Thuở trước, đầm Lâm Đen là nơi mưu sinh và trú ngụ của cư dân xóm bè rớ với những ngọn đèn sáng rực trong đêm tối để nhử cá, tôm vào rớ cho phiên chợ sớm mai. Giờ, ở Lâm Đen, đàn cò trắng thong dong tìm mồi giữa chiều phai nắng, tạo nên khung cảnh yên bình và thơ mộng.
Thuở trước, đầm Lâm Đen là nơi mưu sinh và trú ngụ của cư dân xóm bè rớ với những ngọn đèn sáng rực trong đêm tối để nhử cá, tôm vào rớ cho phiên chợ sớm mai. Giờ, ở Lâm Đen, đàn cò trắng thong dong tìm mồi giữa chiều phai nắng, tạo nên khung cảnh yên bình và thơ mộng.
Đàn cò trắng tìm mồi ven đầm |
1. Đầm Lâm Bình (thuở trước gọi là Lâm Đen, thuộc địa bàn xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), với diện tích khoảng 200ha, tựa chiếc gương khổng lồ soi nền trời xanh thẳm lơ lửng vầng mây trắng bay.
Khi mưa giăng kín đất trời, nước lũ đổ về, những cánh đồng ven đầm chìm trong biển nước mênh mông, từng đàn cá tung tăng bơi lội, tìm nơi tình tự để duy trì giống nòi.
Cửa đầm nối với sông Trường và sông Lò Bó, trước khi hòa vào dòng nước sông Thoa đổ ra biển cả qua cửa Mỹ Á.
Nơi hợp lưu những dòng nước lãng du, lượng tôm, cá khá phong phú, là nguồn thực phẩm chủ yếu hiện diện trong bữa cơm của người dân quanh vùng và chuyển đến phiên chợ làng xa.
Những bậc cao niên kể rằng: Thuở trước, nhiều người ở nơi khác đến đây mưu sinh với nghề bè rớ đánh bắt cá, tôm trên đầm. Họ mua những cây tre còn tươi, dùng rựa trảy sạch mắt tre rồi xếp sát vào nhau.
Sau đó, họ đặt 4-5 đà ngang, rồi dùng dây mây rừng buộc chặt từng cây tre vào đà với chiều rộng từ 3-4m. Những chiếc bè vững chãi, đủ sức ngâm mình trong nước, dãi dầu mưa nắng hàng chục năm, được kết nối từ 4-5 lớp tre như thế, xếp chồng lên nhau.
Phía đằng sau, họ làm một khoang như khoang thuyền, là nơi trú ngụ và sinh hoạt cho cả gia đình. Trước mũi bè là giàn rớ khá chắc chắn để đánh bắt cá, tôm.
Đêm tối, cả xóm bè rớ treo đèn sáng rực, lấp lóa trên mặt đầm để dẫn dụ cá vào tấm lưới khá lớn, cột vào bốn thân tre dài.
Mỗi lần hạ và cất rớ bắt cá, tôm kéo dài khoảng mươi phút với sự tham gia của nhiều thành viên trong gia đình nên khung cảnh rất nhộn nhịp.
Những chú cá mơ màng dưới ánh đèn chợt quẫy tung tóe, lấp lánh vảy bạc khi tấm lưới được kéo lên khỏi mặt nước.
Thuở ban đầu ấy, dân xóm bè rớ mưu sinh và cư ngụ ngay trên bè neo đậu trong đầm. Họ chỉ lên bờ bán cá, tôm và mua những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày.
Lâu dần, tình cảm giữa họ cùng với người dân trên bờ gắn bó mật thiết như anh em họ hàng. Họ chia sẻ mớ cá, tôm tươi rói vừa vớt lên khỏi mặt nước và nhận lại thúng lúa vừa gặt, rổ khoai vừa đào trên vùng đất gò đồi.
Thương cảm kiếp sống lênh đênh trên đầm nước, quan lại và cư dân bản địa đã nhường cho họ khu đất khá rộng để lập làng và sẻ chia ruộng lúa nước, đất gò đồi để họ làm kế sinh nhai.
Đời nối tiếp đời, họ an cư trên vùng quê nặng nghĩa ân tình. Xóm bè rớ thuở trước chìm dần vào dĩ vãng. Hậu duệ của họ giờ đã quần tụ bên bờ đầm thành xóm làng trù phú yên vui.
Sớm mai, con trẻ tung tăng cắp sách đến trường, thay cho những bé thơ quẩn quanh trên chiếc bè thuở trước. Nhiều người đỗ cử nhân, tiến sĩ, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, sống phương xa nhưng lòng luôn hướng về quê nhà.
2. Đầm Lâm Đen thuở trước giờ vẫn lắm cá, nhiều tôm, là nơi mưu sinh của nhiều người với việc giăng lưới, đặt đăng nò…
Tôi đã có dịp trải nghiệm khi cùng với người bạn đi dỡ đăng nò bắt tôm, cá trong đêm đông rét buốt. Gần 3 giờ sáng, tôi cùng với mẹ con anh bạn cuốc bộ hơn 1km, từ nhà đến bờ đầm, những cơn gió phả vào mặt lạnh buốt. Đêm tối, ven đầm vắng lặng tạo nên khung cảnh hoang vu.
Tôi phụ anh bạn đẩy chiếc ghe nhỏ xuống nước, chân giật thót như chạm phải điện khi lội vào làn nước lạnh như băng giá. Anh ái ngại: “Hay là chú ngồi trên bờ, trùm kín áo mưa cho đỡ lạnh, không khéo lại nhiễm bệnh đấy!”. Nhưng tôi vẫn nhất quyết bước lên ghe.
Anh đứng phía sau, dang tay chống sào, chiếc ghe lướt nhẹ trên mặt nước dần xa bờ. Những cơn sóng nhỏ vỗ nhẹ vào mạn ghe cùng với tiếng gõ nhịp của những người chài lưới làm lay động mặt đầm mênh mông nước giữa đêm tối.
Anh tranh thủ giảng giải: “Đánh bắt cá bằng đăng nò dùng lưới nhựa đan dày, cột vào hàng cọc tre cắm xuống đáy với chiều dài mỗi giàn từ 15-20m, cao 1,2m.
Phần cuối đặt 2 trái nò với khung bằng sắt và lưới nhựa nối liền với lưới chắn. Cá bơi men theo lưới rồi chui vào trái nò ở phần cuối giàn và nếu là cá lớn thì bị nhốt lại, không thể bơi trở ra.
Để tôm, cá vào nhiều phải luôn di chuyển giàn nò phù hợp với mức nước trong đầm”.
Làn gió đêm mang hơi nước lạnh buốt, dù đã choàng mũ len với vài lớp quần, áo và cả chiếc áo che mưa khá dày.
Chiếc máy ảnh trên tay tôi cứ run rẩy cùng sương đêm bao phủ làm cho khung hình càng thêm mờ ảo. Anh bạn vẫn dầm mình trong làn nước lạnh, đổ từng trái nò vào ghe.
Những chú tôm, cá nhỏ xíu búng mình như muốn trốn chạy dưới ánh đèn pin lấp lóa. Mẹ anh nhanh tay phân riêng từng loại tôm đất, cá và cua “để chúng vẫn còn tươi rói khi đến tay người mua”.
Cá, tôm được chế biến thành những món ăn đậm đà hương vị làng quê, tạo nên dư vị khó phai, làm bồi hồi cõi lòng người con xa xứ.
Tôi cũng đã ngủ bên bờ đầm cùng những người chăn vịt trong một đêm cuối hạ. Đêm đen như mực. Tiếng sấm chớp vang vọng phía trời xa.
Cánh đồng rộng hàng trăm hécta hoang vắng đến rợn người. Ánh sáng của chiếc đèn pin quét vào màn đêm để xua đuổi bầy chó hoang cứ lảng vảng gần chòi nhốt vịt.
Ban ngày, họ vác sào rong ruổi theo đàn vịt và đến tối thì ngủ luôn ngoài đồng để canh chừng chó hoang và ngăn ngừa kẻ trộm.
Câu chuyện luôn bị ngắt quãng bởi những tiếng động lạ và tiếng kêu hốt hoảng của bầy vịt. “Chúng tôi lùa vịt đi nhiều xứ đồng để lượm những hạt lúa rơi vãi sau vụ gặt.
Nhưng đến mùa khô thì phải chuyển vịt về chăn thả và nhốt ở đồng Bể cạnh đầm Lâm Bình này cho vịt có nước uống và bơi lội. Bởi vì, ở những nơi khác, nước khô cạn nên dễ phát sinh dịch bệnh…
Sau 3 tháng lội bộ và ăn ngủ với hơn 1.000 con vịt, nếu may mắn thì kiếm được khoản lãi gần 10 triệu đồng, gặp lúc vịt mắc dịch bệnh thì phải chịu lỗ vốn”, anh Nguyễn Hiệp nói.
3. Khung cảnh đầm Lâm Bình khá thơ mộng và yên bình với làng quê, ruộng đồng bao quanh. Phía Đông là dãy núi Dâu như tòa thành án ngữ ngăn những trận cuồng phong từ biển, phía Tây là dãy núi Làng che chắn bão dông.
Nắng ban mai trườn qua khỏi đỉnh núi Dâu rọi xuống đầm, phản chiếu mặt nước lấp lánh. Cư dân ở những xóm làng ven đầm hứng làn gió mát lành giữa trưa nắng oi ả, xua đi bao mệt nhọc.
Chiều phai nắng, sóng lăn tăn làm cho những ngọn cỏ dập dềnh như đùa vui trên mặt nước.
Những đám cỏ năn xanh non tơ phất phơ trước gió chiều. Từng đàn cò trắng thong dong tìm mồi ven bờ đầm tạo nên khung cảnh yên bình nơi đồng quê.
Những con chim nước cần mẫn kiếm ăn gợi lên hình ảnh người dân quê chịu thương chịu khó lặn lội mưu sinh trên đồng. Xa xa, nhiều ngư dân chèo ghe giăng lưới bắt cá trên mặt đầm.
Những âm thanh nhịp nhàng, dồn dập phát ra từ thanh gỗ gõ vào mạn ghe vang vọng trên đầm nước mênh mông.
Khi những tia nắng cuối cùng tắt sau ngọn núi Làng, hoàng hôn bao phủ mặt đầm làm cho cảnh vật mờ ảo, lãng đãng khói sương.
Nằm cạnh quốc lộ 1A nên đầm Lâm Bình sẽ là nơi thu hút du khách đến thưởng ngoạn nếu được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Du khách sẽ thỏa lòng khi ngắm “chim trời, cá nước” và thưởng thức món ngon chế biến từ các loại hải sản vừa vớt lên khỏi mặt nước tại hàng quán ven đầm.
Nhưng khung cảnh nơi đây giờ còn khá hoang sơ, tựa nàng thôn nữ vẫn còn chìm trong giấc mộng ngàn năm. “Chiếc đũa thần kỳ” nào sẽ đánh thức tiềm năng đó?
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin