Cũng tại mùi khoai lang nướng

12:10, 08/10/2018

Đã lâu lắm rồi, tôi không cảm nhận được mùi khoai lang nướng đúng điệu như thế này. Vài củ khoai lang mật đỏ au cùng đôi ba củ khoai lang trắng, lớn có nhỏ có nằm lộn xộn trong mớ rơm đỏ rực. 

Đã lâu lắm rồi, tôi không cảm nhận được mùi khoai lang nướng đúng điệu như thế này. Vài củ khoai lang mật đỏ au cùng đôi ba củ khoai lang trắng, lớn có nhỏ có nằm lộn xộn trong mớ rơm đỏ rực. 

Khoai lang nướng- món ăn vặt gợi nhớ ký ức tuổi thơ.
Khoai lang nướng- món ăn vặt gợi nhớ ký ức tuổi thơ.

Trời ạ! Mùi khoai nướng! Cái mùi đồng quê rơm rạ tưởng như đã ngủ yên trong tiềm thức, nay lại tái ngộ nơi phố phường.

Chiều cuối tuần, trời bảng lảng mây. Kinh nghiệm dân gian nào có sai: “Đêm tháng 5 chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng 10 chưa cười đã tối”. Thời gian càng trôi gần về tháng 10, mặt trời càng khép mi sớm.

Hơi lạnh gặp thời thổi se se. Khu phố chiều đầy tiếng cười nói trẻ thơ cùng những lời thăm hỏi, bảo ban nhau nay sao bỗng im lặng lạ thường. Ừ mà! Giờ này, chắc nhà nhà đang quây quần bên mâm cơm. Tôi rảo bước tìm chút khoan khoái cho lòng mình. Bỗng! Mùi khoai lang nướng lan tỏa đâu đây. Ôi! Cái mùi đồng quê, dân dã, ngọt ngào.

Chú Hai nhà cuối dãy, ngước thấy tôi cười khà khà: “Ăn khoai lang nướng với chú nè con”. Nhìn chú, tôi nhớ quá đỗi những lần nhọ nhem mặt mũi, tụm năm tụm bảy cùng lũ bạn nướng khoai trong những chiều mùa đông đầy ắp kỷ niệm. Có điều khác, chú Hai trở khoai lẹ, đều hơn chúng tôi. Chú nhanh tay lật qua lật lại như thể khẳng định: “Già này cả một đời lặn lội với ruộng đồng, cây trái, bàn tay chai sạn hết rồi, nóng niết gì mấy củ khoai nướng rơm!”

Chú Hai giống cha tôi, năn nỉ hoài, năn nỉ mãi mới chịu lên ở cùng con cháu. Nhưng được dăm ba bữa, nhiều lắm cũng 10 ngày, nửa tháng là lại cắp giỏ đệm về với quê. Coi như cả đời người gắn bó thì mấy ai có thể quay lưng cho đặng đừng! Tôi không buồn hỏi sao chú Hai kiếm được rơm? Mà cũng chẳng cần câu trả lời: “Khói bay nhiều lắm không chú Hai?” Thửa đất trống mừ! Bác Sáu tổ trưởng mua định ít lâu nữa mới cất nhà cho thằng Phương mà cũng chưa kịp trồng cây trái gì. Trên đất, vài ba đọt phi lao bắt đầu lú nhú. Và, một ít rơm vàng cháy vội, tàn mau chắc chẳng ảnh hưởng nhiều đến ai. Tôi nghĩ vậy nên để mặc mùi khoai lang nướng chiếm ngự cả lòng mình.

Khoai chín, mùi thơm nức! Hai chú cháu như người đồng điệu, không ngại ngùng ngồi bệt trên vỉa hè thưởng thức khoai. Chú bảo: “Ăn như vậy mới ngon!” Cầm củ khoai cháy sém trên tay, khói chưa kịp bay vào mắt mà sao nghe như thể cay cay! Thành ơi! Tuấn ơi! Nương ơi! Mỹ ơi! Tụi mày có còn nhớ ngày cả nhóm rắn mắt trộm khoai nhà ông Mười, chạy tuốt ra cuối xóm vun lá khô để nướng. Đứa nào, đứa nấy giành giành, giật giật, vừa ăn vừa thổi phì phì, rồi nhìn nhau cười nghiêng ngả bởi mặt ai cũng lọ nghẹ lấm lem.

Bỗng! Chú Hai nhớ ra điều gì đó, đứng phắt lên: “Con ngồi đây, chú ra liền”. Vừa nói chú vừa quay đi như thể sắp muộn chuyến đò chiều. Quay ra, trên tay chú là bình trà mới châm nóng hổi. Vẫn tiếng cười khà khà, chú bảo: “Ăn khoai nướng phải có trà nóng mới ngon”.

Câu chuyện thời chinh chiến của chú xen lẫn những ký ức tuổi thơ về khoai lang nướng của tôi cứ trải dài. Từng củ khoai lang được lột vỏ, tách đôi. Khói nghi ngút. Bình trà cạn. Cuối con đường nội bộ, trăng bắt đầu treo trên đỉnh đọt cây sao. Tôi lặng im để nghe vị ngọt của khoai vẫn còn đọng nơi đầu lưỡi.

Không phải khi về già người ta mới quay quắt nhớ quê (như chú Hai), mà cuộc sống phát triển đến một mức nào đó, những người đã từng gắn bó với làng quê sẽ thèm những món ăn ngày cũ- những món ăn dân dã, đơn sơ nhưng đậm chất ruộng đồng- như khoai lang nướng chẳng hạn.

Trong tâm thức những người con vốn đã chọn cho mình con đường ly hương thì dù sống ở đâu vẫn luôn diễn ra một hành trình khép kín: Từ quê ra phố, từ phố trở về quê (giống như tôi).

Chút mùi gợi nhớ, chút mùi yêu thương cũng đủ cho lòng ta tìm về. Xin cảm ơn mấy củ khoai lang nướng rơm của chú Hai. Xin cảm ơn mùi khoai lang nướng năm nào. Mùi khoai- mùi của yêu thương và thương nhớ!

Bài, ảnh: DIỄM KIỀU

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh