Sinh ra ở vùng duyên hải miền Trung, từng bôn ba sinh sống ở miền Bắc nhưng "duyên nợ" đã "cuốn" Hồ Tĩnh Tâm vào miền Nam và dừng chân ở Vĩnh Long.
Sinh ra ở vùng duyên hải miền Trung, từng bôn ba sinh sống ở miền Bắc nhưng “duyên nợ” đã “cuốn” Hồ Tĩnh Tâm vào miền Nam và dừng chân ở Vĩnh Long.
Trưởng thành từ những năm tháng kháng chiến đầy gian khổ, văn chương và âm nhạc của ông ngồn ngộn chất liệu từ cuộc sống, tự nhiên đi vào lòng người bằng nỗi nhớ niềm thương, nghĩa tình sâu nặng với đồng chí, đồng đội và mảnh đất mình gắn bó.
Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm bên dòng sông Tiền- nơi ông gắn bó hơn 30 năm và gọi là “quê hương thứ hai”. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Hồ Tĩnh Tâm sinh năm 1952, tại Triệu Phong- Quảng Trị. Ông cho biết con người và tính cách của ông ảnh hưởng lớn từ cha mẹ và môi trường sống từ khi còn bé.
Tình cảm đối với quê hương đất nước, chút gai góc lại pha chút lãng mạn được thừa hưởng từ cha- anh bộ đội tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế kế hoạch nhưng có đam mê viết văn. Và chất hài hước, dí dỏm, tình yêu với âm nhạc cùng những con chữ lại đến từ năm tháng sống cùng mẹ ở ĐH Sư phạm Vinh.
Cậu bé 7 tuổi ngày nào cũng la cà vào thư viện trường, từ chưa biết đọc biết viết phải nhờ người đọc dùm đến khi nghe thuộc làu làu nhiều quyển sách và đặt bút hí hoáy viết những trang văn, học nốt nhạc đầu tiên đều gắn bó với thầy cô và ngôi trường nơi mẹ ông cống hiến cả cuộc đời.
Hồ Tĩnh Tâm chia sẻ: “May mắn của đời tôi là được sống trong môi trường sư phạm, gặp được những người thầy tài giỏi, tận tâm, đâu đâu cũng có những bài học tri thức phảng phất chất văn học”.
Bước ngoặt lớn của cuộc đời ông là rời Trường ĐH Mỏ Địa chất khi vừa trở thành sinh viên năm nhất để tình nguyện vào quân ngũ năm 1972.
Những năm tháng nơi chiến trường B2 ở miền Nam, văn chương và âm nhạc là “liều thuốc tinh thần” giúp ông “vơi đi nỗi nhớ nhà, vơi nỗi lòng những đêm nằm đất muỗi đốt đầy người, tiếng pháo thì dồn dập ngay bên cạnh, không biết có những ai vừa ngã xuống…”- Hồ Tĩnh Tâm bồi hồi nhớ lại.
4 năm ở chiến trường, chứng kiến những mất mát, tận tay đưa tiễn những người anh em gắn bó như máu thịt về cõi vĩnh hằng, quyển nhật ký tuổi trẻ của Hồ Tĩnh Tâm dày thêm, nặng thêm, nỗi nhớ niềm thương đọng lại đâu đó.
Và nó chính là chất liệu để ông sáng tác nhiều tác phẩm có cốt truyện hiện thực cảm động, giản dị, rất đời thường mà nói lên được tâm lý sâu sắc ý vị: tập truyện ngắn “Hiến dâng” (1991), ký nhiều tác giả “Bài ca âm vang”, “Từ địa ngục chiến thắng trở về”...
Không chỉ là thơ văn, tình cảm ấy còn được thổi hồn bằng những giai điệu du dương, tha thiết trong: tập ca khúc “Cám ơn đất nước”, “Giai điệu quê hương”, “Bông sứ trắng”…
Năm 1976, sau khi rời quân ngũ, Hồ Tĩnh Tâm về Hà Nội. Ông trở thành đội trưởng đội sản xuất, cùng các đồng đội xây dựng đất nước sau ngổn ngang những đau thương, thiếu thốn khi chiến tranh vừa đi qua.
Đúng lúc này, miền Nam cũng cần một số cán bộ có tri thức về gắn bó, cống hiến. “Tôi nhận được lá thư của mẹ. Bà thủ thỉ nhưng không ép buộc, kể: Cả ông ngoại và bà đều dành cuộc đời cho ngành sư phạm nên muốn tôi tiếp tục theo đuổi nó. Sẵn yêu thích viết văn, tôi gật đầu cái rụp trở vào Nam học sư phạm”.
Vậy là Hồ Tĩnh Tâm khăn gói vào nhập học Khoa Sư phạm ngữ văn- ngoại ngữ- Trường ĐH Cần Thơ.
Đến năm 1987, Hồ Tĩnh Tâm về dạy văn, dạy nhạc và quốc phòng tại Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long cho đến khi về hưu.
Sau chuyến đi ngang dọc của tuổi trẻ in đậm dấu ấn của nắng gió miền Trung hay thanh lịch, kiên cường của miền Bắc, Hồ Tĩnh Tâm mang hết vốn liếng tích góp từ những hành trình đó dừng chân ở miền Nam.
Tính cách ấy cuộn chảy giữa lòng đồng bằng và hòa nhập cùng người dân địa phương từ sinh hoạt thường nhật đến phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói, đi cả vào những sáng tác của ông.
Thi ca của Hồ Tĩnh Tâm được tạo nên từ sự chắt lọc từ tâm hồn của người nghệ sĩ làm công việc sáng tạo, là những chiêm nghiệm qua thời gian, qua thăng trầm của cuộc đời.
Và ông quan niệm: “Viết văn thì cần phải tắm mình trong ngôn ngữ dân gian và gần gũi cuộc sống. Dù là sáng tạo nghệ thuật nhưng để trở thành một nhà văn, nhất định không thể không trang bị cho mình về kiến thức khoa học”.
Ông cười hề hề nói “đó là lý do khi miêu tả người bị rắn cắn, tôi phải chạy đi mua liền ba cuốn sách viết về các loài rắn độc”.
Trải qua bao biến thiên, từ cái thời viết vội trên giấy, rồi “vác máy đánh chữ ra trước hiên nhà lúc 3 giờ sáng vì sợ tiếng ồn làm con thức giấc” đến khi có chiếc máy tính đi đâu cũng mang theo được, Hồ Tĩnh Tâm vẫn sáng tác đều đặn.
Ở tuổi lục tuần, ông vẫn giữ nguyên cái nhìn tinh tế và nhạy bén trước mọi biến chuyển của cuộc sống. Sáng tác trở thành thói quen, là lẽ sống của một cuộc đời la cà phảng phất nét lãng tử. Cảm hứng bất chợt mỗi ngày được ghi lại bằng thơ ca như một niềm vui của người nghệ sĩ.
Nói về nghiệp sáng tác, Hồ Tĩnh Tâm chia sẻ: “Trang văn của tôi sẽ luôn có bóng dáng của đồng đội, đồng chí, tôn vinh và ghi nhớ mãi những người đã ra đi vì Tổ quốc. Cầm viết để trả hiếu cho mẹ và cũng vì cái tình với miền Nam- quê hương thứ hai của tôi, nơi đồng đội đã ngã xuống, nơi có vợ con tôi”.
Hồ Tĩnh Tâm được trao tặng các giải thưởng: Giải nhì Ký văn học do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức (1990); Giải C truyện ngắn do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng (1991); Giải nhất truyện ngắn tỉnh Cửu Long (1991); Giải nhì ca khúc tỉnh Vĩnh Long (1994); Huy chương đồng Kịch bản phim truyền hình ca nhạc, Liên hoan Phát thanh- Truyền hình Việt Nam (1995),… |
QUANG THUẦN- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin