Hành trình về với Trường Sa

Cập nhật, 05:29, Thứ Tư, 23/05/2018 (GMT+7)

Trong mỗi trái tim người dân Việt Nam đều mong mỏi được một lần đến với Trường Sa thân yêu, máu thịt của Tổ quốc mình. Điều đó với tôi là thiêng liêng, to lớn đến nỗi trở thành một khát vọng làm nên sự vỡ òa hạnh phúc, khi nhận được “mệnh lệnh” lên đường ra thăm đảo.

Hành trình hơn 1.000 hải lý trên con tàu kiểm ngư KN 491 là “cuộc trở về” với một phần rất đặc biệt của quê hương tràn ngập cảm xúc, cùng với rì rầm sóng vỗ của biển xanh bao la, là giai điệu rất lạ của một giấc mơ mang tên Trường Sa rộn ràng vỗ mãi trong lòng tôi.

Đồng chí Trương Văn Sáu (hàng đầu, thứ 4 từ phải qua)- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long, Phó trưởng Đoàn công tác số 12- cùng đoàn tỉnh Vĩnh Long chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ hải quân tại cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây.
Đồng chí Trương Văn Sáu (hàng đầu, thứ 4 từ phải qua)- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long, Phó trưởng Đoàn công tác số 12- cùng đoàn tỉnh Vĩnh Long chụp ảnh lưu niệm với chiến sĩ hải quân tại cột mốc chủ quyền đảo Song Tử Tây.

Kỳ 1: Chạm vào “nỗi nhớ Trường Sa”

Có một nơi ta chưa kịp đến đã thân quen, có vùng đất chưa từng đặt chân đã trở thành tình yêu, nỗi nhớ tự bao giờ. Bởi nơi đó, đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất, kiên cường của dân tộc vì sự toàn vẹn lãnh thổ, khẳng định chủ quyền của từng viên sỏi, từng tấc nước giữa trùng khơi.

Nơi đó được mệnh danh là “Thủ đô của biển, đảo Việt Nam” và từ trong sâu thẳm trái tim, tôi vẫn gọi thầm là “nỗi nhớ Trường Sa”.

Tạm biệt đất liền

Nghi thức tiễn đoàn trên Cảng quốc tế Cam Ranh.
Nghi thức tiễn đoàn trên Cảng quốc tế Cam Ranh.

Đúng 7 giờ sáng 2/5/2018, tàu KN 491 được lệnh nhổ neo, rúc 3 hồi còi rền vang thực hiện nghi thức chào cảng. 187 thành viên Đoàn công tác số 12 cùng thủy thủ đoàn tập trung về mạn trái tàu chào tạm biệt đất liền.

Trên âu tàu Cảng quốc tế Cam Ranh, những hàng lính hải quân nghiêm trang chào đoàn, càng tiếp thêm hào khí của những ngày tháng 4 lịch sử. Bình minh tràn ngập trên toàn vùng biển xanh thẳm với những dãy núi vòng cung ôm trọn vào lòng vịnh nước sâu tuyệt đẹp.

Vừa ra khỏi cửa vịnh, tàu tăng lên tốc độ chuẩn khoảng 12 hải lý/giờ, gió thổi mạnh hơn nhưng biển lặng, dự báo một hải trình tốt đẹp.

Những giờ phút đầu tiên, mọi người đều cùng cảm giác phấn khích, tập trung lên boong tàu ngắm biển, hít thở không khí trong lành và liên tục ghi lại những hình ảnh trên con tàu kiểm ngư thuộc thế hệ hiện đại nhất Việt Nam.

Con tàu đóng theo công nghệ Hà Lan do chính người Việt Nam thực hiện là niềm tự hào, thể hiện năng lực đóng tàu của chúng ta, góp phần chủ động vào việc phát triển, hiện đại hóa trang bị cho lực lượng kiểm soát, bảo vệ vùng biển đảo và những ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Với tâm thế là một “chiến sĩ Trường Sa” đang thực hiện cuộc hành quân ra biển Đông, tuân thủ nghiêm ngặt mọi sinh hoạt, giờ giấc trên tàu như người lính, chúng tôi cũng sẵn sàng chờ đón những khó khăn về thời tiết, những khắc nghiệt, thiếu thốn mà mình chưa được trải nghiệm bao giờ.

Nhưng thật bất ngờ, trong mỗi phòng ngủ có điều hòa nhiệt độ, mỗi giường ngủ có gối, mền xếp ngay ngắn và một túi đựng đủ các vật dụng thiết yếu: khăn mặt, dầu gội, xà phòng giặt, tăm bông, dao cạo râu, bàn chải đánh răng,…

Mỗi người được trang bị đôi dép nhựa chống trơn trợt và mũ cối bộ đội. Sự chu đáo đó càng làm cho chúng tôi cảm thấy đầy thêm trách nhiệm.

Với đội ngũ báo chí, càng là nỗi lo cho những dự định, cho từng hình ảnh, từng trang viết làm thế nào chuyển tải trọn vẹn tâm tư, tình cảm “ở hai đầu nỗi nhớ” giữa đất liền và chiến sĩ, người dân trên đảo.

Và rồi, mọi băn khoăn, lo lắng, suy nghĩ đều nhường chỗ cho một thứ cảm xúc bao trùm ập đến, khi một chấm nhỏ xanh mờ nổi lên từ viền chân trời cong cong mềm mại như cuộn tròn khoảng không mênh mông của biển xanh, mây trắng.

Tôi lặng lẽ đứng ngắm cái chấm xanh ấy cứ to dần, to dần cho đến khi hiện lên rõ mồn một màu xanh của cây cối và những kiến trúc trên đảo.

Song Tử Tây đây rồi! Trường Sa thân thương đây rồi! Lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay kia là Tổ quốc nơi địa đầu biển, đảo trùng khơi.

Đúng 10 giờ sáng 3/5, tàu được lệnh thả neo ngoài khơi đảo Song Tử Tây ở độ sâu 25 thước nước.

Sức sống Song Tử Tây

Duyệt binh trên đảo Song Tử Tây.
Duyệt binh trên đảo Song Tử Tây.

Những chiến sĩ đảo chờ sẵn trên bờ, những nụ cười rám nắng và những cánh tay rắn rỏi đưa ra nắm chặt, khi bước chân đầu tiên đặt lên mép đảo có gì đó thật bồi hồi trong dạ và lòng ta thầm gọi: Việt Nam ơi!

Rồi thật nhanh, là những bước chân hối hả, những cú bấm máy bằng niềm rưng rưng cảm xúc, trước vẻ đẹp ngỡ ngàng của màu xanh cây lá.

Cái nắng như thiêu đốt dội xuống hầm hập càng làm bật dậy sức sống mãnh liệt Song Tử Tây, những hàng phong ba như nghiêng mình cúi rạp sát xuống vùng cát nóng như rang, vẫn đủ sức bung nở miên man từng chùm hoa như chào đón đất liền.

Ở mỗi góc đường, những người lính trẻ đứng nghiêm theo điều lệnh chỉ đường, vẫn khẽ nở nụ cười ấm áp. Đây đó hình ảnh những giếng nước lợ, mấy chú chó sủa ăng ẳng vài tiếng như reo vui, có cả mấy con bò nằm trú nắng dưới những bóng cây vẻ lười biếng nhơi cỏ,…

Tất cả những hình ảnh đầu tiên đó, gợi lên không gian một góc làng quê thật bình dị, một cảm giác nhẹ nhõm, dịu mát đủ xua tan cái khí hậu khắc nghiệt đầy nắng gió và giông bãobất thường.

Khi những chiếc xuồng máy lần lượt đưa những vị khách cuối cùng trên tàu vào đảo- cùng lúc, một nhóm nhỏ được phân công đến thăm đảo Đá Nam cách đó 2,6 hải lý- thì tất cả cán bộ, chiến sĩ, người dân đảo Song Tử Tây đã tập hợp thành hàng ngoài sân cỏ trước cột mốc chủ quyền.

Mọi người đứng nghiêm trang, chào cờ Tổ quốc trong khúc nhạc hào hùng bài “Tiến quân ca”. Phía xa là ngọn hải đăng như bóng dáng người lính hải quân ngày đêm canh giữ bình yên vùng biển, bầu trời quê hương.

Đó không phải là những cảm xúc mơ hồ, mà là những hành động cụ thể, đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên vùng đảo cực Bắc của quần đảo Trường Sa, mà Trung Tá Nguyễn Đức Độ- Chỉ huy trưởng, Chủ tịch xã đảo Song Tử- trang nghiêm nhắn gửi lời hứa về với đất liền: “Xin hãy yên lòng, những người lính đảo nơi đầu sóng, ngọn gió thề dâng hiến cuộc đời mình vì sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo quê hương!”

Chúng tôi dâng hương tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, càng cảm nhận rõ diện mạo, sức sống và thế đứng vững chãi của Song Tử Tây.

Việc có được hệ thống giếng nước lợ có thể sử dụng được, là đặc thù tạo cho Song Tử Tây có bãi cỏ rộng lớn và đây cũng là nơi duy nhất trong quần đảo Trường Sa có được đàn bò hàng chục con, việc chăn nuôi, trồng trọt khá thuận lợi so với nơi khác.

Góc đảo phía Nam, một doi cát thoai thoải chạy dài ra biển, sự bồi đắp tự nhiên này được thay đổi theo từng mùa, tạo nên sự “chuyển động” kỳ diệu của thiên nhiên.

Tạm biệt đảo Song Tử Tây.
Tạm biệt đảo Song Tử Tây.

Từ doi cát trải dài như “cánh tay đảo” chồm ra phía biển, một cảm giác gần gũi, thân thuộc đến lạ khi bất chợt giữa ngàn trùng đại dương vang lên những hồi chuông ngân dài từ chùa Song Tử Tây, tựa lời nguyện cầu “biển lặng, trời yên”.

Nhưng với lính đảo thì chắc một điều không bao giờ “yên lòng”, khi sát nách là đảo Song Tử Đông (cách 2,2 hải lý) và đảo Thị Tứ (27 hải lý) do Philippines chiếm đóng trái phép; xa hơn một chút cách 33 hải lý là đảo Su Bi đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1988.

Đang miên man với bao nhiêu suy tư thì bầu trời chuyển mây đen, báo hiệu có thể gió lớn, lập tức được lệnh tập kết ra tàu sớm. Đúng là ở đảo đang rất “bình thường” trong một tâm thế sẵn sàng ứng phó với mọi điều “bất thường” có thể xảy ra bất cứ lúc nào!

Phải chia tay Song Tử Tây sớm hơn dự định, mọi người bịn rịn xuống xuồng trong tiếc nuối. Giọng cô gái vang lên: “Muốn ôm các anh lâu hơn chút nữa, chưa muốn chia tay sớm đâu”. Hàng lính đảo đứng chào, những cái vẫy tay cứ xa dần, xa dần… Mong ngày gặp lại Song Tử Tây ơi!

Ngoài ý nghĩa về quốc phòng, an ninh, đảo Song Tử Tây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển vùng Đông Bắc quần đảo Trường Sa. Hòn đảo rất đẹp nhìn từ xa, dáng hình bầu dục kéo dài theo hướng Đông Bắc- Tây Nam, chiều dài 698m, rộng 295m, diện tích phần nổi 210.838m2. Khi thủy triều xuống thấp nhất thì đảo cao từ 3,2m- 4m xung quanh, ở giữa trũng thấp như lòng chảo.

Kỳ 2: Đẹp cảnh, say tình Nam Yết, Sơn Ca

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG