Khúc tráng ca bất tử

11:07, 28/07/2018

Xe của chúng tôi đến ngã ba Đồng Lộc vào lúc mặt trời chênh chếch phía Tây. Cái nắng giữa hè dội xuống ràn rạt bỏng rát da thịt nhưng ai nấy cũng mềm lòng, vời vợi nỗi buồn khi xe chầm chậm dừng lại tại di tích lịch sử huyền thoại.

Xe của chúng tôi đến ngã ba Đồng Lộc vào lúc mặt trời chênh chếch phía Tây. Cái nắng giữa hè dội xuống ràn rạt bỏng rát da thịt nhưng ai nấy cũng mềm lòng, vời vợi nỗi buồn khi xe chầm chậm dừng lại tại di tích lịch sử huyền thoại.

Tái hiện cảnh 10 nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc.
Tái hiện cảnh 10 nữ thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc.

Chúng tôi vào phòng ngồi đợi, một lát sau, anh hướng dẫn viên trong trang phục màu xanh truyền thống của quân đội còn rất trẻ bật video cho chúng tôi xem những thước phim quý giá về quá khứ hào hùng của ngã ba Đồng Lộc.

Tôi cũng là người đã được chứng kiến khói lửa, đạn bom của cuộc chiến tranh tàn bạo ngay từ lúc còn chăn trâu, cắt cỏ, cũng đến nơi đây nhiều lần rồi mà sao vừa cảm thấy mới mẻ, vừa gần gũi và rất đỗi thân thương.

Với chất giọng xứ Nghệ trầm lắng, anh hướng dẫn viên đọc: “Tiểu đội đã xếp một hàng ngang. Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp? Chín bạn đã quây quần đủ hết. Nhỏ- Xuân- Hà- Hường- Hợi- Rạng- Xuân- Xanh. A trưởng Võ Thị Tần điểm danh. Chỉ thiếu mình em. Chín bỏ làm mười răng được…”.

Gió phơn thổi xào xạc trên đồi thông, lùa vào căn phòng mang theo cái nóng bức khó chịu nhưng tôi thấy dịu lòng bởi được đến lại nơi đây, được đối diện với dấu tích bi thương mà lẫm liệt, được thắp lên mộ 10 cô gái, 10 liệt sĩ anh hùng thanh niên xung phong (TNXP) những nén nhang thơm càng thấy lòng mình thêm thanh thản. Anh chị em trong đoàn ai cũng ngập tràn sự xúc cảm rưng rưng!

Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc (huyện Can Lộc- Hà Tĩnh), trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Ngã ba Đồng Lộc là giao điểm của QL15A và Đường tỉnh 2, với diện tích khoảng 50ha, nằm gọn trong thung lũng hình tam giác, 2 bên đều là đồi núi trọc, ở giữa độc đạo con đường, rất hiểm trở.

Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, từ Bắc vào Nam đều phải di chuyển qua đây. Để cắt đứt mạch máu hết sức quan trọng nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam, Không quân Hoa Kỳ đã liên tục ngày đêm đánh phá rất dữ dội nhằm phong tỏa hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam.

Với ý chí giữ vững huyết mạch giao thông, quân và dân ta đã huy động tối đa mọi nguồn lực, lúc cao điểm có tới hơn 1,6 vạn người, đa số là bộ đội pháo binh và lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP).

Mặc cho bom rơi, đạn nổ, khói lửa mịt mờ, lực lượng TNXP vẫn bám trận địa để san lấp hố bom, dọn đất đá từ 2 bên sườn núi đổ xuống, vùi lấp để từng đoàn xe băng băng lao về phía trước.

Nơi đây còn được mệnh danh là “tọa độ chết”, bởi theo ước tính của các nhân chứng lịch sử, mỗi mét vuông đất ở đây phải cõng 3 quả bom tấn và chỉ tính riêng từ tháng 3 đến tháng 10/1968- chặng thời gian tàn khốc nhất- Không quân Hoa Kỳ đã điên cuồng trút xuống nơi đây hơn 48.600 quả bom các loại, hàng trăm chiến sĩ bộ đội và TNXP đã anh dũng ngã xuống.

Trưa 24/7/1968, đợt oanh kích dữ dội của địch làm mặt đường bị bom cày xới vỡ toang, giao thông bị chia cắt, nếu không khắc phục kịp thời. Tiểu đội 4 (Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh) gồm Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Xuân, Võ Thị Hà, Trần Thị Hường, Võ Thị Hợi, Trần Thị Rạng, Dương Thị Xuân và Hà Thị Xanh vẫn băng mình trong cơn bão lửa của giặc thù để san lấp hố bom, nối luồng giao thông phục vụ cho chiến trường miền Nam. Đúng 16 giờ cùng ngày, bầu trời Đồng Lộc tiếp tục gầm vang, đất đá tung lên bởi đợt trút bom thứ 15 của địch.

Tượng đài 10 liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc.
Tượng đài 10 liệt sĩ thanh niên xung phong tại ngã ba Đồng Lộc.

Trong loạt bom độc ác của kẻ thù, có một quả rơi đúng hầm trú ẩn của Tiểu đội 4 TNXP. Ngay sau khi ngớt tiếng đạn bom, các lực lượng ở ngã ba Đồng Lộc tập trung đào bới, tìm kiếm hình hài 10 cô gái đã hy sinh anh dũng. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ vật lộn với mưa bom, bão đạn, đã tìm thấy được 9 người, còn thiếu Hồ Thị Cúc.

Anh Nguyễn Thanh Bính lúc đó là cán bộ kỹ thuật của ngành giao thông đang cùng công tác, chiến đấu ở tuyến lửa Đồng Lộc, vốn rất gần gũi, thân thương với Tiểu đội 10 cô gái TNXP cũng đang ra sức cuốc xới đất đá để tìm thi thể Hồ Thị Cúc, song vẫn chưa thấy chị.

Chiều hôm sau, Ty Giao thông Hà Tĩnh điều anh Uông Xuân Lý- Đội lái máy ủi cảm tử- ra hiện trường để đào thì Chi bộ 552, Ty Giao thông Hà Tĩnh họp và quyết định việc tìm kiếm Cúc phải đào bằng tay, nếu tìm bằng máy san ủi thì sẽ nát da thịt Cúc, tội lắm! Trong 10 chiếc hòm thì đã khiêng đi chôn cất 9, chỉ còn lại chiếc của Cúc.

Anh Bính úp mặt vào chiếc hòm lẻ loi, hiu quạnh của Cúc mà nước mắt đầm đìa. Quá đau thương, thất vọng, anh Bính bật lên bài thơ “Cúc ơi” với tràn trề những nỗi niềm tha thiết cùng sự hốt hoảng, cuống cuồng của những đồng đội đang trong giờ phút kiếm tìm.

Bài thơ được viết theo thể tự do, vội vã, viết trong ràn rụa nước mắt đầy thương đau. Bài thơ làm xong cũng là lúc mọi người bới sâu xuống hố bom và hình hài Hồ Thị Cúc hiện ra trước mắt.

Cúc vẫn nguyên vẹn, hy sinh trong tư thế ngồi, cuốc vẫn cầm trên tay. Đến năm 1996, anh Bính mới gửi bài thơ gọi tìm đồng đội năm nào đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh và Tạp chí Văn nghệ Quân đội với bút danh Yến Thanh. Ai đã từng xem phim “Ngã ba Đồng Lộc” chắc không thể kiềm nén nỗi lòng khi đoạn cuối bộ phim thốt lên những lời nghẹn ngào, đau xót ấy.

Ngã ba Đồng Lộc và 10 cô gái TNXP đã trở thành biểu tượng cao đẹp, là khúc tráng ca bất tử về chủ nghĩa yêu nước sáng ngời của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc.

Chiều buông dần, nắng nhạt nhòa trên đồi thông vi vút, chúng tôi bắt đầu thượng lộ theo lịch trình. Anh tài xế bật máy, giọng hát trong veo sao mà tha thiết đến nao lòng: “Ơi biết bao cô gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường…”. Xe chuyển bánh, tôi vẫn ngoái đầu nhìn lại ngã ba Đồng Lộc- một địa danh bi tráng rất thiêng liêng cho đến lúc xa dần rồi khuất hẳn!

Bài, ảnh: THÁI MỸ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh