Trên chuyến tàu xuôi dòng sông Tiền về An Bình hôm nay, tôi bắt gặp cây bông gòn bông trắng như tuyết, bung tỏa theo chiều gió.
Nép mình bên dòng sông Tiền, cây bông gòn ở cù lao An Bình (Long Hồ) gợi nhắc ký ức đẹp về những năm tháng khó quên của đứa trẻ quê. |
Trên chuyến tàu xuôi dòng sông Tiền về An Bình hôm nay, tôi bắt gặp cây bông gòn bông trắng như tuyết, bung tỏa theo chiều gió.
Như một thói quen, tôi lại lẩm nhẩm mấy câu thơ vần điệu giản dị như câu ca dao của nhà thơ Ngô Văn Phú: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng”…
Hồi nhỏ, hễ ra đầu ngõ ngước lên trời đếm trái bông gòn, tôi lại thầm thì bài thơ “Mây và bông”. Thấy “sai sai” khi ở miền Tây mà đọc thơ về cây bông vải, nhưng trong trí tưởng tượng của trẻ con, nó mừng húm khi bắt gặp hình ảnh giống câu ca dao của ngoại.
Những trái gòn nâu sẫm rũ xuống, bung tách ra lớp bông trắng muốt, lủng lẳng giữa trời cao giống như những đám mây đậu trên cành cây.
Chẳng giống những loài cây khác, cây gòn rụng lá vào mùa khô, bắt đầu từ tháng 3. Trụi lủi lá. Trơ trọi trái. Như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng nói: “Cây gòn phải hy sinh để dồn sức nuôi trái lớn”.
Đến lúc tách khỏi lớp vỏ dày, từng chùm bông trắng muốt, mịn như lụa “xổ lồng” nương theo gió. Giống như những đứa con trưởng thành trong vòng tay ấp ôm của mẹ, đến một lúc nào đó, chúng phải tự lập, bay đến vùng đất lạ, nhú lên những chồi xanh mới, để mầm sống nối tiếp mầm sống.
Hơn chục năm trước, cây gòn và người dân keo sơn gắn bó như một người bạn. Nếu nói không quá thì người bạn ấy đồng hành từ miếng ăn cho đến giấc ngủ. Trong thời chiến dùng bông gòn để cầm máu, trong đời thường thì để nhồi gối ôm, gối nằm.
Thân gòn để bắc cầu đi trong mương vườn. Hạt gòn ép lấy dầu. Mủ gòn có thể chế biến thành thứ nước uống độc đáo. Và ngoài công dụng làm nhang, lá gòn còn là loại lá kỳ diệu đối với những đứa trẻ quê khi hái lá gòn vò với nước tạo xà bông để thổi bong bóng.
Đứa trẻ quê nào cũng háo hức khi được cùng bà hái trái bông gòn, ngồi xem bà tách vỏ đem phơi. Trộn lớp bông trắng muốt, hất tung lên rồi nhìn những sợi bông nhẹ nhàng rơi xuống mà mấy đứa nhỏ cứ thấp tha thấp thỏm sợ bông bay mất, bị “hao”.
Những ai được bà may cho cái gối “nhân” bông gòn là mừng như ngày hôm ấy thi được điểm 10, chốc chốc lại lấy gối ra ngắm nghía như vật báu.
Còn một điều thú vị khác về cây bông gòn. Đó là sau hơn 300 năm hình thành, phát triển, có học giả đã đưa ra công trình nghiên cứu về tên gọi địa danh Sài Gòn có liên quan đến cây bông gòn. Căn cứ vào từ “Sài” nghĩa “củi” và “Gòn” tức “cây bông gòn”, quyển “Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị” của ông Huỳnh Tịnh Của cho nghĩa của Sài Gòn là “củi gòn”.
Học giả Trương Vĩnh Ký thì cho rằng từ “Sài Gòn” được phiên âm từ tiếng của người Khmer, cho rằng địa danh này xưa kia là rừng rậm có nhiều cây gòn được dân cư sử dụng làm củi. Học giả Trương Vĩnh Ký kể lại, người Khmer xưa có trồng cây gòn chung quanh đồn Cây Mai.
Chính ông còn thấy vài gốc cổ thụ tại đó năm 1885. Dù sau đó, không ai tìm thấy dấu tích của rừng gòn theo giả thuyết trên nhưng đó lại là một cách lý giải được nhiều tin tưởng và cũng thật lãng mạn cho những ai đã trót yêu thành phố này.
Ngày hôm nay, không dễ tìm thấy một cây gòn ở miền quê. Tìm cho ra một cây gòn giữa lòng thành phố với chùm bông trắng lủng lẳng trên cành hay bay đâu đó trên vòm trời lại càng khó hơn.
Chiếc gối bà ngoại may cho tôi năm ấy, bây giờ vẫn còn nhưng mỏng dính, xẹp lép. Không biết có phải vì cân nặng của chúng tôi đã thay đổi so với hồi ấy quá hay không…
Hè sang, bắt gặp cây gòn đến mùa vẫn trổ bông, lưa thưa lá, khi nắng trong, trời xanh ngắt, ngước mắt nhìn lên những bông gòn như mây trời treo trên cành, đung đưa trong gió, hàng vạn, hàng vạn ký ức tuổi thơ không hẹn mà quay trở lại.
Câu thơ thuộc nằm lòng từ thuở bé bất giác bật lên: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây…” Tuổi thơ không thể quay về nhưng ký ức có bao giờ hết đẹp được đâu!
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin