Người ta thường cảm giác cô đơn chỉ khi có một mình. Vậy mà với không ít người, dù đang có nhiều người xung quanh vẫn có cảm giác cô đơn. Một điều nghịch lý nhưng lại là sự thật.
Người ta thường cảm giác cô đơn chỉ khi có một mình. Vậy mà với không ít người, dù đang có nhiều người xung quanh vẫn có cảm giác cô đơn. Một điều nghịch lý nhưng lại là sự thật.
Người chú của tôi thấy cô đơn trong chính trong căn nhà của mình. Chú kể, thời gian phần nhiều là đi “câu cơm”, chỉ có những phút ngắn ngủi dành cho gia đình. Vậy mà phút giây “quây quần”, mỗi thành viên lại say sưa đắm mình vào chiếc điện thoại, laptop.
Không ai làm phiền nhau, không ai chia sẻ cho nhau biết những điều mình đang nghĩ, không trải lòng với những người xung quanh mà đem chia sẻ ở một nơi không thật, với những người xa xôi và thậm chí là xa lạ. Nhiều lúc đến khi ăn cơm mà con chú cũng chẳng rời mắt được chiếc điện thoại.
Theo tôi nhận thấy, đó không chỉ là hình ảnh “quây quần” của riêng gia đình chú, mà của không ít gia đình thời công nghệ. Vậy còn giây phút hẹn hò thời công nghệ thì sao? Ngồi gần bên nhau mà vẫn thấy cô đơn, vì sự chia cắt giữa hai người là chiếc điện thoại.
Đứa em tôi vừa chia tay bạn trai tâm sự. Hai đứa học ở hai tỉnh khác nhau nên lâu lâu mới gặp được một lần. Vậy mà ngồi cạnh nhau, đang chìm trong không gian im lặng, chỉ có những ngón tay lướt qua lướt lại, đưa lên đưa xuống.
Anh tay cầm muỗng, mắt cứ len lén nhìn về phía ly sinh tố, vì sợ bỏ mất đoạn clip đang xem. Chỉ mới hai ba câu trò chuyện với em, anh lại với những ngón tay chấm, vuốt, lướt, còn đôi mắt đắm say dành cho màn hình điện thoại,... Hình như chiếc điện thoại đã trở thành “người anh yêu”. Em thấy thật cô đơn khi anh ở cạnh bên.
Tôi nghe được hai tâm sự của hai thế hệ, đến đây, tôi tự mình làm bài test. Tự hỏi, ngày xưa khi gặp những điều không biết giải quyết, những điều trong cuộc sống chưa trải qua tôi đều chạy đến hỏi ông bà hay cha mẹ, cô chú trong gia đình.
Giờ tôi lại hỏi “anh google”, tôi tìm đến những người ở tận “nơi xa” để hỏi, để họ tư vấn giúp. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội để liên kết với những thành viên trong gia đình. Khi họ là những người đã có kinh nghiệm, là những người từng trải.
Ôi! Tôi thật có lỗi, chính tôi làm mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, càng xa nhau hơn.
Sống trong thời công nghệ, tôi sợ mình thay đổi mà không hay, chẳng như không thương, không thích nữa thì “next” đi. Hãy “delete” những người ấy ra khỏi con tim. Mắc gì phải buồn, phải phiền vì họ. Rồi sợ vô cảm, phớt lờ, phẫn nộ tiềm ẩn trong tôi mà tôi không hay.
Và tôi cũng đã có kết quả của bài test, tôi đã nhiễm căn bệnh của thời đại nhưng chưa đến nỗi nặng. Tôi phải trị căn bệnh nghiện điện thoại này thôi.
Vì không có gì quan trọng trong cuộc sống bằng tình yêu và sự quan tâm của người với người. Tôi sẽ trân trọng giá trị tình yêu thương ấy. Không để những người yêu thương tôi, những người xung quanh ngồi gần tôi mà vẫn thấy cô đơn.
- MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin