"Đúng là xóm vắng xôn xao". Đó là lời mở đầu của lão Tám Minh ở đầu xóm, kể lại cuộc kháo nhau khá sôi nổi nơi quán nước bên đường; về việc Bùi Văn Ba (Ba Bùi) chặn lối đi trước nhà…
“Đúng là xóm vắng xôn xao”. Đó là lời mở đầu của lão Tám Minh ở đầu xóm, kể lại cuộc kháo nhau khá sôi nổi nơi quán nước bên đường; về việc Bùi Văn Ba (Ba Bùi) chặn lối đi trước nhà…
Nông thôn mới ngày nay. Ảnh minh họa: NGUYỄN PHẢI (TP Vĩnh Long) |
… Cái xóm nhỏ hình thành cách nay hơn nửa thế kỷ. Ngày đầu chỉ có anh em Bùi Văn Nhì, Bùi Văn Ba từ vàm Bà Cò đến ngọn cùng Rạch Dứa che chòi sinh sống.
Rạch Dứa lấy nước sông Tiền chảy xiên qua ấp Phú Thuận (xã Đồng Phú- Long Hồ). Cư dân bám rạch, khe, xẻo nước như đàn con chen chúc ôm bầu sữa mẹ.
Đến tận cùng rạch Dứa thì biến thành 5 nhánh như 5 ngón tay, đều có tên: Cây Gáo, Đìa Rún, Bờ Tràm, Xẻo Đình, Xẻo Rừng. Các xẻo đều có xóm.
Riêng lạch nước nhỏ nơi anh em Nhì, Ba sau 50 năm mới nở thêm các hộ dân, đều là con cháu của Nhì, Ba. Nhà này cách nhà kia chừng 5m, xa nhất 10m.
Con lạch đưa nước vào xóm đã nhỏ, mà còn bị bồi lấp, hẹp, cạn dần. Cứ ngỡ khi nở ra thành xóm, lạch này sẽ được cải thiện rộng sâu; lấy nước dễ dàng…
Nào ngờ… qua sự siêng năng của dân trong xóm mới này; lạch bị lấn 2 bên mé, đã cạn hẹp. Nước không thể vào.
Cả xóm phải ra xẻo ngoài gánh nước để sử dụng. Đường lại qua các hộ trong xóm chỉ là lối mòn vừa đủ để bàn chân; chẳng có chút vật chống lầy.
Ai cần ra khỏi xóm hay muốn đi nơi nào, thì lội mương, lạch, xẻo,… Cứ nhắm hướng “cắt” vườn.
Sức chịu đựng con người có hạn… Hơn nữa, xóm ngoài có nhiều gia đình kinh tế không hơn Ba; song, sinh hoạt, đời sống có phần thoải mái. Vì thế thôi thúc Ba cải thiện.
Trước tiên phải có con đường. Không…! Phải là cầu bê tông! Nghĩ vậy nhưng bỗng dưng Ba cảm thấy “dội”…
Bởi đầu cầu tương lai phía bên kia là đất Ba Hiện. Từ trước đến giờ, Ba chưa “qua lại”… Ở đây, mọi người đều biết Ba chí thú, chăm chỉ làm ăn; không tiếp xúc bên ngoài.
Giờ, buộc phải đến với nhau… Khó nhất là đầu cầu đâm thẳng vào nhà người ta. Rõ là tế nhị. Ý định bắc cầu tưởng bế tắc.
Bất chợt Ba nhớ đến cháu Đức là cháu ruột chị dâu Ba- nhà phía trong, cạnh nhà Ba. Nhiều đời 2 nhà sống gần nhau, ở đất này. Đức rất trẻ, giỏi giang.
Sau nhà cháu Đức là hơn mẫu chôm chôm, mùa nào thu hoạch cũng đạt hàng chục tấn. Hơn nữa Năm Manh- cha Đức- cùng Ba hiện làm sui một chỗ. Chắc chắn sẽ định vị được cầu. Như vậy đã có lối ra.
Cầu mới, nhanh chóng được khởi công. Trong lực lượng làm cầu, hình ảnh Ba nổi lên không chỉ do sự năng nổ… trong công việc; mà còn vì đây là lần đầu tiên người ta trông thấy Ba hòa mình với cộng đồng.
Thầy giáo Văn một hôm trông thấy, bảo Ba được tác động bởi tấm panô dựng nơi chợ Bà Cò: “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới!” nên nhiệt tình như vậy.
Nhanh như luồng điện, Đức thốt lên: “Hổng phải vậy… thầy ơi! Ổng sắm xe gắn máy gần năm nay, chạy về nhà chưa được!”
Cầu xây xong. Công việc ổn thỏa. Niềm vui bừng lên trong nỗi mong chờ. Nỗi lòng sâu kín của dân làng bấy nay cũng trỗi dậy qua lời hát ru con à … ơi bên cánh võng:
“Bắc cầu cho kiến bò qua/ Cho con chú xã qua nhà tôi chơi…!”. Cả bài: “Ví dầu cầu ván đóng đinh/ Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi/ Khó đi mượn chén ăn cơm/ Mượn ly uống rượu, mượn đờn kéo chơi…”
Giờ thì lý do không chỉ… “con chú xã” hay “mượn chén ăn cơm” mà lái buôn khắp nơi tới mùa chôm chôm, nhãn chín vào đóng thùng “bay” đi nước ngoài.
Người ta quên đi dưới chân mình con đường lầy lội, nhỏ hẹp; không ngăn nổi xe gắn máy ngược xuôi, tấp nập vào ăn hàng.
Đúng… “niềm vui chưa trọn”… “Cái sự đời chẳng ai ngờ…” Kể đến đoạn này, lão Tám Minh tỏ ra đau đớn, phiền muộn…
Sau vài lần xe gắn máy vào xóm chở hàng đi xuất khẩu; bỗng một sáng, xóm làng bất chợt rộn lên “cái tin” Ba Bùi đào đường đi vào xóm.
Con đường rộng chưa đến 5 tấc đất mà Ba Bùi đào một đường mương rộng 2 tấc dọc theo lối mòn. Người đi bộ không qua được.
Xe chở trái cây đành… thua. Cuộc “chạm mồm” “ác liệt” đầu tiên, do cháu Đức- người mà Ba nương tựa để xây cầu- “khai chiến”.
Lý do phá đường nhằm bảo vệ hoa lợi, khi nhãn, chôm chôm đến mùa thu hoạch. Cuộc cãi nhau không thể kết thúc. Đức đành “cầu viện” lực lượng “siêu cường”…
Ấy là cán bộ ấp, xã. Cán bộ ấp, xã đến nhà Ba cả buổi. Mọi người hy vọng sẽ thuyết phục được Ba. Bởi tỉnh, huyện nhà đang có “phong trào xây dựng nông thôn mới”.
“Sự kiện” này là điều kiện tốt để cán bộ xã, ấp tập dượt phương pháp, nghệ thuật trong công tác vận động quần chúng “đoàn kết xây dựng nông thôn mới”.
Thế nhưng, việc mong chờ cán bộ thuyết phục Ba tái lập con đường cho thấy vô cùng “thăm thẳm”. Vườn chôm chôm của Đức sắp thu hoạch.
Đức xin con mương ranh dài chừng 700m, đổ cát san lấp lót bê tông đến xóm Doi Đồn, rồi kéo dài về nơi bán chôm chôm chừng 2.500m.
Chi phí lên đến 46 triệu đồng tiền vật liệu, chưa tính công trợ giúp. Trước khi có “sự cố con đường”, Đức thu hoạch vụ mùa liền canh liền cưnên có tiền. Song, nhiều người trách Đức không kiên trì đấu tranh, bởi khi thắng, sẽ không phải mất số tiền lớn như thế.
Việc chặn đường là hành động thiếu tình, vô lý… Thân nhân Ba Bùi cũng có nhiều người ấm ức trước hành động của Ba.
Bởi con trai, con gái, dâu rể, cháu nội, ngoại đều bị nạn chặn đường, phải gởi xe gắn máy từ xa. Ba Bùi nào biết! Họ im lặng không gào thét bởi nghĩ phận mình là cháu con.
Chuyện con đường tạm im gần tuần; Ba cứ ngỡ chẳng còn ai dám đương đầu với mình nữa…
… Một sáng tinh mơ, Ba còn say ngủ thì vợ chồng Hổi- Hạnh lên tiếng: “Bác Ba đâu rồi?” Từ trong nhà bước ra, bằng lời nói như đạn đã lên nòng súng, Ba ngoéo cò: “Bọn bây có tức thì đi kiện đi!”
Hạnh nói: “Bác ơi! Tôi mắc cỡ lắm! Làm sao thắng mà thưa với kiện! Dân làng sẽ cười tôi. Tôi sợ lắm!” Hạnh bật khóc nức nở.
Hạnh nói: “Tôi không chỉ khóc cho mình, mà còn khóc cho bác nữa đó! Cho sự tầm thường…! Chỉ có búa rìu, tòa án dư luận xử bác. Bác không né tránh được đâu. Luật bất thành văn đang trị bác đó!”
Dân làng xúm lại trước nhà Ba nghe giảng đạo làm người. Vợ chồng Hạnh toát lên dáng dấp nhà truyền giáo tạo sự hấp dẫn lạ.
Hạnh vẫn tiếp tục “rao giảng”: “Bác gieo nhân hạt nào thì sẽ gặt hái quả đó! Hãy đợi đấy!” Ngừng một giây, Hạnh khẳng định chắc nịch: “Bác sẽ tự giết mình! Bác không biết cân đối giữa con với người! Chỉ nặng phần con!”
Mọi người đều cảm nhận, ấy là lời “tiên tri” của Hạnh.
***
Sự phẫn nộ về con đường xóm mới không hề giảm. Nỗi căm tức Ba Bùi luôn âm ỉ và đã có những trận gào thét làm xóm làng “hết đìu hiu”.
Vũ khí của họ là những ngôn từ, những hình tượng mà lúc bình thường chả ai dám sử dụng. Đang đàm luận sôi nổi việc chặn đường, bất chợt Bảy Xiếu lên tiếng: “Ba Bùi lúc vui rủ nhau thảy đáo, bắn bi.
Khi xích mích, vén quần đái vào lỗ!” Mọi người cười ầm lên. TưNga vỗ mạnh vào vai Xiếu: “Mầy nói bậy quá Xiếu ơi!”
Ông Tám Thống- nhà xóm bên- tự hào về xóm làng mình khi nhìn “nhân tình ấm lạnh” của Ba Bùi… Ông nói: “Bên tôi có 4 con đường vào xóm, mỗi con đường gần cây số.
Trong năm 2017 “bê tông hóa” rộng thênh thang. Dân làng bảo nhờ “trợ duyên”. Đúng là “trợ duyên”! Bởi … con ông Tư Nghê là Khâm, con ông Hai Sô là Phát, tuổi tuy ít, song 2 cháu đã “nhỏ to” với bà con xóm làng: “Cô, bác có khả năng làm con đường này đi…
Thiếu bao nhiêu tụi tui bao chót!” Dân trong xóm nghĩ: “Phát, Khâm không giàu… Hơn nữa, họ không có nhà trong các con đường đó!” Nên có người bảo: “Hành động đó còn gọi “nung”. Tập hợp ý chí, tạo dựng tinh thần.
Ông Tám Thống còn nói: “Tôi từng nghe con ông Hai Sô, Tư Nghê tâm sự: “Chúng tôi không phải là kẻ háo danh khi làm việc xã hội.
Công việc của chúng tôi nhằm nuôi dưỡng tinh thần chúng tôi mà rõ ràng tinh thần bao giờ cũng đói; cũng cần nuôi. Sắp lìa đời, ai cũng cần có sự thanh thản!”
Nói đến đây như chực nhớ điều gì, Tám Thống vui hẳn lên. Uống xong hớp trà, ông cười: “Con người dường như ai cũng tự cho mình giác ngộ.
Ngộ ra mọi điều, mọi thứ (?) Ai cũng có tín ngưỡng riêng. Song thống nhất trong suốt cuộc đời, vẫn chính là đạo làm người”. Giọng Tám Thống đều đều như
rót nước vào ly…
Bất chợt, Tư Nghiêm cướp lời: “Đừng nghĩ nơi này không có người sống cho xóm làng, xả thân cho đời!” Mọi người ngạc nhiên. Bởi chưa một lần nghe thấy ông Nghiêm- chồng bà Hai Lan- lên tiếng ở cuộc trò chuyện nào.
Thường ông chỉ lặng im, thỉnh thoảng cười. Lời Tư Nghiêm vuốt cao: “Đó! Ông Bùi Văn Bảy (Bảy Sụ) có vườn khá rộng. Ai muốn mở đường qua vườn nhà ông cứ mở.
Đã có 4 đường lộ qua vườn nhà ông. Có con đường dài hàng trăm mét chỉ vào có mỗi hộ dân. Còn Ba Bùi, đường qua nhà ổng chỉ dài 10m. Rất nhiều hộ dân suốt nhiều năm qua lại đây… Vậy mà vui thì mở, buồn thì ngăn…”
***
Chuyện Ba Bùi ngăn đường không cho người qua lại đã diễn ra nhiều ngày… Nhiều trận “chạm mồm”, từ những hộ gia đình phía trong nhà Ba Bùi.
Chưa ai nghĩ cuộc “đụng đầu” lần này lại là Phượng- cháu dâu Ba Bùi- có nhà phía ngoài, sát cầu bê tông vừa xây.
Hôm đó, Phượng chuyển nhiều củi bó, Ba Bùi chặn lại không cho Phượng qua. Ai cũng nghĩ trận này sẽ ác liệt, kéo dài. Bởi độc nhất chỉ mỗi đường này chuyển củi…
Đột nhiên, Phượng bỏ xe củi lặng lẽ ra về. Tức khắc, Phượng nhờ người chuyển bùn non đổ lên con đường trước nhà; cao đến gối. Diễn biến cuộc chặn đường của Ba như có kịch bản, đầy kịch tính…
... Vợ Ba Bùi từ trần ở bệnh viện sắp chuyển về… Xác cùng áo quan, phương tiện tẫn liệm, mai táng được chuyển trên con đường ác liệt, đau khổ này.
Khỏi phải nói, lực lượng mở đường hùng hậu cỡ nào? Ba cùng con cháu vừa chuyển xác vợ … vừa hất bùn vụt vãi đôi bên, cả vào nền nhà lát gạch men của Phượng.
Hàng chục người đồng loạt hò hét chửi rủa Phượng. Tạo nên cảnh tượng hãi hùng. Phượng nói: “Tôi phải “giúp” để ổng ngộ ra. Đừng làm khổ xóm làng. Bên nhà chồng tôi, chỉ mỗi mình ổng là vậy…!”
Bảy Xiếu lẫn vào đám đông xem cuộc “chiến đấu” mở đường. Khi Phượng nói đến đây, bỗng nhiên Bảy Xiếu ngắt lời Phượng. Lời Bảy Xiếu: “Không phải vậy…!
Người ta nói chính Ba Bùi tự bày ra cảnh này, nỗi khổ này để dành riêng cho mình. Họ còn bảo Ba tự phun nước bọt vào mặt mình!”
Suốt thời gian diễn ra lễ tang vợ Ba Bùi, hình ảnh con đường- biểu thị cho cách sống của một con người- là tiêu điểm để mọi người đàm luận, vô cùng sôi nổi.
“Trước tiên, hãy tu đạo làm người!”; “Ba tự quất roi vào lưng, vả vào mặt mình”; Một cảnh “Nhân tình ấm lạnh”; “Sớm nắng chiều mưa!”; “Chỉ có cú “sút” này, cú đấm của vợ Thanh (Phượng) mới có thể làm Ba tỉnh cơn mê!”...
Có một câu nói đầy hình tượng trong đánh bài cát tê: “… Khi Ba đi lá Hai, Đức thiệp lá “Già” làm Ba thích thú, tưởng thắng. Không ngờ bị “lá bài” của Phượng đánh “gục!”
Ông Tám Thống nói như kết thúc câu chuyện: “Cũng tội nghiệp cho Ba, bị quả báo nhỡn tiền”.
Rạch Rừng, 4/2/2018
NGUYỄN HỒNG TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin