Nhiếp ảnh cũng như các loại hình nghệ thuật khác, trên con đường lao động nghệ thuật "lao tâm, nhọc xác" này, nếu có được một người bạn tâm giao, tri âm, tri kỷ quả là cơ duyên lớn của cuộc đời.
Nhiếp ảnh cũng như các loại hình nghệ thuật khác, trên con đường lao động nghệ thuật “lao tâm, nhọc xác” này, nếu có được một người bạn tâm giao, tri âm, tri kỷ quả là cơ duyên lớn của cuộc đời.
NSNA Nguyễn Vinh Hiển lại có được hạnh phúc lớn hơn thế, khi có người cha- NSNA Nguyễn Bách Thảo- đã trở thành “bệ phóng” ngay từ những ngày đầu tiên anh “ôm máy” chập chững vào nghề.
NSNA Bách Thảo cùng con trai- NSNA Vinh Hiển.Ảnh nhân vật cung cấp |
Trên con đường nghệ thuật chông gai đó, người cha luôn như “đứng đợi” ở những khúc quanh, những bước ngoặt quyết định, để mở lối thênh thang cho một tài năng được thăng hoa trọn vẹn trên bầu trời nghệ thuật.
Và giờ đây, NSNA Bách Thảo có thể tự hào về đứa con của mình đã thực sự trưởng thành, thực sự là “điểm tựa” để ông tiếp tục niềm vui sáng tác ở cái tuổi xế chiều.
Bệ phóng cho một tài năng
Trải qua bao nhiêu thăng trầm trên bước đường “dịch chuyển”, đổi nghề ngay trong giai đoạn đất nước còn quá khó khăn sau những năm vừa có được hòa bình, NSNA Bách Thảo vẫn cố gắng giữ cái gốc xuất thân nhà giáo ở một làng quê Bắc Bộ (Nam Định).
Chính điều này, như tâm sự của ông là sau thời gian ngắn vào Sài Gòn lập nghiệp, ông quyết định đưa cả gia đình về với vùng đất Vĩnh Long vốn bình lặng, hiền hòa theo lời khuyên của người chị đã vào Vĩnh Long trước đó.
Trước khi có cái ăn “bỏ miệng”, phải nghĩ đến việc giữ được nếp nhà và giáo dục cho 4 đứa con được nên người.
Ông chia sẻ rằng: mình cũng không ngờ những bức ảnh thời còn là anh giáo làng, lại đưa ông dấn thân vào nghiệp cầm máy rồi dẫn dắt đến niềm đam mê nhiếp ảnh đến vậy. V
ào những năm 1975- 1976, trước không khí sôi nổi của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng kinh tế ở xã Đồng Sơn (Nam Định), Nguyễn Bách Thảo háo hức cầm máy ảnh ghi lại khoảnh khắc bà con nhộn nhịp mua heo, bán vải, bán dầu hỏa,…
Những bức ảnh bất ngờ được đón nhận, in kín cả trang Báo Thương mại, vô tình là bước ngoặt đưa đẩy ông trở thành cán bộ tuyên giáo.
NSNA Bách Thảo nhớ lại, “phó nháy” sôi động nhất là vào thời kỳ năm 1981- 1982, khi đất nước ngập tràn trong niềm vui hòa bình, người dân khao khát có cuộc sống mới, nhu cầu ghi lại hình ảnh từ đó cũng tăng theo.
Nên khi đã là cán bộ của Liên hiệp Công đoàn tỉnh Cửu Long, thì thu nhập chính của gia đình cũng từ cái máy ảnh.
Thời đó, những chiều cuối tuần ở công viên “3 con rồng” thuộc Công ty Du lịch Cửu Long, tập trung hơn 20 anh “phó nháy” mà phần đông là cán bộ nhà nước, vậy mà thu nhập mỗi người trong 1 ngày đã bằng cả tháng lương rồi. Mọi thu nhập từ nhiếp ảnh, ông để dành… mua cám nuôi heo, trang trải chi phí lo cho 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Tự nhận là không gò ép con cái vào nghề nghiệp nào, mà mọi việc để con tự phát triển theo thiên hướng cá nhân.
Nhưng, chắc một điều tình yêu và tâm huyết nhiếp ảnh trong ông đã được truyền sang cho con trai thứ hai- Nguyễn Vinh Hiển.
Để trong làng nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, có được “một cặp” nghệ sĩ cha con vô cùng độc đáo và thú vị: Bách Thảo- Vinh Hiển như ngày nay.
“Sao nối ngôi”
Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ cách anh đến với nhiếp ảnh giống như một “định mệnh”. Từ những năm học cấp II, anh đã thích cầm máy ảnh chụp bạn bè.
Năm 1989, từ khi còn là cậu học trò lớp 12, Báo Mực tím tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật, anh giành ngay giải á quân.
Trước hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải lo cho cả 4 anh em đang tuổi ăn, tuổi học, Nguyễn Vinh Hiển quyết định nghỉ học, cùng cha kiếm tiền để hiện thực giấc mơ đến giảng đường của anh Hai và 2 đứa em gái.
Nguyễn Vinh Hiển cười: “Tôi toàn đi ngược lại với mọi người. Mãi đến sau này khi mọi chuyện ổn thỏa hết mới tự thân đi học nhờ cô em gái Út động viên: anh Ba đã hy sinh cho gia đình, đến lúc anh phải đi học rồi”.
Hơn 10 năm gắn bó với nhiếp ảnh dịch vụ, Nguyễn Vinh Hiển cho biết luôn dõi theo những người theo đuổi ảnh nghệ thuật nhưng với anh, đó chỉ là “giấc mơ” vì “nghệ thuật là cái gì đó quá cao siêu, ngó thấy thích chứ không dám đeo vô, tốn kém tiền bạc, thời gian và ảnh hưởng đến mưu sinh nữa”.
Năm 2000, khi cầu Mỹ Thuận khánh thành, các NSNA ào ạt sáng tác, không khí vui tươi đó đã kích thích Vinh Hiển “mon men” ôm máy sáng tác với mọi người, mà thật lòng chỉ để chơi thôi chớ lúc đó nhìn “mấy nghệ sĩ nhiếp ảnh là em đã… hãi rồi”.
Thế rồi sau đó, 8 giải thưởng trong số 11 giải được trao là một “bất ngờ lớn”, cũng là động lực để Nguyễn Vinh Hiển “bén duyên” với nhiếp ảnh nghệ thuật.
Tuy nhiên, “quyết định thay đổi cả cuộc đời”, là cái ngày bố con anh đèo nhau trên chiếc xe gắn máy lên Sài Gòn xem kết quả dự thi ảnh năm 2001.
“Lúc ấy, bố nói nếu kỳ này không có giải thưởng gì thì thôi nhe con, đeo theo cái này nó tốn kém quá. Buổi trưa hôm đó, khuôn viên của trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh vắng hoe, bố con anh hồi hộp bước vào xem kết quả, không ngờ lại có giải.
Niềm vui tràn ngập trong lòng họ, bố tự nhiên dễ tính hẳn ra trong ngày hôm đó”- Vinh Hiển bồi hồi nhớ lại, anh cho rằng mỗi khi nhắc lại cái ngày đó thì lòng không khỏi rưng rưng xúc động, sao mà thấy thương bố quá.
Vinh Hiển kể, thêm một quyết định bất ngờ, khi chạy về tới Tiền Giang, bố bảo ghé nhà NSNA Duy Anh lúc đó như là một “siêu sao” trong giới nhiếp ảnh Việt Nam.
Cửa đóng, bố con anh không dám gõ mà cứ ngồi đợi, đến khi được “diện kiến” mà lòng còn hoang mang lo sợ. Sau khi nhìn nhận nhau là đồng hương Nam Định, bố xin gởi con theo học 3 tháng.
Đó là 3 tháng “bản lề” để Vinh Hiển thật sự “bước cả hai chân” vào thế giới của sáng tác ảnh nghệ thuật.
Nếu tính ra từ ngày mon men học nghề, chỉ sau 15 năm, tức đến năm 2016, Nguyễn Vinh Hiển là NSNA trẻ tuổi nhất được Hội NSNA Việt Nam phong tặng danh hiệu NSNA đặc biệt xuất sắc (E.VAPA/G).
Đến nay, trên cả nước chỉ có hơn 20 người được phong tặng danh hiệu này. Đó là một bước tiến thăng hoa đặc biệt của một tài năng đặc biệt.
Giờ thì anh không chỉ là niềm tự hào của NSNA “bố”- Bách Thảo, mà còn là chất kích thích, vực dậy phong trào nhiếp ảnh của Vĩnh Long.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, Bách Thảo- Vinh Hiển là “một cặp” hiếm hoi, nếu không muốn nói là “độc nhất, vô nhị” trong làng nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.
Hành trình đến với nhiếp ảnh là câu chuyện dài tràn ngập tình cảm yêu thương sẻ chia, gắn bó của các thành viên trong gia đình, câu chuyện cảm động của bố con anh trên bước đường dấn thân vào cuộc chơi nghệ thuật gian truân và vô cùng tốn kém này.
Câu chuyện rất đáng để trân trọng và tôn vinh, ghi nhận đóng góp của một cặp nhiếp ảnh tài năng “già- trẻ” của tỉnh Vĩnh Long.
Tác phẩm “Mũi Cà Mau” của NSNA Vinh Hiển, chụp theo ý thơ Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó- mũi Cà Mau”. Để chụp được tác phẩm này, tác giả đã lên ý tưởng rất lâu và thực hiện mất một thời gian dài trước đó nhưng không thành công; khi có phương tiện flycam, cộng với 3 ngày đêm mai phục chờ khoảnh khắc đẹp nhất hội tụ để có bức ảnh này. Tác phẩm này cũng nằm trong dự án bộ ảnh Việt Nam 15 ảnh trải dài từ Lũng Cú cho đến mũi Cà Mau của NSNA Vinh Hiển thực hiện trong 15 năm để trình làng bộ ảnh xét duyệt tước hiệu E.VAPA/G- nghệ sĩ nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc (đây là tước hiệu cao nhất dành cho nghệ sĩ nhiếp ảnh)- mà anh có tuổi nhỏ nhất trong khoảng 20 người tại Việt Nam. Bộ ảnh được đánh giá rất cao về sự công phu và chất lượng nghệ thuật. - “Mũi Cà Mau” đoạt 3 giải thưởng trong năm 2017: 1 giải C Xuất sắc quốc gia, 1 giải nhất Việt Nam nhìn từ trên cao, 1 Huy chương vàng ĐBSCL 2017. |
NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin