Nghe mẹ nói hôm nay cả nhà ra đồng nước nổi chơi. Con hỏi ngay: Nước nổi là gì hở mẹ?
Nghe mẹ nói hôm nay cả nhà ra đồng nước nổi chơi. Con hỏi ngay: Nước nổi là gì hở mẹ?
Chiếc xuồng lắc lư, chồng chành, con líu ríu vịn ba, níu mẹ. Lần đầu tiên đi xuồng, mấy chú “khỉ con” thôi phá phách, chỉ ngồi im ru. Cuộc trò chuyện của ba mẹ và mấy chú khỉ con rì rầm trên nền âm thanh phát từ cây dầm của ba quệt xuống nước nghe tóc tách và tiếng rào rào của chiếc xuống va lên mặt nước.
Khoảng trời mênh mông nước hiện ra trong mắt con, thay cho đồng lúa xanh rì hay vàng ươm ngày nào con từng được thấy. Xa xa, bầy vịt chạy đồng lội tung tăng, mấy con ốc bươu nổi lềnh bềnh, đẻ trứng đỏ ao trên đám cỏ…
Ba mẹ bắt đầu vắt óc ra suy nghĩ và diễn giải. Không chỉ cần nói thế nào cho con dễ hiểu, mà còn hiểu đúng. Ừ thì, ba mẹ nói với con theo cách hiểu của mình. Vừa nói vừa “đi thực tế” như vầy, hy vọng sẽ giúp con có được bài học sinh động về mùa nước nổi.
Đó là mùa cả cánh đồng đã gặt lúa xong nên không còn lúa xanh, lúa vàng như trước đây con thấy. Là mùa nước nhiều ơi là nhiều tràn lên đồng, ngập lút mất bờ ranh. Con ốc, con cá… đẻ trứng, nở con rất nhiều dưới nước. Là mùa cây điên điển trổ bông vàng, bông súng đồng tim tím vươn dài, ngoi lên theo nước…
Mùa này, ông ngoại chống xuồng đi cắt cỏ về cho con bò nhỏ nó ăn. Cậu ba đi câu có cá rô, đặt trúm kiếm lươn. Bà ngoại hái bông điên điển, bông súng về để nấu canh chua. Mùa con nước lên, nước mang phù sa để lại trên đồng nên nước rút đi, ngoại sẽ trúng mùa, mua bánh cho con ăn nhiều hơn nữa... Biết không con?
Mẹ sẽ không nói con nghe, nhà khoa học nói với mẹ là từ hồi mấy nước ở thượng nguồn xây các đập thủy điện, lượng phù sa về đồng bằng giảm đi một nửa. Ông cũng nói với mẹ rằng, đồng bằng mình như cái dĩa- nước lũ lên tràn đồng, chảy ra diện rộng.
Ngày xưa, nước ung dung tự tại chảy vô những cánh đồng rộng lớn ở các tỉnh thượng nguồn nên chảy về hạ nguồn từ từ- người ta gọi là “mùa nước nổi” tức là nước lên từ từ giống như nó nổi lên.
Bây giờ người gọi là “nước lũ” tại vì nhiều nơi xây bít tròn tròn nước vào không được, phải chảy trong những không gian hẹp hơn nên nước lên cao và chảy mạnh hơn- hai bên bờ, sạt lở cũng nhiều lên… Mẹ không nói với con, bởi những lo toan dành cho người lớn như ba mẹ và vào hôm khác. Mẹ muốn con cũng có một mùa nước nổi “hồn nhiên” cho mình như ba mẹ đã từng có được.
Mẹ chỉ dặn con, nước nổi rất sâu và nguy hiểm đối với trẻ em nếu không có người lớn đi cùng. Cho nên, con không được bén mảng ra bờ kinh, leo lên xuồng. Không được thò tay bắt con ốc, hái cái bông dưới ruộng nhà mình, nguy hiểm lắm!
Mẹ cũng dạy con, khi lớn lên, phải biết giữ gìn mùa nước nổi, biết yêu thương mảnh ruộng quê mình, biết quý công lao vất vả của ông bà. Bởi chính sự gắn bó của ông bà bên mảnh ruộng đã bao lần đón nước nổi này, đã nuôi ba mẹ lớn khôn.
SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin