Trên quê hương Vĩnh Long vốn giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, các thế hệ đi trước bằng cách này hay cách khác vẫn luôn nỗ lực để vun bồi tình yêu quê hương, ý chí kiên cường, tính cần cù chịu thương, chịu khó cho con cháu
Trên quê hương Vĩnh Long vốn giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, các thế hệ đi trước bằng cách này hay cách khác vẫn luôn nỗ lực để vun bồi tình yêu quê hương, ý chí kiên cường, tính cần cù chịu thương, chịu khó cho con cháu.
Mỗi độ tháng 6 về, một nhân cách lớn, một người con kiên trung mà người Vĩnh Long sẽ còn nhắc mãi, nhắc mãi để giáo dục thế hệ mình- đó là cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.
Các em thiếu nhi tham gia buổi giới thiệu sách và tìm hiểu cuộc đời bác Phạm Hùng tại Nhà văn hóa xã Long Phước. |
Hiểu về bác Phạm Hùng...
Phần đông người trẻ khi chuẩn bị bước vào đời đều ấp ủ những ước vọng, lý tưởng đẹp đẽ. Trong đó, điều cao cả nhất có lẽ là tình yêu quê hương và khao khát cống hiến, phụng sự Tổ quốc.
Tình cảm ấy không tự nhiên mà có. Nó bắt đầu từ lời ru ầu ơ của bà, len lỏi lớn lên từ những điều nhỏ nhất như nếp ăn, nếp ở hàng ngày.
Nó gắn liền với chuỗi năm tháng, những câu chuyện, những con người, bài học mà chúng ta trải nghiệm.
Câu chuyện của tháng 6 hàng năm luôn nhắc nhở trong lòng chúng tôi- lớp hậu thế- tìm về với vùng đất lịch sử Long Hồ, để tìm hiểu sâu hơn, để càng thấy yêu kính hơn người con ưu tú của vùng đất Vĩnh Long, người đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho quê hương, Tổ quốc.
Con đường khang trang trên quê hương Long Phước (Long Hồ) của bác Phạm Hùng rợp bóng cây. Những ngày tháng 5, tháng 6, nó lại nổi bật hơn vì cứ cách một đoạn lại được điểm xuyết bằng màu hoa phượng đỏ rợp trời.
Nhà Văn hóa xã Long Phước chật kín người. Gần 300 em thiếu nhi vui vẻ đọc sách, chơi trò chơi, nghe kể chuyện rồi tranh nhau trả lời câu hỏi về bác Phạm Hùng.
Câu chuyện của “Chàng trai cầu Ông Me” từ thời thơ ấu cho đến những năm tháng hoạt động cách mạng, rồi trở thành vị lãnh đạo với những phẩm chất vừa cao quý vừa bình dị, nhẹ nhàng đi vào tâm trí các em qua lời kể của các anh chị cán bộ thư viện. Có em ngồi hí hoáy viết tên những quyển sách về bác để “chạy qua thư viện tìm đọc”.
Khi nhắc đến quyển sách “Tấm lòng người dân Vĩnh Long với bác Hai Phạm Hùng”, ai nấy cũng trầm trồ, bị cuốn hút vì 95 bài viết được tuyển chọn từ 28.000 bài dự thi là chừng ấy những cung bậc cảm xúc sâu lắng của người dân đất Vĩnh trao gửi đến bác.
Câu chuyện bình dị đong đầy yêu thương, có nụ cười, có niềm tự hào, có giọt nước mắt tiếc nuối. Để rồi ai sinh ra trên mảnh đất này mà không dâng tràn niềm cảm mến một người con, một học trò, một đồng chí bình thường nhưng rất phi thường.
Như anh Trần Công Bằng- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Học tập cộng đồng xã Long Phước- nhận xét: “Sinh ra và lớn lên ở Long Phước, đó là niềm tự hào của chúng tôi.
Và những sân chơi, buổi gặp gỡ thiếu nhi thế này, chúng tôi muốn các em hiểu về bác Phạm Hùng, hiểu lịch sử địa phương.
Đây là cách sinh động để chúng tôi giáo dục truyền thống cách mạng, lan tỏa tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các em”.
Bạn Phạm Nguyễn Thanh Trường (lớp 8/2 Trường THCS Long Phước) đã 4 lần đến Khu lưu niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, nên “từ những hình ảnh, hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của bác và những câu chuyện kể hôm nay, em hiểu rõ hơn những cống hiến của bác cho quê hương”.
“Vì còn nhỏ, hổng làm được gì lớn lao nhưng em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành người tốt, làm việc có ích cho xã hội”- Thanh Trường bộc bạch.
Cuộc thi vẽ tranh “Bác Phạm Hùng với quê hương Vĩnh Long- Thiếu nhi Vĩnh Long với bác Phạm Hùng” năm 2017 cũng để lại kỷ niệm đẹp với nhiều thiếu nhi.
Sau gần 1 tháng phát động, có đến 1.175 tác phẩm gửi về dự thi. Góc nhìn khác nhau theo tình cảm, sự tưởng tượng ngây thơ của lứa tuổi học sinh đã làm nổi bật được những đóng góp, tình cảm của bác với quê hương Vĩnh Long, nhất là với thiếu nhi.
… Để thêm yêu quê hương
Bé Huỳnh Hiểu Lâm (Phường 1- TP Vĩnh Long) giành giải nhất nhóm 7- 9 tuổi trong cuộc thi vẽ tranh “Bác Phạm Hùng với quê hương Vĩnh Long- Thiếu nhi Vĩnh Long với bác Phạm Hùng”.
Ánh mắt hạnh phúc hướng về phía bức tranh, Hiểu Lâm cười tươi: “Cô giáo dạy con về bác Phạm Hùng, bác có công lớn với đất nước. Hiểu về bác, con thêm yêu quê hương”.
Học bổng mang tên bác Phạm Hùng đã được trao đều đặn 15 năm qua, nhằm động viên các em tiếp tục vượt khó học giỏi vừa nhắc nhở các em noi theo tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc, mẫu mực, đem hết trí tuệ và sức lực cống hiến cho đất nước như tấm gương của bác.
Học bổng Phạm Hùng được trao hàng năm, động viên các em học sinh nỗ lực học tập. |
Năm 2017, em Thái Hoài Phúc (xã Đông Thành- TX Bình Minh) đậu vào Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh với 27 điểm. Phúc chia sẻ, nhà có 2 công ruộng, mẹ phải chắt chiu thêm từ việc mua ve chai để lo cho 2 anh em ăn học.
Học bổng Phạm Hùng là động lực rất lớn đối với em: “Em sẽ cố gắng học tốt hơn khi nhận được học bổng mang tên bác.
Hiểu về cuộc đời và hoạt động cách mạng của bác, tuổi trẻ chúng em ý thức được rằng, những cống hiến của bác là bài học vô giá cho tuổi trẻ về lòng yêu nước, tinh thần hiếu học, lạc quan, đầy dũng khí với tinh thần bất khuất, không ngại hy sinh gian khổ vì Tổ quốc”.
Theo bà Lê Thị Kiều Chinh- Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Vĩnh Long, việc tổ chức phát động các đợt thi đua gắn với việc giáo dục truyền thống bằng nhiều hình thức như: giới thiệu sách, nói chuyện truyền thống, tọa đàm, thi vẽ tranh, thi tìm hiểu lịch sử,… đã sống động đưa những trang sử đến gần hơn với thế hệ trẻ.
Những câu chuyện giản dị, đời thường nhưng đầy ý nghĩa đã đem đến những thông điệp, những bài học sâu sắc.
Đó là con đường để góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, học yêu thương và gắn bó với những gì gần mình nhất.
Để lịch sử từ hàng chục năm, hàng trăm năm, để những tấm gương đạo đức sáng ngời như đồng chí Phạm Hùng gần các em hơn, trở thành niềm tự hào để các em phấn đấu làm theo, đó là trách nhiệm của người lớn.
Người lớn vừa phải tạo điều kiện để trẻ được phát triển tư duy, nhanh nhạy bắt nhịp với cuộc sống hiện đại nhưng vừa phải giáo dục trẻ giá trị truyền thống cốt lõi.
Để trẻ hiểu rằng, quê hương mang đến bao điều tốt đẹp, chúng ta phải có trách nhiệm đem tình yêu đó vun đắp, làm đẹp quê hương.
Những ngày tháng 6 về thăm Khu tưởng niệm, nhìn bức ảnh bác Phạm Hùng nở nụ cười hồn hậu, ánh mắt sáng trong, cương nghị.
Trong gian phòng còn nhiều câu đối và lời điếu văn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ca ngợi bác: “Mấy độ gian lao ngục tù thử sức binh lửa thi gan nhưng nguyện hy sinh vì Tổ quốc/ Xiết bao tâm huyết kháng chiến soi đường hòa bình mở lối bất tử giữa nhân dân”, “Công lao của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta rất to lớn. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của đồng chí là tấm gương sáng đối với mọi người cộng sản và mọi người Việt Nam ta...”.
Thắp nén hương tưởng nhớ người con ưu tú của đất nước, thấm thía những hy sinh to lớn của bác Phạm Hùng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương. Tự nhủ với lòng một vài điều, chúng tôi thấy mình lớn thêm một chút!
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin