Nhớ nơi gửi gắm yêu thương

06:06, 17/06/2018

Em gái đi xuất khẩu lao động ở Úc, cứ cách vài hôm lại điện về bảo nhớ quê quá. Em bảo với tôi rằng, "Em nhớ quê, nhớ nhà quá, thèm được ngồi ở bờ ao xem hoa súng nở", "Chị kể chuyện ở quê mình cho em nghe đi", "Lúa chín chưa chị? Mùa này có cua đồng nhiều không?" 

Em gái đi xuất khẩu lao động ở Úc, cứ cách vài hôm lại điện về bảo nhớ quê quá. Em bảo với tôi rằng, “Em nhớ quê, nhớ nhà quá, thèm được ngồi ở bờ ao xem hoa súng nở”, “Chị kể chuyện ở quê mình cho em nghe đi”, “Lúa chín chưa chị? Mùa này có cua đồng nhiều không?” 

Không chỉ riêng em mà ai cũng có miền nhớ ngọt ngào ở chốn quê. Vì quê là nơi gắn bó cả một thời yêu thương, với bao tình cảm gửi gắm nơi có đồng ruộng đất ngọt phù sa, nơi hương đồng cỏ nội làm xao xuyến, khắc khoải chẳng hạn. Rồi chộn rộn lòng khi nhắc chốn quê.

Em mở từng góc ký ức vùng trời xanh kỷ niệm ngọt ngào trong nỗi nhớ. Em nhớ và kể lại những ký ức ngọt ngào ấy cho tôi nghe. Kể một phần ký ức cho lòng bớt nhớ quê, nhớ nhà, nhớ má...

Em kể hôm được ăn thịt vịt kho gừng mừng rơn, vì vừa được ăn ngon vừa được bộ lông vịt để đổi cà rem. Em chạy ra ngõ chờ vài giờ chỉ để được ăn cây cà rem, để cảm nhận cái lạnh… ngọt ngào ở nơi đầu lưỡi. Đây là niềm hạnh phúc chung cho cả bọn trẻ quê chúng tôi ngày ấy.

Rồi hai tiếng “con ngõ” dẫn dắt từ nỗi nhớ này đến nỗi nhớ kia, em nhớ những tiếng cười vui cùng bao trò chơi của lũ trẻ quê. Với những buổi trưa ra ngõ chặt lá dừa nước thắt con cào cào, con cá, con chim,… Gói trọn vào lòng cả miền thương nhớ với niềm vui đong đầy chốn bình dị. Từ những con ngõ mà em tôi học được “cuộc đời không bao giờ có hai từ ngõ cụt”.

Chỉ là ta chưa tìm được con đường để đi thôi. Hay ta quen đi theo con đường mòn người ta tạo mà ta quên chân ta có thể là những bước chân đầu tiên để tạo ra những con đường mòn. Nghĩ thế nên em đã tìm cho mình một con đường, em tìm đến con đường xuất khẩu lao động ở Úc để giúp gia đình thoát khỏi cảnh túng nghèo.

Em hỏi, quê giờ chắc khác lắm rồi hả chị? Tôi trả lời, có nhiều cái khác, chẳng hạn như quê nhưng không quê. Ý tôi muốn nói, giờ dân áp dụng khoa học có thể tự làm giàu trên đất ruộng, là tỷ phú trên mảnh đất của mình.

Dù giàu có nhưng họ vẫn giữ vẻ mộc mạc, vẫn mang cái chất phác. Như ai đó đã từng nói, người quê vẫn với cách sống khiêm tốn như cây lúa chín trên đồng. Lúa chín vàng chắc hạt lúa lại càng cúi đầu.

Yêu làm sao khi nhìn thấy những mộc mạc và chân tình. Khi cần hỏi thăm về vấn đề gì đó, người chất phác bỏ ngay chuyện đồng áng.

Lấy hai tay quệt những giọt mồ hôi rồi khoát tay vào lu nước để rửa, tiện tay chặt trái dừa mời nước dù mới gặp lần đầu.

Hay những chị mộc mạc ở trong bếp, nghe tiếng gọi hỏi, rồi quên lửng nồi cá kho trên bếp chỉ vì tiếp người mới quen biết. Có người nói vui, đất ở quê rộng, chắc vậy nên người ở quê có cái khoang ngực rộng, nên trái tim người quê rộng lượng và mênh mông tình. Cái “quê” quý còn nguyên giá trị tốt đẹp.

Thêm yêu hơn miền đất mang dư vị trữ tình miền sông nước. Những dấu ấn khó quên của một vùng quê xưa đầy ký ức rơm rạ. Với cái ách, cái vó, cái gáo nước dừa,… hình ảnh thỏa mãn được khát khao và rung động, hoài nhớ,… của em và những người con xa quê khi bắt gặp ở nơi đâu đó, hay trên trang mạng ai đưa lên em vô tình bắt gặp.

Hay nhớ những buổi ăn rau đắng, rau ngổ,… đã giúp em nhận ra rằng, dư vị đắng chát, bao giờ cũng sẽ có ngọt ngào đọng lại.

Để thấy rằng, vì một lý do nào đó, người ta xa quê, bước chân rời khỏi mảnh quê nhưng không ai có thể tách quê ra khỏi con người.

Bài, ảnh: MAI KHA

Đồng ruộng ngọt phù sa là một trong những hình ảnh khiến nỗi nhớ của người xa quê thêm quay quắt.

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh