Ngang dọc Trường Sơn rồi ghé thăm vùng đất lửa Quảng Trị là cung đường đáng trải nghiệm. Hành trình Trường Sơn càng thêm ý nghĩa bởi những điểm dừng luôn gắn với những năm tháng lịch sử không thể nào quên.
Ngang dọc Trường Sơn rồi ghé thăm vùng đất lửa Quảng Trị là cung đường đáng trải nghiệm. Hành trình Trường Sơn càng thêm ý nghĩa bởi những điểm dừng luôn gắn với những năm tháng lịch sử không thể nào quên.
Một bản làng trên đường Hồ Chí Minh, bên dòng sông thơ mộng. Ảnh: DU MIÊN |
Hành trình của chúng tôi lần này không kéo dài suốt chiều dài của Trường Sơn lộng gió, mà chỉ gói gọn trong bốn ngày đi suốt tuyến Hồ Chí Minh Tây từ Khe Gát (Quảng Bình) tới Khe Sanh (Quảng Trị) rồi đi dọc đường Một, đường ven biển ghé Cửa Việt, Cửa Tùng rồi tới dòng sông Nhật Lệ nơi Mẹ Suốt chèo đò đưa chiến sĩ qua sông.
Trường Sơn thường hiện diện trong những câu chuyện kể với biết bao gian nan, vất vả bởi rừng sâu, nước độc. Nhưng bây giờ, Trường Sơn là một cung đường xanh đầy thú vị.
Dọc theo đó là những bản làng của người Vân Kiều, Cơ Tu… và cả người Kinh, hình thành những ngôi làng ven núi, chân đèo trải dọc Trường Sơn. Dù vậy, tuyến Hồ Chí Minh Tây, cư dân vẫn thưa thớt.
Có những đoạn hàng chục cây số không thấy một bóng người trên đường. Tuyến này không có phương tiện công cộng, nên chúng tôi di chuyển bằng xe máy sau khi đáp chuyến bay xuống thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).
Giữa trưa nắng của những ngày tháng năm thật không dễ chịu chút nào, nhưng đi dọc tuyến này lại khác - rừng xanh bao phủ.
Hiếm phương tiện qua lại nên nhiều đoạn rừng che hết con đường. Mát rượi. Dọc đường có nhiều con suối, con thác chảy ngầm trong lòng đất, khe đá… một quãng rất dài rồi mới lộ thiên.
Bởi thế nước trong vắt, mát lạnh. Kể cả lúc đang nắng gắt sắp chạm ngưỡng bốn mươi độ, đưa tay vào suối nước chúng tôi phải giật bắn người vì lạnh.
Sau bốn giờ chiều, ai nấy đều ngại chạm vào suối nước. Đường Hồ Chí Minh Tây đoạn Khe Gát – Khe Sanh chừng khoảng 250km, có thể đi hết trong một ngày. Nhưng đoàn quyết định chia lộ trình làm hai ngày để trải nghiệm đêm giữa rừng Trường Sơn.
Giăng lều bên góc suối ven đường để có nước dùng và có vị trí bằng phẳng. Ngày Trường Sơn tắt nắng sớm bởi núi rừng tiếp nối, chồng chất.
Cả nhóm chia nhau gom cành cây khô và chọn chỗ đất trống đốt lên làm bếp. Nướng thức ăn, nấu mì và cùng ngồi bên nhau nhấm nháp, rồi ngẫu hứng hòa nhịp “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây…”.
Bữa ăn lẽ ra kết thúc trong vòng nửa tiếng. Nhưng chẳng biết thế nào mà kéo dài đến tận nửa đêm. Dừng bữa, chỉ còn tiếng lá xào xạc, nước chảy rì rào dưới ánh trăng non đầu tháng.
Ngày thứ hai không quá vội vã. Chạy về Khe Sanh – điểm cuối của đường Hồ Chí Minh Tây giao nhau với đường Chín. Từ đây, đi ngược đường Hồ Chí Minh Đông để viếng và thắp hương Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Đây là mái nhà chung của những chiến sĩ đã nằm xuống dọc chiều dài Trường Sơn và trên đất bạn Lào. Những đồng đội còn sống đi tìm những người nằm xuống, tập kết về một nơi để tri ân, hương khói. Trong đó, còn không ít những ngôi mộ vô danh.
Những ngôi mộ xếp hàng nằm lặng im dưới những tán cây mát rượi, gió rì rào của Trường Sơn thiêng liêng. Thỉnh thoảng vẳng tiếng chuông hòa quyện vào gió ngân vang.
Chiếc lư hương trên sông Thạch Hãn. Ảnh: DU MIÊN |
Thay vì trở lại đường Một để ghé dòng sông vĩ tuyến – sông Bến Hải và cầu Hiền Lương, chúng tôi quay ngược lại dòng Thạch Hãn để ghé Thành cổ Quảng Trị tại thị xã Quảng Trị.
Chiều cuối ngày, Thành cổ tịch liêu như một niệm khúc. Đứng ở đây không ai tưởng tượng được trong tám mươi mốt ngày đêm của năm 1972, mỗi chiến sĩ phải hứng chịu 4-5 tấn đạn pháo.
Giọng cô thuyết minh Thành cổ nghẹn ngào như một cái gút thật chặt vào tim của mỗi người.
Trong tiếng chuông đổ của Thành cổ lúc năm giờ chiều, chúng tôi kịp ghé lại bờ sông Thạch Hãn thắp nén hương trên chiếc lư nhang chìm trong nước. Những ngày tháng ấy, có những chiến sĩ của ta chưa kịp bơi tới bờ đã vĩnh viễn nằm xuống đáy sông.
Hành trình tiếp theo là xuôi theo dòng Thạch Hãn ra tận Cửa Việt rồi vòng vèo đường ven biển ra Cửa Tùng rồi quay lại đường Một để bước chân trên cầu Hiền Lương nối đôi bờ sông Bến Hải.
Đêm kết thúc ở địa đạo Vịnh Mốc, một di tích lịch sử hiện đang thu hút rất đông du khách quốc tế. Đi ba tầng địa đạo sâu gần hai mươi mét trong lòng đất, đứng trước cửa nhìn ra biển, họ không khỏi ngạc nhiên vì những gì người Việt đã làm nên trong những năm dài chiến tranh khốc liệt.
Biển ở đây rất đẹp. Cát trắng mịn, nước trong xanh. Từ đây, chúng tôi đi dọc suốt chiều dài đường ven biển Gio Hải, Gio Linh ra tới Lệ Thủy rồi kết thúc hành trình bên tượng đài Mẹ Suốt đứng uy nghi bên bờ sông Nhật Lệ…
Nếu trở lại lần sau, chúng tôi sẽ đi lại tuyến đường ven biển này để tận hưởng hết vẻ đẹp của bờ biển hình chữ S.
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin