Chỉ vài thanh tre, vài tàu lá dừa, cùng với những sợi dây chuối xiêm xé nhỏ và cột lại đã có một mái nhà ngộ nghĩnh. Đó là ngôi nhà trong ký ức tuổi thơ tôi: nhà chòi.
Chỉ vài thanh tre, vài tàu lá dừa, cùng với những sợi dây chuối xiêm xé nhỏ và cột lại đã có một mái nhà ngộ nghĩnh. Đó là ngôi nhà trong ký ức tuổi thơ tôi: nhà chòi.
Hồi nhỏ, trẻ con quê tôi thích chơi nhà chòi. Vào 3 tháng hè, chúng tôi làm rất nhiều nhà trên những khoảng đất trống sau hè, bên thềm hoặc trong vườn trái cây. Nhóm trẻ con nít xúm xít lại với nhau để chia “hộ tịch”, thường 3- 4 thành viên cùng nhau xây dựng “ngôi nhà mơ ước”.
Rồi chúng tôi phân công nhau: đứa đi tìm lá dừa và ngồi đan lại để lợp mái và kẹp vách; đứa thì cắt lá chuối xiêm để làm thảm trải nhà và dây chuối thì buộc thanh tre. Chuối, dừa, ở quê tôi thì bao la bạt ngàn nên việc đi tìm quá dễ dàng.
Chỉ có tre là khó tìm. Dù nhà nào cũng trồng thành lũy nhưng tre ngày đó có giá, dùng đan rế, rổ, thúng,… mang ra chợ bán nên ba mẹ không cho con cái tự ý chặt phá. Nếu thay kèo cột bằng củi dừa thì cũng được nhưng hơi cong, làm nhà không đẹp.
Để có được những thanh tre ưng ý, chúng tôi tản ra mỗi đứa về nhà lén chặt một hai thanh tre để làm cột. Kèo thì dùng tạm củi dừa hoặc các loại cây khác như trâm bầu, quao,... Căn nhà được thực hiện chỉ trong vài giờ một cách thuần thục (vì chúng tôi thường xuyên chơi trò này).
Cất nhà xong thì phải nghĩ đến chuyện ăn uống. Thế là chúng tôi bày tiệc sinh nhật, tân gia. Ở quê, trái cây trĩu cành nên mỗi đứa chạy về nhà mình hái một ít mang lại cùng với chén đĩa. Khách đến dự khoảng 20 người, cũng mang quà đến tặng, ngồi trên các tàu lá chuối ăn uống thỏa thuê.
Vui nhất là khi đang ăn, cả lũ bị ba mẹ cầm roi tre, chổi lông gà đến đét đít từng đứa vì tội mang chén đĩa đi không xin phép. Dù là đồ sành nhưng người lớn sợ bể đấy mà!
Mà thật là đôi lúc lũ con nít chúng tôi sơ ý làm vỡ rồi giấu nhẹm vì sợ đánh đòn. Nhưng nào qua mặt được người lớn. Đồ dùng trong nhà bao nhiêu cái đã được bà và mẹ đếm kỹ càng.
Thích nhất là những lúc trời mưa. Mưa 3 tháng hè thường bất chợt rơi trên mái đầu. Cả đám hoảng vía chạy vào nhà chòi đụt mưa và nhìn ra bên ngoài. À, nhà của chúng tôi còn có cả máng xối dùng để hứng nước mưa cho chảy vào thau.
Máng xối được làm từ những bẹ chuối tươi, áp sát mái nhà. Có khi nhà chúng tôi bị sập vì dông lốc đánh dữ quá. Mỗi thành viên buộc phải tản ra chạy sang nhà bên cạnh trú ẩn. Nhà sập thay vì méo mặt như người lớn thì chúng tôi lại cười nắc nẻ. Sau cơn mưa, đợi khi trời khô ráo, chúng tôi lại tiếp tục dựng nhà.
Ban đêm chúng tôi cũng chơi nhà chòi. Không có tiền mua đèn cầy để thắp sáng nhà, chúng tôi đi nhặt trái mù u chín rụng mang về bổ ra và xỏ xâu bằng que lá dừa rồi mang đi phơi. Chỉ vài nắng thôi, mù u tươm dầu là có thể đốt được.
Khi đêm về, những ngôi nhà lá dừa đẹp ngỡ ngàng bởi ánh sáng bên trong xuyên qua vách hình sọc ca-rô rất bắt mắt. Người lớn nhìn thấy còn phải ngỡ ngàng.
Cũng như bao trò chơi khác, trò nhà chòi bị “khai tử” bởi sự nhàm chán. Trẻ con chơi trò nào cũng mau chán như thế. Tuy nhiên, cứ đến dịp hè là chúng tôi trổ tài “xây dựng”.
Dường như bây giờ chúng tôi chỉ còn biết lục tìm trò chơi ấy trong ký ức. Nó đã bị lu mờ trong mắt trẻ con bởi những công nghệ hiện đại. Con nít ngày nay không thích chơi nhà chòi hoặc chẳng biết nhà chòi là gì.
Trong những tháng hè, thay vì xúm xít lại để cùng nhau tinh nghịch thì chúng chỉ thích xây nhà… ảo. Những ngôi nhà với nhiều màu sắc, đa phương tiện, bất khả xâm phạm trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, Zalo hay Viber... làm trẻ con mê tít mắt. Nhà chòi vì thế chỉ còn được gợi nhớ trong những bài đồng dao.
NGUYỄN THANH VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin