Kỳ cuối: Người về thương nhớ mãi Trường Sa

01:05, 29/05/2018

Đảo Trường Sa (còn gọi là Trường Sa Lớn) là điểm đảo cuối cùng trong hành trình về với Trường Sa, cũng là đảo duy nhất mà tàu KN 491 có thể cập bến được. So với những điểm đảo đã đi qua, thì Trường Sa Lớn khá "bề thế" từ bờ kè chắn sóng được gia cố những khối bê tông 3 chân nặng hàng tấn bao quanh.

 

Đảo Trường Sa (còn gọi là Trường Sa Lớn) là điểm đảo cuối cùng trong hành trình về với Trường Sa, cũng là đảo duy nhất mà tàu KN 491 có thể cập bến được. So với những điểm đảo đã đi qua, thì Trường Sa Lớn khá “bề thế” từ bờ kè chắn sóng được gia cố những khối bê tông 3 chân nặng hàng tấn bao quanh.

Công trình nổi bật là đường băng dài xuyên suốt như “xương sống” của đảo, làm cho cái nắng dội xuống đây càng trở nên hầm hập như thiêu đốt con người ta. Nhưng thật cảm động, những hàng cán bộ, lính đảo cùng những hộ dân đã chỉnh tề đứng đợi tự bao giờ.

Vẫn giữ nguyên cảm giác háo hức mỗi khi đặt chân lên điểm đảo, nhưng không tránh khỏi những xao xuyến, bâng khuâng khi biết rằng chỉ đêm nay thôi, là khép lại một chặng đường rất đặc biệt trong cuộc đời mình. Thật khó khăn để nói lời: “Tạm biệt Trường Sa!”.

Dáng hình Tổ quốc nơi cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn.
Dáng hình Tổ quốc nơi cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn.

Trường Sa dáng đứng kiêu hùng

Mọi tình cảm dồn nén lại trong ngày cuối cùng trên đảo Trường Sa Lớn, với biết bao buồn vui lẫn lộn và cũng rất nhiều hoạt động diễn ra trên thị trấn Trường Sa, nơi được xem là “linh hồn” của cả quần đảo Trường Sa mênh mông này, đang gánh trên vai sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc, nhân dân đã giao phó.

Cho nên, từng phút, từng giây có mặt trên hòn đảo cuối cùng, chúng tôi muốn đi đến từng con đường, góc đảo, muốn trò chuyện với từng người để ghi nhận từng nụ cười, ánh mắt của niềm tin.

Lễ chào cờ, duyệt binh ngay trên đường băng sân bay, chúng tôi thêm cảm nhận rõ ràng dáng đứng kiêu hùng của người lính Trường Sa trong nhịp đập của triệu triệu trái tim người dân Việt.

Nghe như rầm rập bước quân hành của dân tộc qua bao cuộc trường chinh để giành lại độc lập, tự do cho muôn đời sau; để lắng nghe trong huyết quản tự muôn đời xưa của dòng giống Lạc Hồng, thuở Mẹ Âu Cơ tiễn cha Lạc Long Quân bên mép nước, để đất nước mở đầu bằng truyền thuyết trọn vẹn núi thẳm rừng cao, cùng với bao la biển, đảo.

Để từ đó, lịch sử dân tộc vẽ nên dáng hình non sông gấm vóc thuở lính thú triều Nguyễn với Hải đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải (tức Trường Sa).

Và ngay từ cuối thế kỷ XVI, triều đình nhà Nguyễn đã lập “sổ đỏ” của đất nước tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa này.

Con người có thể thay đổi “luật chơi” ở hiện tại và tương lai, nhưng không có thứ cường quyền nào có thể đổi thay lịch sử, đổi thay sự thật, lẽ phải rằng: Hoàng Sa, Trường Sa là một phần không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam.

Sau khi đoàn dâng hương Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, viếng Tượng đài liệt sĩ Trường Sa, mọi người từng nhóm nhỏ tỏa ra khắp nơi.

Tôi thả bộ dọc theo đường băng sân bay về nơi cuối đảo, nơi có công trình nâng cấp lại kè chắn sóng ngồn ngộn cát đá, xe cẩu, những người lính công binh làm việc miệt mài dưới trời nắng như đổ lửa và những khối bê tông 3 chân lắp kín góc đảo.

Theo Trung tá Đỗ Hải Đăng- Chính trị viên đảo, mỗi khối nặng khoảng 5 tấn, nhưng bão ở đây có thể nhấc chúng từ chỗ này “bay” sang chỗ khác.

Nằm kề bên những doanh trại là sân bóng chuyền, khu tập luyện thể dục và những mô hình của khu vui chơi dành cho các em nhỏ.

Nằm trên con đường dẫn ra âu tàu là Bệnh xá đảo Trường Sa, gần đó là trường học của đảo có 2 thầy giáo và 13 học sinh. Khi hết lớp 5, các em sẽ thi để vào đất liền học tiếp THCS. Xa xa, là dãy nhà khang trang dành cho 7 hộ dân của đảo.

Không khó nhận ra một công dân nhí “nổi tiếng” của đảo là bé Thái Bình Hải Thùy, vì mẹ cháu- chị Ái- đã quyết định sinh cháu ngay bệnh xá của đảo.

Cái tên bé được các chú bộ đội chọn lựa như gửi gắm một niềm tin, lời nguyện ước cho sự bình yên nơi biên thùy biển đảo tiền tiêu này. Năm nay, Hải Thùy đã 4 tuổi, khá lanh lẹ và xinh xắn đang chạy đùa cùng các bạn ngoài sân.

Ghé nhà anh Lê Đức Phép, chúng tôi thấy có rất nhiều thùng đựng thực phẩm khô. Anh cho biết: “Toàn là quà của các đoàn khách từ đất liền.

Các hộ dân ở đây được cung cấp thực phẩm chế độ y như bộ đội. Ngoài ra có những thực phẩm là quà tặng nên ăn uống không đến nỗi thiếu thốn gì.

Những năm gần đây, lo sợ nguy hiểm nên chỉ được đánh bắt hải sản loanh quanh gần bờ thôi”. Các hộ dân nơi đây còn khéo léo kết những vỏ ốc thành những món quà lưu niệm khá dễ thương, ốc biển ở Trường Sa thì nhiều lắm, có nhiều loại rất đẹp.

Mỗi nhà dân đều có bể chứa nước mưa xây âm dưới đất, đảm bảo đủ nước sinh hoạt và một khoảng sân rộng trồng trọt đủ các loại rau xanh.

Anh Phép cho biết cả 7 hộ dân đều thuộc tỉnh Khánh Hòa cùng ra đây một lượt, còn 1 tháng nữa là đủ 5 năm sẽ vào lại đất liền.

Anh nhớ những ngày đầu ra đây thật sự rất “khó ở”, giờ thì đã bắt đầu thấy buồn khi chuẩn bị vào đất liền. Vào đó thuận lợi việc học hành của con cái, nhiều tiện nghi và gần gũi gia đình, nhưng với bộ đội ngoài này thì đã gắn bó như những người thân ruột thịt rồi. Sẽ nhớ đảo, nhớ các anh bộ đội nhiều lắm.

“Trường Sa vì cả nước!”

Câu nói nghe như khẩu hiệu, nhưng khi nó thốt lên tận đáy lòng của những con người đang dang mình ở những góc biển, chân trời mù khơi này, cùng với nắng mưa, giông bão, những nguy hiểm khôn lường từ những âm mưu, tham vọng biển Đông;

thì câu nói ấy nghe sao mà thương quá, nghe đủ mềm lòng người đất liền mà bật lên thành tiếng nấc và những dòng nước mắt đã rơi trong giờ phút chia tay, để từ đó niềm tin mãnh liệt bay lên trên muôn trùng ngọn sóng.

Đêm dưới chân cột mốc chủ quyền Trường Sa Lớn âm vang tiếng hát như “cháy” hết mình của các ca sĩ; nghe như lời tự tình sóng biển quê hương từ bập bùng tiếng đàn ghi ta và những lời ca vừa hoàn thành ngay trên tàu KN 491, NSƯT Thanh Danh say sưa hát như chưa bao giờ được hát;

mọi người như lịm đi trong tiếng ca lảnh lót và tiếng đàn then của ca sĩ Ánh Tuyết (Lạng Sơn) và những điệu nhảy vòng tròn với những bàn tay nắm chặt chẳng muốn rời nhau…

Ở một góc sân, Trung tá Đỗ Hải Đăng vừa theo dõi vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi. Anh cho rằng, những năm gần đây, ngày càng có nhiều đoàn khách đất liền ra thăm, thật vui, thật ấm áp tâm tình lính đảo.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước, cơ sở vật chất đảo ngày càng được khang trang, nơi ăn ở gọn gàng, đời sống cán bộ, chiến sĩ, dân đảo ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, đảo luôn tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt, để bà con yên tâm bám biển, tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống cho thiếu nhi, phụ nữ trên đảo.

Còn về tinh thần sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đảo, thì nhân dân đất liền hãy yên tâm. Trường Sa vì cả nước!- đó là mệnh lệnh từ trái tim người lính.

Đêm văn nghệ giao lưu giữa đoàn với các chiến sĩ Hải quân giữ đảo.
Đêm văn nghệ giao lưu giữa đoàn với các chiến sĩ Hải quân giữ đảo.

Thời gian trôi qua thật nhanh, 20 giờ 30, lệnh tập trung lên tàu kết thúc hơn 6 tiếng đồng hồ thăm đảo. Trừ những chiến sĩ trực gác, tất cả cán bộ, lính đảo và các hộ dân đều tập trung ra âu tàu xếp thành hàng đồng loạt vỗ tay ca vang những bài hát tập thể quen thuộc.

Mọi người trên tàu cố nhoài người ra vẫy tay, quay phim, chụp ảnh và cũng vỗ tay hòa nhịp với hàng người dưới kia. Tàu rời xa dần, khi hàng người dưới âu tàu sắp mờ dần trong bóng tối, phía dưới đảo hô vang: “Trường Sa vì cả nước!”

Đáp lại, trên tàu cũng hô vang: “Cả nước vì Trường Sa!”. Những tiếng hô cứ lặp lại vang xa trên sóng như cố níu kéo bao tâm tư, tình cảm bịn rịn, yêu thương dừng lại phút giây này.

Đâu đó, những giọt nước mắt lặng lẽ rớt trong đêm, bóng tối bao trùm mọi thứ, vẫn thấy nhiều người chạy về phía đuôi tàu ngóng nhìn về phía đảo. Ai đó lẩm bẩm: “Thương quá Trường Sa ơi!”

Lại một đêm khó ngủ, con tàu rầm rì băng mình trong bóng đêm. Cứ mỗi hải lý gần lại với đất liền, thì phía đuôi tàu những bọt sóng biển trắng xóa như đẩy chúng tôi thêm xa dần một vùng biển, đảo thân thương.

Những tên gọi từ đây khắc sâu thành nỗi nhớ trong lòng: Song Tử Tây, Đá Nam, Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Núi Le, Tốc Tan, Len Đao, Đá Tây, Trường Sa Lớn, Nhà giàn DK1/7. Còn cả vùng biển bao la những đảo nổi, đá chìm chúng tôi chưa kịp đến và cả những góc biển, đảo, bãi cạn, từng tấc nước, vùng trời đang bị nước ngoài chiếm giữ trái phép mà chúng ta chưa đòi lại được cho con cháu mai sau…

Nói thế nào đây, khi mà trái tim mình trở nên quá nhỏ bé trước những dòng cảm xúc trào dâng như muôn trùng sóng biển ngoài kia cứ ầm ào ve vuốt bãi bờ, góc đảo quê hương.

Chỉ biết từ đây, Trường Sa hiện diện trong lòng mình rất cụ thể, là những hình ảnh rất sống động, tươi đẹp, mà kiên cường, dũng cảm như những con người ngoài đó. Mong lắm một ngày được trở lại với Trường Sa máu thịt, thiêng liêng của Tổ quốc.

Toàn bộ hệ thống các đảo nổi, bãi cạn, đá chìm của quần đảo Trường Sa mà chúng tôi đặt chân đến đều rất xinh đẹp, thơ mộng, sẽ là những điểm du lịch lý tưởng. Đó cũng là mong muốn của nhiều người khi được đặt chân lên những hòn đảo tuyệt vời này và hẳn cũng là mong muốn của rất nhiều người dân Việt Nam.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh