Thiên thần ngơ ngác của cha!

04:07, 01/07/2018

Một đứa trẻ sinh ra là hạnh phúc vỡ òa của cha mẹ và cũng từ ngày đó, con "gánh trên vai" một trách nhiệm thiêng liêng- là nhân tố đặc biệt gắn kết tình yêu thương trong gia đình, con "gánh trên vai" giấc mơ của cha mẹ về những điều tươi đẹp ở tương lai. 

Một đứa trẻ sinh ra là hạnh phúc vỡ òa của cha mẹ và cũng từ ngày đó, con “gánh trên vai” một trách nhiệm thiêng liêng- là nhân tố đặc biệt gắn kết tình yêu thương trong gia đình, con “gánh trên vai” giấc mơ của cha mẹ về những điều tươi đẹp ở tương lai.

Nhưng nếu chẳng may con không được như những đứa trẻ bình thường khác? Điều gì sẽ xảy ra trong một gia đình?

Có một cách mà người cha đã lặng lẽ bao năm qua khóc cười cùng với đứa con gái tự kỷ của mình. Con không bình thường như bao trẻ khác, cha càng thấy thương con một cách quặn lòng thắt ruột. Tôi muốn bày tỏ sự sẻ chia với một người cha không may có đứa con gái mắc hội chứng tự kỷ, anh là đồng nghiệp cũng như người em của tôi- nhà báo Hồ Trãi.

Anh Hồ Trãi chăm chút con gái, dạy con từ những chuyện nhỏ nhặt nhất.
Anh Hồ Trãi chăm chút con gái, dạy con từ những chuyện nhỏ nhặt nhất.

Câu chuyện không biết phải bắt đầu từ đâu, dù rằng suốt gần chục năm qua tôi luôn dõi theo hành trình gian nan, trĩu nặng bao âu lo, đẫm nước mắt của vợ chồng anh với khát khao đưa con mình ra khỏi “bóng tối” của hội chứng tự kỷ quái ác.

Hành trình này có lúc tưởng chừng như rơi vào bế tắc, tuyệt vọng, buông xuôi. Nhưng, tình yêu thương của người cha dành cho con gái thì chưa bao giờ vơi đi mà ngược lại nó càng đầy hơn gấp bội theo từng khoảng thời gian con lớn lên về… cơ thể.

Lẽ thường, cha mẹ sẽ hạnh phúc theo từng ngày con lớn lên từ khi con biết lật, biết bò, rồi khoảnh khắc lẫm đẫm những bước đi chập chững đầu đời và hạnh phúc biết bao cái phút giây con bập bẹ gọi được tiếng “mẹ”, tiếng “cha”.

“Nhưng 2 tuổi con chưa biết đi. 14 tuổi, con chưa biết nói bình thường, giấc ngủ cũng khác thường, tiếng khóc thét của con cũng chẳng được bình thường như bao đứa trẻ khác”- Hồ Trãi chia sẻ mà đôi mắt rơm rớm.

Nhưng những điều khác thường đó, hồi 10 năm trước anh cũng chưa xác tín được đó là những biểu hiện của trẻ tự kỷ, đó cũng là thời điểm hội chứng này chưa được xã hội quan tâm, chưa được nhiều gia đình tìm hiểu kỹ như ngày nay.

Con có những cái tật rất lạ mà cha mẹ phải cố gắng hiểu để “cùng sống” với con nhưng nhiều người đâu hiểu được, nên cho rằng mình chiều con quá mức. Muốn đưa con hòa nhập đến những chỗ đông người, những bữa tiệc của bạn bè thân quen, không ít lần con không tự chủ, cứ… tuột quần tiểu tiện tại chỗ…

Con không bình thường đâu biết gì mà quát mắng, khổ lắm chứ. Nhưng đó chỉ là những chuyện nhỏ bề ngoài mà mọi người có thể nhìn thấy được, còn những nỗi đau sâu kín trong lòng thì chỉ có vợ chồng cùng sẻ chia, cùng khóc với nhau thôi.

Vợ chồng vẫn phải đi làm bình thường, nói cười bình thường với mọi người, vẫn phải gánh vác trách nhiệm ở cơ quan, lo toan việc nhà- thậm chí những đồng nghiệp gần gũi nhiều năm vẫn không biết vợ chồng anh có đứa con tự kỷ dạng nặng.

Anh không rượu bia, không thuốc lá, không la cà quán xá bạn bè, xong việc cơ quan là thẳng một mạch về nhà, mọi suy nghĩ, ưu tư đều là dành cho đứa con gái của mình, nghĩ đến việc mai này rồi con sống với ai khi không còn mẹ cha bên cạnh?

Thật tình, khó cầm lòng nỗi trước một người đàn ông còn rất trẻ mà trong suốt câu chuyện cứ nhắc về nỗi lo sợ cái ngày mình không còn ở bên con với đôi mắt ngân ngấn nước.

“Nếu bình thường, thì hè này là bé Xuân Mai (con gái Hồ Trãi) đã thi vào lớp 10 rồi, người ta lo lắng con mình đậu vào trường này, trường nọ, điểm thấp, điểm cao, thì đối với mình chỉ cần con có thêm một nhận thức, bật lên được một từ mới là mừng đến rớt nước mắt rồi”- Hồ Trãi tâm sự.

Mà mỗi một nhận thức của con anh được đo bằng những “đoạn thời gian” 4- 5 năm trời đằng đẵng. “Cha mẹ cật lực làm việc, dành dụm là để lo cho con cái, dành để mai sau cho con, đằng này…”- anh bỏ dở câu nói giữa chừng, nhưng tôi hiểu anh đang nói về những giấc mơ sụp đổ.

Nhưng đó không phải là nỗi đau riêng của cha mẹ, mà nỗi quặn lòng thương cho đứa con gái của mình mãi mãi sống không có những ước mơ, con mãi mãi ngơ ngác giữa cuộc đời này với đôi mắt trong veo và gương mặt xinh xắn ngây thơ như một thiên thần.

Nhưng dù có thế nào, con vẫn là đứa con yêu quý của cha mẹ, một thiên thần nhỏ ngơ ngác giữa cõi đời này. Con có biết vì sao con được sinh ra trên đời này không con gái?

Vì con là kết tinh tình yêu của mẹ cha, con có mặt trên đời này để làm sợi dây buộc chặt mọi thành viên trong gia đình mình mãi mãi và mãi mãi…

Tâm tình về câu chuyện đứa con gái tự kỷ của Hồ Trãi là một câu chuyện rất dài, cả những thời khắc mà vợ chồng anh “run rẩy” sinh đứa con trai thứ hai, rồi những bệnh tật bất thình lình khác…, tất cả như ông trời muốn “đùa dai” để thử thách sức chịu đựng, thử đo độ rộng vô bờ của tấm lòng người cha trong một gia đình.

Có những hình ảnh nhỏ đời thường của anh, nhưng đã để lại trong lòng tôi nét phác họa chân dung về một người cha vĩ đại. Những chiều chở con đi chơi, những lúc chiều con gái chở nhau đi vòng vòng… dưới mưa, có cả giai đoạn cứ lên xe là con lại đấm vào đầu cha bồm bộp, rồi giờ đây bước vào tuổi trưởng thành con vẫn chưa tự chủ được chuyện tắm rửa vệ sinh…

Mọi việc, mọi nghĩ suy đều xuất phát trong tận cùng sâu thẳm tình yêu thương vô bờ đối với con gái không may của mình, sự âm thầm chịu đựng, sự kiên trì, nhẫn nại cố gắng “cùng sống” suốt đời một cách lạc quan nhất với hội chứng tự kỷ của con. Một người cha chứa đựng cả những đức tính cao cả của người mẹ và chính điều đó, làm cho anh vĩ đại trong lòng tôi.

Nhưng trong cái ngày nói về hạnh phúc gia đình, tôi chỉ muốn nhắc về những điều không may với một góc nhìn khác tích cực nhất có thể, có ánh sáng, có nụ cười và tràn ngập yêu thương.

Với một thiển nghĩ rằng, hạnh phúc gia đình thật ra nó đơn giản như dòng chảy cuộc đời cứ thuận theo lẽ tự nhiên mà sống; nhưng nhiều bậc cha mẹ đã vô tình “gắn thêm vào chiếc xe hạnh phúc gia đình quá nhiều phụ kiện” làm cho nó càng trở nên phức tạp, trúc trắc dễ hỏng hóc, đặt để cho con cái quá nhiều áp lực một cách “cưỡng cầu” đến ích kỷ.

Chỉ cần những đứa con bình thường để yêu thương, có thể con giỏi, có thể con dở- thậm chí con sinh ra với những khiếm khuyết không may, thì con vẫn là những thiên thần nhỏ trong lòng cha mẹ.

Tình yêu thương là thứ cha mẹ có thể cho đi một cách bất tư nghì, bất tận đối với con cái và điều đó, làm cho mỗi gia đình càng trở nên “giàu có” hơn những niềm hạnh phúc vô biên.

 Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh