Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo- Bà Rịa Vũng Tàu) càng về đêm lại càng đông người viếng. Hòa trong khói hương nghi ngút là tiếng nhạc du dương, giọng thuyết minh trầm bổng về những con người "đã đứng lên thành những anh hùng", "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết" để Tổ quốc tự do, độc lập, để Côn Đảo hôm nay xanh ngát xanh!
Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo- Bà Rịa Vũng Tàu) càng về đêm lại càng đông người viếng. Hòa trong khói hương nghi ngút là tiếng nhạc du dương, giọng thuyết minh trầm bổng về những con người “đã đứng lên thành những anh hùng”, “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết” để Tổ quốc tự do, độc lập, để Côn Đảo hôm nay xanh ngát xanh!
Một góc cảng biển huyện Côn Đảo. |
“1 người ngủ, 3 người canh”
Đó là cách nói của anh hướng dẫn viên về hòn đảo có 8.000 dân nhưng có hơn 20.000 người đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Và, để có được giấc ngủ yên bình cho những người dân hôm nay là biết bao xương máu của anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh đánh đổi.
Đặc biệt, dường như không có nơi đâu trên đất nước này, người dân lại đến nghĩa trang ban đêm nhiều như vậy. Nghĩa trang Hàng Dương càng gần 0 giờ càng đông người và ấm áp khói hương với hàng ngàn lượt khách viếng.
Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2, chia làm 4 khu: A, B, C, D. Đây là nơi yên nghỉ của nhiều nhà cách mạng: Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Võ Thị Sáu, Cao Văn Ngọc, Lê Văn Việt,… trong đó, có đồng chí Hồ Văn Năm- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người con của tỉnh Vĩnh Long.
Cô thuyết minh cho biết: Khi chết, mỗi người tù được liệm bằng 2 chiếc bao bàng (đan bằng loại cỏ ống), cột 7 nút lại rồi đưa ra vùi qua loa xuống cát.
Có lúc, mỗi ngày có đến 15- 20 người tù chết, tất cả được chất lên xe bò chở ra hàng dương vùi chung một hố.
Trong khoảng 20.000 người ngã xuống trong 113 năm ngục tù Côn Đảo thì chỉ có 1.913 ngôi mộ trong nghĩa trang và trong đó chỉ 793 mộ có tên, địa chỉ cụ thể, số còn lại là những ngôi mộ vô danh.
Nghĩa trang Hàng Dương có không gian gần gũi tự nhiên với nhiều ngôi mộ không thẳng hàng, xen giữa những tán bàng.
Nhưng, nghĩa trang ấm áp lạ thường bởi những ngọn nến lung linh trên mộ và càng về khuya thì người viếng càng đông. Cô Lê Thị Hồng Nga (TX Bình Minh) cố giấu những dòng nước mắt khi thắp hương lên các phần mộ liệt sĩ.
Cô Nga cho biết: “Bác tôi cùng 5 người bạn tù đã đóng thuyền vượt ngục về đất liền, 6 người thì chỉ còn 2 người sống”. Bác cô Nga may mắn sống sót nhưng chỉ được 3 năm sau đó, bởi những vết thương hành hạ mà qua đời.
Những câu chuyện cảm động, bài hát anh hùng đang xen nhau trong không khí trang nghiêm ở nghĩa trang. Giọng đọc không lớn cũng không cao nhưng thấm từng tiếng vào lòng.
Sóng biển vỗ bờ cát trắng như vỗ về giấc ngủ nghìn thu cho hàng vạn linh hồn đâu đó trên khắp đảo này mà Nghĩa trang Hàng Dương mới chỉ là một phần xương máu các anh hùng, liệt sĩ! Nơi đây, từng tấc đất quê hương bỗng trở nên thiêng liêng quá đỗi!
Huyền thoại về “người con gái trẻ măng”
Đoàn cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long viếng Nghĩa trang Hàng Dương. |
Đến Côn Đảo, chúng tôi còn được nghe nhiều huyền thoại về cô Sáu- chị Võ Thị Sáu, “người con gái trẻ măng” ấy.
Những câu chuyện dân gian đượm màu sắc linh thiêng, huyền bí về một nữ anh hùng vì dân, vì nước đã được bất tử hóa như một vị thần.
Những câu chuyện người dân Côn Đảo kể về chị Sáu không có trong sử sách nhưng còn lưu truyền mãi như những truyền thuyết dân gian…
Chị Trang- bán hoa ở chợ Côn Đảo- nói: “Cô Sáu thiêng lắm, không chỉ du khách mà người dân trên đảo cũng viếng mộ cô cầu nguyện”. Khi muốn chứng minh điều gì, người ta nói: “Thề có cô Sáu chứng giám”.
Tấm mộ bia nơi cô Sáu nằm cũng có nhiều huyền thoại. Sau hôm cô Sáu bị giặc Pháp giết, kíp tù làm thợ hồ ở Khám 2, Banh 1 đã đúc bia bằng xi măng, dựng trước mộ.
Chúa đảo Jarty tức tối dẫn lính lên nghĩa trang đập vỡ tấm bia, cào bằng mộ. Nhưng bọn cai tù không sao hiểu nổi, mỗi lần chúng đập phá bia mộ, ngay hôm sau ngôi mộ và tấm bia lại hiện lên như trước… Thật ra, mộ và bia mộ đó đều do anh em tù thợ hồ làm suốt trong đêm.
Chuyện kể rằng, sau khi hành quyết Võ Thị Sáu, người lính lê dương già bỏ ăn suốt 2 ngày. Ông ta ngồi suốt đêm ở gốc bàng đầu Cầu Tàu bởi “đôi mắt cô gái đã ám ảnh tôi và có thể sẽ ám ảnh tôi suốt đời. Tôi phải bỏ nghề, tôi không thể bắn được nữa!”
Cũng thời gian ấy, Chúa đảo Jarty bị rơi sao, mất chức vì vụ 200 tù nhân đóng thuyền vượt ngục ở Bến Đầm. Người ta bảo cô Sáu đã phù hộ anh em tù đào hầm đóng thuyền vượt biển và trừng trị tên chúa đảo vì hắn quá tàn ác.
Tên Nghị mới bị đày ra đảo làm trật tự an ninh, chưa biết oai linh cô Sáu. Hắn nghe lời tên Tỉnh trưởng Lê Văn Thể ra đập phá bia mộ cô Sáu. Hắn đập nát bia, đập luôn lư hương và bình cắm hoa.
Thế nhưng, tấm bia mới lại được dựng lên, còn tên Nghị thì lâm trọng bệnh và chết. Những câu chuyện huyền thoại về cô Sáu kể hoài không hết, như sự tồn tại vĩnh hằng của những anh hùng, đại diện cho cái đúng và chính nghĩa sẽ thắng hung tàn.
Ngày nay, cô Sáu sống trong tâm hồn mỗi người dân tại đây và họ cầu mong gia đạo bình an, làm ăn thuận lợi. Những đôi tình nhân còn đến mộ cô Sáu hẹn thề gắn bó keo sơn, những cặp vợ chồng hiếm muộn cũng ra đây cầu nguyện.
Phải chăng có sự tồn tại vĩnh hằng của một con người bởi “sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc bắt nguồn từ những hy sinh gian khổ, ở đời không có con đường cùng…” như nhà văn Nguyễn Khải đã viết trong “Mùa Lạc”?
Nữ anh hùng Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1933 tại thị trấn Đất Đỏ (huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa). Năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Trong lúc hoạt động cách mạng, chị Sáu bị địch bắt. Chị bị tòa án Pháp phán tội tử hình khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết. 7 giờ sáng 23/1/1952, chúng đưa chị Võ Thị Sáu ra bãi bắn. Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu hét lớn: “Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” |
Bài, ảnh: VĨNH PHÚC
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin