"Đi B" bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 1959, người "đi B" là hàng trăm đoàn cán bộ đang ở miền Bắc với tinh thần tự nguyện, bí mật vượt Trường Sơn vào Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Ngày lên đường vào Nam, họ để lại tư trang, hành lý, kỷ vật… tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ rồi được Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước tiếp nhận, gìn giữ.
Triển lãm “Kỷ vật đi B - Quảng Trị - Ngày trở về”. Ảnh: Hưng Thơ |
“Đi B” bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 1959, người “đi B” là hàng trăm đoàn cán bộ đang ở miền Bắc với tinh thần tự nguyện, bí mật vượt Trường Sơn vào Nam để chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu.
Ngày lên đường vào Nam, họ để lại tư trang, hành lý, kỷ vật… tại Ủy ban Thống nhất Chính phủ rồi được Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước tiếp nhận, gìn giữ.
[[Hơn 50 năm sau, tại Thành Cổ Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị), một số kỷ vật được trao trả lại cho cán bộ “đi B” và người thân của họ. Bên cạnh đó, 200 tư liệu liên quan cũng được lựa chọn, giới thiệu tại triển lãm và để lại nhiều ấn tượng.]]
Thấy kỷ vật, như gặp người xưa
Năm 1952, khi vợ mang bầu được mấy tháng, thì ông Nguyễn Khắc Toản đã phải dứt áo, tập kết ra miền Bắc và công tác tại Phòng Tài chính Công thương thị xã Hưng Yên. Đến năm 1965, ông Toản để lại kỷ vật ở Ủy ban Thống nhất Chính phủ rồi “đi B”.
“Bố vào hoạt động được 3 năm thì hy sinh. Trước đó ở được 3 năm với bố thì mẹ con dắt nhau đi sơ tán. Khi về quê thì tìm mãi không thấy bố, đêm nào tôi cũng khóc” – bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1952, trú tại Hải Sơn, Hải Lăng, Quảng Trị) – con gái của ông Toản, nhớ lại.
Mẹ của bà Hoa lúc đó còn trẻ, nhiều người đến ngỏ ý “chắp nối”, nhưng bà không đồng ý. Bà ở vậy nuôi con, đến nay đã 90 tuổi.
Đôi lúc nhớ chồng, bà gọi tên ông Toản, khiến con gái thêm xót xa. Nhớ bố, thương mẹ, nên khi được nhận lại kỷ vật gồm huân huy chương và một số giấy tờ tuỳ thân của ông Toản, bà Hoa khư khư ôm vào lòng, nước mắt cứ thế trào ra: “nhìn thấy kỷ vật như được gặp lại bố”. Bà Hoa bảo, sẽ mang những kỷ vật này về, đưa cho mẹ xem rồi cất giữ cho con cháu…
Không phải là em ruột, nhưng khi cầm trên tay chứng minh thư, thẻ cử tri của người em Nguyễn Công Chính (quê Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị), bà Đặng Thị Điều (SN 1931, trú tại xã Hải Quy, huyện Hải Lăng) cũng rưng rưng nước mắt. Những năm chiến tranh ác liệt, ông Nguyễn Công Chính (họ hàng với bà Điều) được điều "đi B" làm nhiệm vụ bí mật.
Lúc đó, bà Điều cũng như họ hàng không rõ ông Chính đến công tác ở địa phương nào. Thời gian sau đó, chỉ nhận được tin là ông Chính mất.
Suốt mấy chục năm như vậy, bây giờ nghe tin có kỷ vật của ông Chính, bà lật đật đến, thay mặt gia đình nhận lại. “Những kỷ vật này khẳng định em Chính đã lên đường làm nhiệm vụ vì Tổ quốc. Đó là điều tự hào của chúng tôi” –bà Điều, chia sẻ.
Thời kỳ hào hùng của dân tộc
“Xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, lòng ngưỡng mộ những sự hi sinh, cống hiến của các anh, các chị đã không hề đắn đo, suy nghĩ vào thời điểm đầy cam go nhất để chi viện cho miền Nam thân yêu” – ông Phạm Đức Châu, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Quảng Trị - xúc động khi dự triển lãm những kỷ vật “đi B” tại Thành Cổ Quảng Trị.
Cũng như ông Châu, khi đến xem triển lãm, nhiều người đã dừng chân trước những kỷ vật đơn sơ của cán bộ “đi B”. Đó có thể là sơ yếu lí lịch, là tờ giấy khen, giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng… Nhưng ý nghĩa nhất, là đơn tình nguyện xin “đi B” của ông Nguyễn Văn Quyến (Hà Nội).
Ông Quyến viết đơn xin “đi B” gửi Hội đồng quân sự Trường công nhân kỹ thuật I vào ngày 13/9/1971, khi đó ông Quyến đang là đoàn viên thanh niên. Nội dung của tờ đơn được viết trên 3 mặt giấy bằng bút mực, riêng dòng chữ “đơn xin tình nguyện” và dấu vân tay có thể được viết bằng máu.
Trong đó, ông Quyến thể hiện lòng căm thù trước tội ác của quân thù, và bày tỏ lòng mong muốn được hòa vào đoàn quân Nam tiến. “Là một người đoàn viên đang tuổi thanh xuân sống dưới mái trường XHCN, không thể ngồi yên được trước cảnh nước mất, nhà tan…
Tôi làm đơn này đề nghị hội đồng quân sự xét duyệt để cho tôi được lên đường làm nhiệm vụ, vào hàng ngũ quân đội để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần xương máu vào công cuộc giải phóng dân tộc” – đơn xin tình nguyện của ông Quyến, ghi.
Hay những dòng chữ viết tay của cán bộ “đi B” Nguyễn Minh Khảm (Triệu Cơ, Triệu Phong, Quảng Trị) với “nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là trở về chiến đấu giải phóng miền Nam”.
Ông Khảm tham gia cách mạng sớm, tháng 9.1959, ông làm kế toán tại nhà máy gỗ Vinh, nhà máy ắc quy Hải Phòng. Những ngày miền Nam chìm trong chiến tranh, ông Khảm bày tỏ nguyện vọng rồi lên đường “đi B”. Trước khi vào miền Nam, kỷ vật ông Khảm để lại ở miền Bắc, bây giờ kỷ vật được đưa về, trưng bày ngay trên mảnh đất quê hương Quảng Trị…
Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (thuộc Bộ Nội vụ) - hiện có 72.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ “đi B”, trong đó có 56.000 hồ sơ đã xác định được địa chỉ. Hồ sơ, kỷ vật của cán bộ "đi B" có ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn, không chỉ lưu lại thông tin cá nhân và quá trình phấn đấu của các cán bộ.
Đây là nguồn tài liệu độc đáo, đa dạng, nguồn sử liệu quý giá minh chứng về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, gắn với số phận của hàng vạn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước bị chia cắt, gia đình ly tán.
Theo HƯNG THƠ/LĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin