Thăm đại gia đình hiến máu

06:06, 14/06/2018

Về ấp Kinh số 1 (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) trong một chiều mưa tầm tã, qua những đan nhỏ, đường bờ kinh rải đá,… chúng tôi đến gia đình của chú Lê Văn Thắng- đại gia đình đã hiến khoảng 200 đơn vị máu.

 

 

Anh Vũ- chị Phụng đã hiến máu tổng cộng 39 lần: “Hiến máu không ảnh hưởng sức khỏe đâu!”
Anh Vũ- chị Phụng đã hiến máu tổng cộng 39 lần: “Hiến máu không ảnh hưởng sức khỏe đâu!”

Về ấp Kinh số 1 (xã Nhơn Bình- Trà Ôn) trong một chiều mưa tầm tã, qua những đan nhỏ, đường bờ kinh rải đá,… chúng tôi đến gia đình của chú Lê Văn Thắng- đại gia đình đã hiến khoảng 200 đơn vị máu.

“Trai, gái, dâu, rể cùng hiến máu”

Đại gia đình chú Lê Văn Thắng có 4 nhà quây quần bên nhau. Trong 4 căn nhà thì có 2 căn nhà lá, chú cười giới thiệu là “nhà có 1,9 công đất vườn mà cất nhà hết 1,8 công”.

Chú Thắng có 6 người con- 3 trai, 3 gái và đã có đầy đủ 3 con dâu, 3 con rể. Trong cả thảy 12 người con ấy thì có 11 người tham gia hiến máu. Người hiến ít nhất là con dâu mới độ… 7 lần, những người còn lại đều từ 17- 21 lần hiến máu. Chú Thắng cười tươi, kể: “Năm 2005, xã Nhơn Bình vận động bà con đi hiến máu.

Lúc đó, tôi là Phó Bí thư Chi bộ ấp này mà có bệnh không đi hiến máu được, nên vận động các con đi”- nói rồi chú Thắng chỉ tay- “Đó, lần đầu đi thì cả xã có 5 người, ấp này đã có 2 là ông Đoàn Văn Sáu- Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã này- và thằng con trai thứ 5 của tui- Lê Hoàng Xuân”.

Ngồi cạnh cha, người con trai thứ 2 Lê Thanh Vũ- Chi hội trưởng Chữ thập đỏ ấp Kinh số 1- và vợ là chị Hồ Kim Phụng đã hiến máu tổng cộng 39 lần.

Trong đó, anh Vũ hiến 21 lần, chị Phụng hiến 18 lần. Đây là gia đình hiến máu sẽ nhận được bằng khen của UBND tỉnh vào ngày 15/6 tới. Cầm thư mời đi dự họp mặt tôn vinh người hiến máu, anh cười khoe với vợ đang chăm chú may đồ gia công.

Anh Vũ nói: “Hiến máu thì mong cứu người, mà cũng khỏe mới hiến được, không nghĩ tới được tuyên dương gì nhưng mà được khen thì vui lắm”. Chị Phụng và anh Vũ đều cho rằng: Đi hiến máu về thì nghỉ ngơi xíu trong buổi sáng đó rồi trưa chiều may gia công tiếp, không ảnh hưởng gì.

Người con trai thứ 5 của chú Thắng cũng là người đầu tiên hiến máu nay đã hiến được 18 lần. “Đó là những lần còn giấy chứng nhận, có nhiều lần không nhận được hoặc bị mất giấy chứng nhận 1-2 tờ là tui không tính đâu”- anh Xuân nói. Vợ anh Xuân- chị Khương Thị Thùy Vân- 31 tuổi cũng đã có 17 lần hiến máu.

Con trai út là Lê Minh Phụng cùng vợ cũng có trên 20 lần hiến máu. Anh Phụng là Phó Trưởng ấp Kinh số 1, nói: “Tôi hiến máu hồi còn đi bộ đội ở An Giang, cùng đồng đội. Cái tuổi 18 hồi đó còn sợ cây kim bự quá. Giờ thì quen rồi, không ngán gì hết”.

Không chỉ có các con trai, con dâu, chú Thắng ngồi nhẩm tính số lần hiến máu của các con gái và con rể: con thứ 3 Lê Thị Mỹ Nương, thứ 4 Lê Thị Thúy Hằng, thứ 6 Lê Thị Mỹ Hạnh cùng con rể… tổng cộng có trên 50 lần hiến máu.

Câu chuyện hiến máu trong đại gia đình chú Thắng được xem là những câu chuyện quen thuộc, như một trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân mà chú luôn dạy các con mình hoàn thành tốt.

Ấp hiến máu

Chú Đoàn Văn Sáu- Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Nhơn Bình- là một trong những người đầu tiên đi hiến máu ở xã đã khơi nguồn phát động phong trào này. Đến nay chú đã có 43 lần hiến máu.

Trong căn nhà lá cặp bờ kinh treo đầy những bằng khen, giấy khen, chú Sáu giở quyển sổ ghi chép ra nói: “Ờ, cả ấp Kinh số 1 chuyến này có 3 cá nhân và 9 gia đình được khen về thành tích hiến máu trong đợt 15/6 nhe. Còn xã Nhơn Bình thì năm nào cũng vượt chỉ tiêu Huyện hội giao, có năm vượt 500% chỉ tiêu”.

Nhớ cái lần đi hiến máu năm 2005 về, anh Xuân và chú Sáu “khỏe ru” nên những lần sau anh em trong nhà, bà con hàng xóm cùng đi. Hiểu được rằng máu là không thể sản xuất, không thể thay thế và hiến máu là để cứu người, còn là cách để kiểm tra sức khỏe của mình, bà con đi càng nhiều hơn.

Người này hiến máu về vận động người kia mà phong trào lan rộng. Còn bây giờ, bà con ở ấp Kinh số 1 không còn chờ ai vận động nữa mà hễ “thông báo có đợt tiếp nhận máu là tự nguyện đi”.

Anh Lê Thanh Vũ nói: “Lâu lâu thấy không có đợt, nhiều người còn hỏi thăm sao lâu quá vậy?”

Hiến máu tình nguyện, việc làm nhỏ mang ý nghĩa nhân văn to lớn.
Hiến máu tình nguyện, việc làm nhỏ mang ý nghĩa nhân văn to lớn.

Về số người hiến máu nhiều lần trong ấp này thì anh Vũ nói: “Mỗi đợt nhận máu trong xã, huyện tôi đều đi và ở tới cuối buổi để ghi số liệu cụ thể, xem sổ là biết ngay. Còn sơ sơ thì cỡ 100 người hiến máu nhiều lần. Khoảng 17 người có từ 20 lần hiến máu trở lên”- nói xong, anh Vũ còn bổ sung- “Mà ấp này dân số ít đứng thứ 2 trong xã nhe!”

Ấp Kinh số 1 còn thành lập đội hiến máu dự bị với 47 thành viên và “sẵn sàng đi khắp trong tỉnh hiến máu”. Nói rồi anh Vũ cho chúng tôi xem tấm hình ra mắt CLB hồi năm 2017 và từng đi hiến ở các xã khác trong huyện hay TX Bình Minh.

Mọi người cùng chia sẻ cách vận động bà con tham gia với đầy đủ kiến thức từ khoa học sức khỏe đến vận động kiểu nông dân như “bà con nghĩ coi, nếu hiến máu mà ảnh hưởng sức khỏe thì Nhà nước mình đã không cho rồi”- chú Sáu móm mém cười.

Đối với chúng tôi- những người đã từng hiến máu và chứng kiến bệnh nhân cần máu và chết vì mất hay thiếu máu- thì việc làm này vô cùng ý nghĩa. Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại!

Ngày 15/6 tới đây, Ban vận động Hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long sẽ tổ chức lễ tổng kết 10 năm hiến máu tình nguyện. Trong đó, có 43 gia đình và 51 cá nhân được UBND tỉnh tặng bằng khen. Trong đó, xã Nhơn Bình có 12 gia đình và 3 cá nhân được tuyên dương.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh