Không còn chọn những điểm đến quen thuộc ở trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều du khách lại về vùng ngoại ô phố núi để tìm hiểu nét văn hóa, nhịp sống của buôn làng người K'Ho như một trải nghiệm mới của những ngày đến Đà Lạt mà không ở phố.
Không còn chọn những điểm đến quen thuộc ở trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều du khách lại về vùng ngoại ô phố núi để tìm hiểu nét văn hóa, nhịp sống của buôn làng người K’Ho như một trải nghiệm mới của những ngày đến Đà Lạt mà không ở phố.
Một nhóm du khách dạo bước tham quan tại làng K’Ho B’Nơr C dưới chân núi Langbiang. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Làng dân tộc K’Ho B’Nơr C nằm dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương) không còn xa lạ đối với du khách trong và ngoài nước những năm gần đây. Đó là một ngôi làng nhỏ vẫn giữ được nét mộc mạc, đơn sơ và bình yên của người dân nơi đây.
Mùa nhàn rỗi, trong những ngôi nhà gỗ với ô cửa sổ đủ màu sắc bắt mắt, người phụ nữ K’Ho miệt mài ngồi dệt thổ cẩm. Khách du lịch vào buôn, họ niềm nở tiếp chuyện và cũng không quên giới thiệu về sản phẩm dệt thủ công của dân tộc mình.
Chị Ka Hen (45 tuổi) cho biết, khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm nếu ai có nhu cầu mua sẽ được người dân nơi đây bán tại chỗ, xem như có nguồn thu nhập thêm lúc nhàn rỗi.
Du khách lưu giữ hình ảnh trên điện thoại những khoảnh khắc được trải nghiệm ở buôn làng K’Ho. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Là người đóng vai trò của “trung tâm lữ hành” ở buôn B’Nơr C, chị Rolan Cơ Liêng (33 tuổi) đã mở hẳn một khu vực đón tiếp du khách, trưng bày sản phẩm cà phê Arabica và giới thiệu quy trình sản xuất loại cà phê đặc sản này.
Với kỹ năng tiếng Anh thành thạo, Rolan còn đón cả những đoàn khách nước ngoài tới buôn làng. Sau khi giới thiệu cho khách về đặc sản cà phê địa phương, cô còn dẫn khách đi khắp buôn làng, kể cho họ về những nét văn hoá bản địa, cuộc sống của người dân hay về nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình.
Rolan chia sẻ: “Khách nước ngoài họ thích tìm hiểu về văn hóa lắm nên mình sẵn sàng bỏ thời gian để dẫn họ đi khám phá buôn làng nhằm quảng bá, giới thiệu về những nét riêng của người K’Ho. Đó cũng là một cách làm du lịch rất riêng của buôn làng”.
Khách tham quan tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc K’Ho. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Khi vừa kết thúc chuyến thăm, tìm hiểu quy trình sản xuất cà phê Arabica đặc sản ngay tại vườn, văn hóa và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người K’Ho, nữ du khách Trần Thanh Hải (Thành phố Hồ Chí Minh) òa lên thích thú: “Mình đi Đà Lạt nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên có trải nghiệm thú vị như vậy.
Các điểm đến như Thung lũng Tình yêu, Langbiang, hồ Than thở… đã quá quen rồi, giờ đi về buôn làng như thế này mới thấy ở Đà Lạt còn những điều thú vị khác nữa”.
Trong khi đó, ông Neil Sumer (du khách người Australia) cho biết, ông rất thích thu đi tham quan tìm hiểu văn hóa của người dân tộc bản địa.
Nhờ vậy, ông có thể khám phá cuộc sống đời thường, nét văn hóa tinh thần của người K’Ho nơi đây có sự khác biệt như thế nào đối với đất nước của ông.
Những năm gần đây, vùng ven Đà Lạt hình thành những buôn làng K’Ho đã và đang trở thành điểm đến mới lạ cho du khách.
Đó là làng con gà K’Long (xã Hiệp An, Đức Trọng), là làng dân tộc dưới đèo Tà Nung (xã Tà Nung, Đà Lạt), làng dân tộc Đa Blah, Long Lanh (xã Đa Nhim, Lạc Dương)…
Chị Ngọc Nhiên (du khách đến từ Cà Mau) cho biết, mùa hè này mẹ con có chuyến đi du lịch đến Đà Lạt, thời gian ngắn ngủi nhưng chị Nhiên dành hẳn một ngày mua tour du lịch khám phá ngoại ô Đà Lạt.
Khung cảnh yên bình trong một ngôi nhà giữa buôn làng. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Điểm đến đầu tiên là làng dân tộc K’Ho ở xã Tà Nung khiến mẹ con chị vô cùng thích thú. “Đến làng, chúng tôi được tìm hiểu về văn hoá của người dân địa phương.
Họ rất thân thiện và cởi mở, những người phụ nữ trong làng còn hái tặng con gái tôi xoài trồng trong vườn nên con bé thích lắm. Đúng là một kỷ niệm khó quên” - chị Nhiên kể.
Nắm bắt được nhu cầu của du khách, nhiều công ty du lịch, hãng lữ hành đã đưa một số buôn làng vào tour tham quan của mình. Qua đó, nhằm tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn khi nhiều điểm du lịch của phố núi Đà Lạt đã quá quen thuộc.
Ông Nguyễn Thư Bính, cán bộ Phòng Văn hóa huyện Lạc Dương cho rằng, tham quan du lịch ở các buôn làng dân tộc đang trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với những vùng ven của Đà Lạt.
Đặc biệt, ngay tại một số buôn làng còn hình thành những điểm dừng chân, quán cà phê, ăn uống, homestay… tại chỗ để phục vụ khách lữ hành nên du khách rất ưng ý.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin