Nếu trước đây chuyện học của đồng bào Khmer ở xã Loan Mỹ (Tam Bình) còn lắm khó khăn bởi nhiều người chưa ưng cho con đi học nhiều, bởi trường lớp còn thiếu thốn; thì nay, những ngôi trường mới đạt chuẩn quốc gia khang trang nằm ngay trong xã; bác sĩ, kỹ sư là người địa phương ngày càng nhiều.
Nếu trước đây chuyện học của đồng bào Khmer ở xã Loan Mỹ (Tam Bình) còn lắm khó khăn bởi nhiều người chưa ưng cho con đi học nhiều, bởi trường lớp còn thiếu thốn; thì nay, những ngôi trường mới đạt chuẩn quốc gia khang trang nằm ngay trong xã; bác sĩ, kỹ sư là người địa phương ngày càng nhiều. Người dân xem việc học là hướng đi đúng đắn để thoát nghèo, lập thân lập nghiệp.
Ý thức học tập trong đồng bào Khmer được nâng cao. |
Xã hội chung lo
Từ một xã vùng đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, đi học từng là chuyện “xa xỉ” thì đến nay “con ai cũng được đi học đàng hoàng, bọn trẻ học tới đâu chúng tôi nuôi đến đó”- ông Thạch Đời (70 tuổi ở ấp Giữa) nói vậy.
Cơ sở vật chất được trang bị đạt chuẩn, xã hội hóa giáo dục mạnh dần đã tạo điều kiện cho các em đều được đến trường.
Ông Lê Trí Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ- cười tươi: Trường Tiểu học Thạch Thia ở xã đã đạt chuẩn quốc gia, Trường Mầm non Hướng Dương đang đợi tái công nhận đạt chuẩn.
Rồi ông Dũng chỉ tay về phía ngôi trường mái ngói đỏ tươi đối diện UBND xã, phấn khởi: “Trường Tiểu học Thạch Thia đó, được Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng để xây dựng mới, Trường THCS Loan Mỹ thì đang được hỗ trợ xây dựng thêm, mục tiêu cuối năm nay đạt chuẩn luôn”.
Ông Lê Trí Dũng quê ở huyện Trà Ôn nhưng đã gắn bó với xã này 14 năm nay. Ngần ấy thời gian đủ để chứng kiến bao sự đổi thay từ kinh tế đến chuyện học hành của bà con dân tộc. Ông Trí Dũng cho biết: “Quản lý trữ lượng học sinh, vận động xã hội hóa giáo dục giúp mọi học sinh đều có điều kiện đến trường”.
Năm 2017, học sinh trong xã đã được trao 488 triệu đồng học bổng, ngoài ra còn được tặng xe đạp, tập vở, quần áo... “Trước đây, chỉ tặng tập cho học sinh nghèo, cận nghèo, còn nay các em được tặng theo nhu cầu”- ông Dũng nói thêm.
Điểm đặc biệt ở Trường Tiểu học Thạch Thia là học sinh được học chữ Khmer, trong khi trước đây các em muốn học chữ dân tộc mình phải học ở chùa Khmer, thời gian học riêng biệt và tốn ít nhất từ 2-3 năm.
Thầy Nguyễn Tấn Lực- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Thia- thông tin thêm: Trong 556 học sinh của trường thì có đến 425 em là người dân tộc Khmer, chiếm 76,4%.
Trong đó, có đến 129 học sinh thuộc hộ nghèo, 63 em thuộc hộ cận nghèo. Tuy nhiên, các em luôn được tạo điều kiện để yên tâm học hành nên dù có nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn song tỷ lệ bỏ học những năm gần đây luôn bằng không.
Học tới chừng nào không học nổi nữa mới thôi
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động mà qua đó bà con đã thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học. 32 năm gắn bó với Trường Tiểu học Thạch Thia, cô Thạch Thị Khel đã chứng kiến bao sự đổi thay không chỉ ở cơ sở vật chất mà cả về tâm lý, suy nghĩ của người dân.
Cô Khel cười: “Mới 5-7 năm trước, tôi còn lội đến tận nhà học sinh, mỗi năm học phải dăm ba bận vận động các em đi học” nay thì các em rất tự giác, gia đình cũng ưu tiên cho con đi học.
Trường Tiểu học Thạch Thia khang trang nhờ nguồn xã hội hóa giáo dục. |
Kể chuyện xa xôi hơn, cô Khel nhớ hồi cha cô là ông Thạch Thên (ấp Cần Súc, nay đã 90 tuổi) cho 6 người con đi học đàng hoàng bị cho là “mần chuyện tào lao” thì nay nhà nhà đều cho con đi học, chí ít cũng học để có cái nghề hoặc có tấm bằng tốt nghiệp THPT làm vốn xin việc.
Cô Khel rạng rỡ khi kể về 4 người con của mình: “4 người con của tôi đều học ĐH, CĐ và 3 đứa đã đi làm, có 1 đứa làm bác sĩ bệnh viện huyện mình đó”.
Gia đình thuộc diện khó khăn, chủ yếu đi làm thuê nhưng vợ chồng chị Thạch Thị Sa Pha ở ấp Sóc Rừng luôn có ý thức cho con cái đi học. “Con trai tôi năm nay học lớp 5 rồi. Nó biết cái chữ Việt lẫn chữ Khmer. Tui vui lắm, định cho nó học tới chừng nào nó không học nổi nữa mới thôi”.
Chị Sa Pha nói vợ chồng chị “một chữ cắn đôi không bể”, chị bị bệnh thoái hóa cột sống vừa bị viêm xoang nên ở nhà đan thảm lục bình. Chồng chị thì đi vác lúa gạo thuê ở nhà máy xay xát, công việc nặng nhọc lại bấp bênh.
Nên “mong muốn lớn nhất của vợ chồng tui là cho con đi học đàng hoàng để nó biết cái chữ, có cái bằng tốt nghiệp đi mần công nhân cũng nhẹ nhàng và ổn định hơn”.
Giáo dục luôn được mọi người, mọi tổ chức, cá nhân chăm lo phát triển. Đặc biệt, đồng bào Khmer càng được quan tâm giúp đỡ nhiều hơn. Về Loan Mỹ hôm nay, chuyện học đã thấm sâu trong mỗi gia đình và những câu hỏi “học tới lớp mấy” nghe râm ran từ đầu làng đến cuối xóm.
Năm 2017, xã Loan Mỹ có 226 hộ thoát nghèo, trong đó, có 189 hộ là đồng bào dân tộc Khmer. Công tác huy động trẻ đến trường đạt 100% kế hoạch. Giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và bậc THPT. |
Bài, ảnh: VĨNH PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin