Về Quảng Bình thấy đâu đâu cũng cát trắng, nắng chang chang, chỉ hợp với khoai lang nên nhiều người hát nhại: "Quảng Bình khoai khoai toàn khoai", và khoai deo, thức ăn của người nghèo, nay trở thành đặc sản xứ "Đời cát".
Về Quảng Bình thấy đâu đâu cũng cát trắng, nắng chang chang, chỉ hợp với khoai lang nên nhiều người hát nhại: “Quảng Bình khoai khoai toàn khoai", và khoai deo, thức ăn của người nghèo, nay trở thành đặc sản xứ "Đời cát".
Chị Nguyễn Thị Luyền đang làm mẻ khoai deo mới |
Câu hát "Quảng Bình khoai khoai toàn khoai" ấy được nhiều người, và cả chính người dân Quảng Bình nhại theo câu hát "Quảng Bình khoan khoan hò khoan" của nhạc sỹ Hoàng Vân, để nhớ lại hay tự trào về những năm tháng mà củ khoai lang là "cơm" ngày hai bữa của người dân...
Từ ăn kiểng đến đặc sản
Cho đến khi công trình thủy lợi được xây dựng, ruộng lúa lấn dần ruộng khoai thì củ khoai lang mới "tụt xuống" làm lương thực phụ.
Thế nhưng từ vài năm qua, ở xã ven biển Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), cây khoai được trồng trở lại làm cây chủ lực của người dân vùng này.
Củ khoai lang lại "lên ngôi" trở thành món đặc sản, được khá nhiều du khách đến với Quảng Bình tìm mua về làm quà. Đặc sản đó là khoai deo.
Nhìn những miếng khoai deo vàng ươm, cứ như đang ứa mật, quả thật đã muốn ngấu nghiến.
Bà Hoàng Thị Liễu, ở HTX khoai deo Hải Ninh, cho biết để khoai deo có được cái ngon của đặc sản, thì phải trồng và tìm mua được giống khoai ngọn đỏ, là giống khoai đặc thù của vùng cát nóng bỏng.
"Nhiều nơi có làm khoai deo, nhưng chỉ có ở Hải Ninh lát deo mới dẻo quẹo, càng nhai càng ngọt càng bùi, mềm đến nỗi cứ như là tự tan mỗi khi cắn vào…".
Theo chị Nguyễn Thị Luyền, ở thôn Tân Định, để làm khoai deo thì khoai lang thu hoạch về phải phơi cho được nắng trong hai ngày liền, làm cho vỏ săn lại, sau đó đem vô ủ kín trong 8-10 ngày để củ chuyển tinh bột thành đường.
Hết giai đoạn ủ này, chỉ cần lấy que nhọn chọc vào là củ khoai rọ mật ra từng giọt.
Tiếp theo là đem luộc, nhưng khác với luộc ăn bình thường, mà gần như là hầm khoai từ 2-3 giờ liền với mức nước đổ đến ngập củ, làm cho khoai mềm ra, rồi tới cắt lát và đem phơi nắng…
Phơi khoai deo cũng "công nghệ" hẳn hoi. Dàn phơi phải cao ráo trên cát, mặt sàn phơi được lót bằng một lớp cây rười (trông giống như cây cỏ năn), có thế khoai mới không bị dính.
Thời gian phơi ít nhất là từ 7-10 ngày thì lát khoai mới thành lát deo được. Lát deo thành phẩm, khi cầm thấy mềm oặt, có cảm giác ươn ướt, nhưng không hề dính tay chút nào.
Đặc sản khoai deo của người dân vùng cát Hải Ninh |
Khoai deo, món ăn quê kiểng của người dân vùng cát Hải Ninh, bây giờ đã theo chân du khách và con em Quảng Bình đi đến Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều nơi khác, thậm chí ra cả nước ngoài như Úc, Nga, Nhật… với số lượng hàng chục tấn mỗi năm.
Ở các chợ trong tỉnh, nhiều quầy hàng chỉ bán mỗi một mặt hàng là khoai deo. Ven quốc lộ 1, đoạn qua huyện Quảng Ninh, hoặc cụ thể hơn nữa là đoạn qua Dinh Mười, du khách luôn mua được đặc sản khoai deo chính hiệu Hải Ninh ở các quán nhỏ bên đường.
Làm chơi mà ăn thiệt
Vốn ở vùng biển bãi ngang nên người dân Hải Ninh trước đây nghèo lắm. Đi biển thì chỉ bắt được cá vụn, trồng cây thì nắng nóng làm chết nhiều hơn sống…
Mỗi năm cả xã thiếu ăn từ 3-4 tháng, con cái trong các gia đình chủ yếu là thất học. Cái "tích" đói đến nỗi phải ăn cả cây xương rồng trước đây cũng chính là từ Hải Ninh này mà ra.
Hơn mười trở lại đây, từ khi đặc sản khoai deo Hải Ninh có thương hiệu trên thị trường, người dân nghèo vùng cát này mới đỡ vất vả, đặc biệt là với người dân ở thôn Tân Định - gốc gác của nghề chế biến khoai deo Hải Ninh.
"Một cân khoai lang củ trước đây bán ở chợ 5-7 ngàn đồng, từ khi nghề làm khoai deo phát triển thì người trồng khoai bán ngay trong xã đã được 9-10 ngàn đồng. Cứ 3-4kg khoai củ làm ra 1kg khoai deo, giá khoai deo bán tại lò đã là 30-40.000 đồng một kg (tuỳ theo sản phẩm loại 1, 2)", bà Liễu tính toán.
Bây giờ riêng HTX khoai deo Hải Ninh mỗi năm đã làm ra 20-30 tấn khoai deo, thu lãi từ 250-300 triệu đồng.
Đất đai trong xã được tận dụng triệt để trồng khoai. Diện tích từ 30ha nay lên hơn 100ha, 100% hộ dân trồng khoai. Hộ không làm deo thì cung cấp củ cho hộ làm cũng đưa lại thu nhập đều đặn quanh năm.
Chị Luyền trồng 4-5 sào khoai (2.000-2.500m2), trước đây thu hoạch xong là chở ra chợ bán củ được hơn 2-2,5 triệu đồng, nay từ khoai gia đình trồng và mua thêm ngoài chợ về làm deo bán thu được 10-15 triệu đồng mỗi năm.
"Sản phẩm deo chế biến ra không đủ nhập cho khách lấy sỉ đến từ Hà Tĩnh, Hà Nội, Nghệ An, Huế…" - chị Luyền nói với vẻ tiếc nuối.
Hiện nay ở Hải Ninh, ngoài lò chế biến deo của HTX khoai deo Hải Ninh, các hộ gia đình cũng lập tổ chế biến với 3-5 hộ chung nhau.
Tổ của chị Luyền, Liên, Vưng mỗi vụ làm được 1-2 tấn deo, thu 40-45 triệu đồng, trừ đi tiền mua khoai củ thêm, sau chia lãi mỗi người cũng có được 10-13 triệu đồng.
"Đỡ lo nạn con cái thất học vì thiếu tiền như trước" - chị Liên bộc bạch.
Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, cho biết nghề trồng và làm khoai deo đưa lại hơn 6 tỉ đồng cho người dân mỗi năm. Nhờ đó Hải Ninh nay đã dần dần thoát nghèo.
Ngoài ra, nghề làm deo của Hải Ninh còn góp phần bao tiêu hết và phát triển cây khoai lang trên những vùng cát trắng hoang hoá ở trong huyện Quảng Ninh và ở các huyện bạn như Lệ Thủy, Bố Trạch...
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin