Nghị quyết 01 ra đời là "bệ đỡ" cho du lịch Vĩnh Long, cùng với đó là những tâm huyết tràn đầy, tiềm năng, thế mạnh cũng không thiếu và sau hơn 3 thập kỷ làm du lịch kinh nghiệm cũng có thừa. Có thể kể thêm vài yếu tố nữa, vậy Vĩnh Long cần có gì nữa để cụ thể hóa những ý tưởng, ý chí đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Nghị quyết 01 ra đời là “bệ đỡ” cho du lịch Vĩnh Long, cùng với đó là những tâm huyết tràn đầy, tiềm năng, thế mạnh cũng không thiếu và sau hơn 3 thập kỷ làm du lịch kinh nghiệm cũng có thừa. Có thể kể thêm vài yếu tố nữa, vậy Vĩnh Long cần có gì nữa để cụ thể hóa những ý tưởng, ý chí đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
Đó là bản sắc, là cái riêng, nhưng phải chỉ ra một cách cụ thể, những cách làm cụ thể bằng thiện chí mời gọi sự tư vấn và tham gia trực tiếp của các đối tác chuyên nghiệp, đủ tầm. Bắt đầu từ những gì đang có trong tay, những cái có thể làm ngay được trước khi nói đến những hoạch định chiến lược, những câu chuyện vĩ mô có tính “lý luận” chung chung.
Du khách tham gia làm rẫy- tour của Homestay Út Trinh. |
Những tín hiệu khả quan
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời, Trưởng BCĐ phát triển du lịch tỉnh Vĩnh Long- đánh giá: “Cần thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, làm sao khắc phục, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01, đi vào những việc làm cụ thể tạo được nét nổi bật: đầu tư cơ sở hạ tầng gì, sản phẩm nào?” Đồng thời, ông nhấn mạnh cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Thực tế, cần ghi nhận những nỗ lực trong điều kiện hàng năm kinh phí dành cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn khá eo hẹp, nhưng chúng ta cũng đã làm được khá nhiều việc.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) tỉnh Vĩnh Long, phối hợp với Đài PT- TH Vĩnh Long thực hiện 10 tập phim giới thiệu du lịch Vĩnh Long, kết hợp truyền thông trên Báo Vĩnh Long, VTC, VTV,... cùng với công tác quảng bá du lịch đang được đẩy mạnh trong những năm qua là việc phối hợp giữa các ngành cũng khá tốt và ít nhiều đã có những tín hiệu khả quan.
Một số dự án lớn có tính chất là đòn bẩy phát triển du lịch Vĩnh Long, như: Tập đoàn Novaland ở TP Hồ Chí Minh trong hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua đã dự kiến thuê 50ha đất ở Mỹ Hòa (TX Bình Minh) đầu tư cho du lịch. Nếu dự án này được triển khai sẽ là động lực lớn để tạo nên vùng du lịch tiềm năng có thể kết nối vào đô thị Cần Thơ.
Một dự án đã từng được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặc biệt quan tâm, đó là Bảo tàng Nông nghiệp lúa nước Nam Bộ ở huyện Vũng Liêm, với vị trí thuận lợi nằm trong cụm di tích lịch sử văn hóa, gồm: tượng đài Lê Cẩn- Nguyễn Giao, Công viên văn hóa bia Nam kỳ khởi nghĩa, Di tích Vũng Linh và Khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Nhìn xa hơn chút về phía cù lao Dài với đặc sản vườn cây lâu năm, có khu lăng mộ thân mẫu Thoại Ngọc Hầu… Đây là vùng đất lưu dấu những bậc tiền hiền, những lưu dân đầu tiên từ miền Trung giong thuyền vào đây khai khẩn, lập ấp.
Tiếp nối là những ruộng lác mênh mông còn lưu truyền lại một trong những nghề truyền thống lâu đời của Nam Bộ, đó là xe lác dệt chiếu. Bước đầu, đã được Công ty Mekong Travel khai thác một số tour thử nghiệm khá thành công.
Sở VH, TT và DL xác định sản phẩm du lịch của Vĩnh Long là du lịch sinh thái miệt vườn, homestay kết hợp với văn hóa. Cùng với đó, là việc cần tiếp tục đa dạng, phong phú hóa các sản phẩm du lịch, nhất là tạo thêm nhiều dịch vụ hấp dẫn, kích thích tiêu dùng…
Theo hướng đó, Vĩnh Long cần mạnh dạn đi tìm “vùng đất mới” cho sản phẩm homestay, vốn đã có vòng đời sản phẩm khá dài và có dấu hiệu bão hòa trên 4 xã cù lao của huyện Long Hồ.
Vườn thanh trà hơn 20 công của ông Sáu Quận (xã Đông Thành- TX Bình Minh) đủ cơ sở vật chất phát triển thành điểm homestay trong tương lai. |
Đi tìm sự khác biệt
Nhớ lại từ hơn 15 năm trước, các tour từ TP Cần Thơ thường băng qua sông Hậu để trả khách tại xóm nhang gần bến phà thuộc địa phận TX Bình Minh để về TP Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, một số hãng lữ hành khai thác tuyến đường sông Măng Thít thường ghé lại cù lao Mây thuộc huyện Trà Ôn.
Tuy nhiên, việc đầu tư homestay ở đây khá sơ sài, nên không đủ sức hấp dẫn phân khúc thị trường khách trung- cao cấp, cũng như gây sự chú ý đối với các nhà làm tour chuyên nghiệp.
Như vậy, cái thế mạnh “sát nách” đô thị lớn Cần Thơ vẫn chưa phát huy được gì, khi mà nguồn khách lớn vẫn… “vô tình đi lướt qua nhau”; trong khi đó, cả một vùng làng nghề, cây trái đặc sản nằm trên cù lao Mỹ Hòa (TX Bình Minh) vẫn chưa thật sự được quan tâm quảng bá đến các đối tác tiềm năng.
Sông Hậu rẽ vào thị tứ Cái Vồn tại vàm Tắc Từ Tải (cạnh bến phà cũ), từ đây có một nhánh đổ về sông Măng Thít, trên đường đi ngắn ngủi chừng hơn chục cây số, dòng sông đặc biệt này đã kịp để lại trên đường đi của nó 2 loại trái cây đặc sản là bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa và cây thanh trà ở xã Đông Thành.
Trên dọc tuyến sông luồn giữa bạt ngàn màu xanh cây trái, là những xóm dân cư cố cựu đã về đây lập ấp và tạo dựng nên những làng nghề trên trăm tuổi, trong đó đến giờ còn giữ lại làng nghề đang phát triển rất thịnh là tàu hủ ky Mỹ Hòa.
Có thể tự tin mà giới thiệu với du khách rằng: tàu hủ ky, trái thanh trà và bưởi Năm Roi chính là những đặc sản của xứ Bình Minh mà không đâu có được.
Du khách có thể tham gia làm tàu hủ ky và chế biến thức ăn ngay tại lò. |
Bởi đúng bưởi Năm Roi mà trồng cách một dòng sông là phẩm chất đã khác nhau rồi; còn trái thanh trà mà đem trồng đất khác thì chỉ có… nuôi táng làm kiểng, vì nó sẽ ra trái vặt vẹo và không còn giữ được hương vị đặc trưng của nó nữa.
Còn đối với làng nghề tàu hủ ky, hỏi những nhà làm lâu đời ở đây tại sao tàu hủ ky Mỹ Hòa qua trăm năm vẫn danh trấn đồng bằng?
Ông Đinh Công Hoàng cho biết: Bởi khởi thủy làng nghề tại đây hơn trăm năm, dần về sau chính những người thợ trên cù lao này đã đưa nghề lan tỏa đi khắp nơi.
Nhưng cái giống tàu hủ ky này nó cũng khó tính, khó nết, nó khó từ nguồn nước, khó đến từng độ lửa và từng cơn gió trở trời cũng dễ bị mất phẩm chất. Nên tàu hủ ky bên dòng sông Cái Vồn trăm năm nay vẫn đậm đà hương vị danh bất hư truyền.
Nếu dịch vụ homestay đứng chân được trên vùng đặc sản này, thì chúng ta có thể tin rằng không thể có một “bản sao” thứ hai trong tình cảnh dễ dàng “ăn cắp bản quyền” của ngành du lịch như hiện nay.
Tuy nhiên, đây chỉ là sự giới thiệu một cách chủ quan những tiềm năng, những “cái mà chúng ta có”, tiếp nối là cần sự quan tâm đặc biệt và những chuyến famtrip về đây đối với các hãng lữ hành từ các trung tâm du lịch lớn cả trong và ngoài nước.
Những chuyến khảo sát, sự tư vấn và tham gia trực tiếp của những đối tác chuyên nghiệp trong quá trình hình thành, xây dựng nên những vùng đất mới, những vùng sản phẩm mới cho du lịch Vĩnh Long là vô cùng cần thiết.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin