng đâu chịu buông tha, chúng tiếp tục khủng bố tinh thần người thân, và bà con trong xóm bằng việc chặt đầu cặm cọc, phơi xác chỗ đông người.
“Có nơi đâu trên trái đất này
chiến tranh nhẫn tâm như trò đùa thiên niên kỷ
mỗi gié lúa cũng nhuốm màu liệt sĩ
mỗi dòng sông cũng bầm đỏ vết đau thương”.
(“Tượng đài Mẹ”- Hà Ngọc Trảng)
Nỗi đau và tình yêu thương của người mẹ, luôn mong mỏi con mình sẽ còn sống sót ở đâu đó và có một ngày sẽ trở về với mẹ. Niềm tin đó theo mẹ Ngọt qua bao tháng năm, cho đến ngày giải phóng.
Bộ đội kéo quân về rầm rập bên sông, mẹ chạy ra ngó từng người một, rồi lầm bầm một mình: “Bộ đội về thấy ham, hổng biết có đứa nào còn sót hông con ơi!” Rồi mẹ biểu con gái, con dâu lội ra ngoài chợ đón bộ đội “coi có mấy em tụi bây hông”. Mẹ ngóng trông các con mình cho đến mấy năm sau ngày giải phóng vẫn
chưa thôi.
Người con dâu thứ hai- người gắn bó gần gũi mẹ Ngọt suốt mấy mươi năm- rơm rớm nước mắt khi thắp hương trước tượng mẹ Ngọt. |
Cuộc đời mẹ Ngọt còn quá nhiều điều cần phải được tiếp tục kể lại cho thế hệ mai sau, mãi mãi nhớ ơn và trân trọng hình tượng đẹp của người phụ nữ Nam Bộ trong đời thường và trong những hoàn cảnh đặc biệt của đất nước.
Câu chuyện về đời mẹ Ngọt cần được kể bằng nhiều hình thức khác, tầm vóc tương xứng hơn. Và việc xây dựng, khánh thành tượng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt, ngay trên quê hương Phú Lộc của mẹ, là việc làm đặc biệt ý nghĩa mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Long trân trọng dành cho một người mẹ có cống hiến “vượt mức chịu đựng” của một người phụ nữ bình thường.
Từ đây, tượng Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt sẽ nối tiếp sứ mệnh “kể chuyện” cho đời sau về một “huyền thoại Mẹ” trên quê hương Phú Lộc- Tam Bình.
“Tượng của bà ngoại rất đẹp, tôi cảm ơn chính quyền đã xây dựng tượng Mẹ Việt Nam anh hùng là bà ngoại, bà nội chúng tôi. Công trình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng rất có ý nghĩa để con cháu chúng tôi hướng về, nhắc nhở noi gương truyền thống cách mạng, ghi nhớ công lao các mẹ Việt Nam anh hùng”- anh Nguyễn Văn Hoàng (cháu ngoại của mẹ Ngọt) xúc động chia sẻ.
Chị Võ Ngọc Thu (cháu nội thứ 2 của mẹ Ngọt) xúc động: “Tượng giống bà nội quá, nhìn tượng nhớ bà nội của tôi lắm. Thương nội, nhớ mấy chú mà tối ngủ không được, nội khóc suốt. Sáng ra, tôi cuốn mùng cho nội thì gối nội ướt hết hà. Hòa bình về, có con cháu của nội rồi con cháu xóm giềng thủ thỉ, nội mới nguôi ngoai”. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin