Mê làm sách vì yêu nghề báo

09:06, 24/06/2018

Câu chuyện của phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết như anh là một câu chuyện "truyền cảm hứng". Anh là tác giả của quyển sách vừa xuất bản vào đầu năm 2018 mang tên "Góp nhặt phận người" tập hợp 30 phóng sự viết về những phận người ở ĐBSCL khiến tôi ngỡ ngàng khi cho biết "mới vào nghề 5 năm".

 

Hòa Hội gọi quyển “Góp nhặt phận người” là “đứa con đầu đời sau 5 năm học việc ở Báo Tiền Phong”.
Hòa Hội gọi quyển “Góp nhặt phận người” là “đứa con đầu đời sau 5 năm học việc ở Báo Tiền Phong”.

Câu chuyện của phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết như anh là một câu chuyện “truyền cảm hứng”. Anh là tác giả của quyển sách vừa xuất bản vào đầu năm 2018 mang tên “Góp nhặt phận người” tập hợp 30 phóng sự viết về những phận người ở ĐBSCL khiến tôi ngỡ ngàng khi cho biết “mới vào nghề 5 năm”.

Hoàn toàn trái ngược với tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ của mình, những suy nghĩ và việc làm của anh… khá già. Anh là Trương Hòa Hội (sinh năm 1989), tốt nghiệp ĐH ngành Ngữ văn, hiện đang công tác tại Ban Đại diện Báo Tiền Phong tại ĐBSCL. Cuộc trò chuyện của tôi và anh xoay quanh các chủ đề: tuổi trẻ, nghề báo và viết sách.

Hòa Hội khẳng định: Tuổi trẻ phải sống có lý tưởng, “cháy” với đam mê, có kế hoạch và dám làm nên khác biệt.

5 năm đi sâu vào thực tế cuộc sống, anh đã góp nhặt được cho mình rất nhiều những tác phẩm viết về những phận người nổi trôi, vật lộn với cái đói, cái nghèo… Tuy nhiên, điểm chung ở họ là không cam chịu hay đầu hàng số phận mà luôn tiềm ẩn một nghị lực vươn lên, niềm tin vào ánh sáng của tương lai.

Theo anh Hội, đó là tố chất đáng quý, là giá trị của người miền Tây cần lưu giữ lại. Nhưng tác phẩm báo chí đọc xong, ngày qua ngày có thể đi vào quên lãng, cho nên, giải pháp anh chọn là nhờ sách lưu lại.

Thật ra, ý tưởng in sách đã “manh nha” trong đầu ngay từ những ngày anh mới vào nghề nhưng phải mất đến 5 năm sau mới thành hiện thực. Bởi lẽ, từ ý tưởng đến hiện thực là một khoảng cách rất xa.

“Về lý thuyết thì muốn ra một quyển sách khá đơn giản nhưng bắt tay vào làm mới thấy khó vô cùng. Từng tác phẩm mình tạo ra là cả tâm huyết sao cho tác phẩm có giá trị. Ngay khi đã có trong tay số lượng tác phẩm khá lớn, đủ để chọn lọc in sách thì khâu chuẩn bị cũng “ngốn mất cả năm trời”: khu biệt để chọn ra một vấn đề, chọn lọc tác phẩm phù hợp, sắp xếp sao cho có sự tiếp nối- liền mạch, đến tự bỏ kinh phí hàng chục triệu đồng, người thân không ủng hộ…”

Nói đến đây, anh Hòa Hội cười hiền: “Thật ra, tôi làm tất cả những điều này, bắt đầu từ niềm đam mê nghề báo. Chính vì trân quý những giá trị mình đã tạo ra khi theo nghề nên quyết tâm lưu giữ lại”.

Quyển sách đầu tay ra lò, anh không bán, chỉ để tặng người thân, bạn bè, sinh viên một số trường ĐH ở miền Tây…

Tự “dốc tiền túi” 30 triệu đồng nhưng cảm thấy hạnh phúc khi nhận được phản hồi tích cực từ những người thân quen- đọc sách giúp họ đồng cảm và thêm yêu quý người dân miền Tây.

Bên cạnh, sinh viên đam mê nghề báo có thêm tư liệu nghiên cứu, tham khảo từ những câu chuyện cụ thể “người thật việc thật”. Cũng nhờ “hiệu ứng” tốt nên hiện đã có nhà tài trợ cho các “dự án” tiếp theo.

Quyển sách đầu tay vừa xuất bản vẫn đang “thời sự” nhưng nhiều quyển khác đã sẵn nội dung, nối tiếp nhau chuẩn bị “ra lò”.

Trong máy tính cá nhân anh mang theo tác nghiệp hàng ngày có tập tin “SACH”, trong đó, hiện có 7 quyển sách chờ in. Gần nhất là quyển về câu chuyện khởi nghiệp của các bạn trẻ ở ĐBSCL- đã được tài trợ 40 triệu đồng, đang chờ giấy phép; kế đến sẽ là quyển về biến đổi khí hậu ở ĐBSCL…

Nhà báo trẻ Trương Hòa Hội trên đường tác nghiệp.
Nhà báo trẻ Trương Hòa Hội trên đường tác nghiệp.

5 năm lăn lộn trong nghề mang đến cho anh nhiều giải thưởng, trong đó có cả giải “danh dự” của nghề như Giải Báo chí quốc gia. Đặc biệt, ngày càng “nổi tiếng” hơn khi nhiều bạn bè, đồng nghiệp viết về mình: tấm gương vượt khó, một tấm lòng nhân ái, cây phóng sự…

Tuy nhiên, anh Hội xác định thi thố là những cuộc chơi nên sẽ có thắng- thua, không nên đặt nặng. Quan trọng là những giá trị sống mà mình đang hướng đến. Theo anh, tuổi trẻ phải dám dấn thân, đương đầu thách thức, sống với đam mê, phát huy hết khả năng, giá trị của mình trong lĩnh vực mà mình yêu thích.

Khi làm đừng sợ sai, khi quyết định đừng để tác động bên ngoài ảnh hưởng. Hãy gõ, cửa sẽ mở. Hãy đi rồi sẽ tới. Cứ làm đi rồi mới biết thành công như thế nào. “Và, dù trong thời điểm nào, tôi vẫn luôn trong tâm thế học nghề. Tạo ra những giá trị cho bản thân và hữu ích cho cộng là mục tiêu mà tôi hướng đến”.

Nói về Hòa Hội, ông Nguyễn Trung Nguyên- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ- tin tưởng: “Tôi tin một phóng viên có đôi chân “chịu đi”, đôi mắt “chịu nhìn” và trái tim biết lắng nghe, Hòa Hội sẽ còn cống hiến cho người đọc nhiều tác phẩm giá trị”.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh