Chuyến về nguồn đặc biệt

12:04, 15/04/2018

Chuyến về nguồn Côn Đảo vừa qua đã để lại trong lòng chúng tôi những cảm xúc thật đặc biệt: đối tượng chủ yếu của đoàn là cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục là thương binh hoặc con liệt sĩ. 

 

Phòng xay lúa ở Trại Phú Hải- nơi bác Tôn từng bị bắt làm “cặp rằn”. Tù nhân bị nếm hình phạt này thì chỉ đôi ba tháng là kiệt sức, toét mắt và mang bệnh lao phổi. Bởi vậy nên hầm xay lúa còn gọi là “nhà tù trong nhà tù, địa ngục trong địa ngục”.
Phòng xay lúa ở Trại Phú Hải- nơi bác Tôn từng bị bắt làm “cặp rằn”. Tù nhân bị nếm hình phạt này thì chỉ đôi ba tháng là kiệt sức, toét mắt và mang bệnh lao phổi. Bởi vậy nên hầm xay lúa còn gọi là “nhà tù trong nhà tù, địa ngục trong địa ngục”.

Chuyến về nguồn Côn Đảo vừa qua đã để lại trong lòng chúng tôi những cảm xúc thật đặc biệt: đối tượng chủ yếu của đoàn là cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục là thương binh hoặc con liệt sĩ.

Có lẽ Côn Đảo muốn giữ chân người nên biển động và tàu cao tốc ngưng hoạt động 2 ngày. Những ngày sống cùng Côn Đảo đủ để yêu thương, vương vấn vùng đất thiêng liêng này.

Nước mắt Côn Đảo

Những giọt nước mắt của cả đoàn đã rơi tại vùng đất huyền thoại này khi được tai nghe, mắt thấy nghĩa trang, nhà tù,… nơi mà mới 43 năm trước đây chính là “địa ngục trần gian”.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT- nói: “Chúng tôi có mặt tại vùng đất lịch sử này trước tiên là mong muốn của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Long, để vừa tri ân đối với gia đình thương binh, liệt sĩ vừa là dịp để quý thầy cô là con liệt sĩ, là thương binh đang công tác và đã về hưu có một chuyến trải nghiệm để phát huy truyền thống cách mạng ấy”.

Đến với Côn Đảo là đến với một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc. Biết bao cảm phục tấm lòng nhân ái, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn gian khổ ngay cả trước lúc hy sinh của bao thế hệ người tù.

Bức tượng người tử tù cộng sản Vũ Văn Hiếu- Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh- trao áo cho đồng đội- nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn- trước lúc hy sinh trong đại lao của thực dân Pháp là hình ảnh đẹp, tượng trưng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nhà thơ Tố Hữu viết trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”: “Chết còn chút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”.

“Thật khó giấu được xúc động về tinh thần yêu nước, ý chí, sức chịu đựng kiên cường của những chiến sĩ đã hy sinh trên vùng đất huyền thoại này để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc”- bà Quyên Thanh đã không cầm được nước mắt.

Cô Nguyễn Thị Xuân Phi- giáo viên nghỉ hưu ở Vũng Liêm, con liệt sĩ- không thể quên hình ảnh người cậu từ Côn Đảo vượt ngục trở về năm ấy. “Cậu tôi tên Nguyễn Văn Mầu, khoảng năm 1974 ông trở về nhà mà không ai nhận ra”.

Mấy ngày lênh đênh trên biển bằng một chiếc bè cây tự kết, cậu Mầu cùng các đồng đội may mắn được một tàu ngư dân cứu và đưa về đất liền. Cô Xuân Phi còn nhớ: “Lúc về cậu tôi quần áo xác xơ, chỉ còn da bọc xương”.

Lưu luyến chân người

Ở Côn Đảo, những câu chuyện về khí tiết anh hùng cách mạng dường như kể mãi không hết. Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cũng đã yên nghỉ nơi mảnh đất này.

Trong khói hương nghi ngút, đoàn chúng tôi lắng nghe câu chuyện về ông, giọng cô thuyết minh khi trầm khi bổng như hát một bài ca bi hùng của dân tộc: Những ngày cuối cùng bị cấm cố tại Xà lim Banh II (trại Phú Sơn), dù bị bọn cai ngục đánh đập dã man trong lúc đang ăn cơm, đồng chí vẫn thản nhiên ngồi ăn bát cơm chan máu và nói: “Gươm giáo của kẻ thù có thể chặt đứt thép gang nhưng nó phải oằn đi khi chặt phải dũng khí của người cộng sản”.

Ngày 6/9/1942, đồng chí Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng tại Xà lim số 5, khu cấm cố đặc biệt của Banh II nhà tù Côn Đảo.

Trong những giây phút cuối đời, đồng chí Lê Hồng Phong đã nói: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Nơi an nghỉ của đồng chí Lê Hồng Phong.
Nơi an nghỉ của đồng chí Lê Hồng Phong.

Khám số 7, Trại Phú Hải là nơi được chúng tôi quan tâm đặc biệt, nơi đây đã giam giữ cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long. 11 năm ở “địa ngục trần gian”, đồng chí Phạm Hùng tỏ rõ tinh thần gang thép của một đảng viên cộng sản.

Đồng chí đã tham gia lãnh đạo Chi bộ Đảng tại nhà tù, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt để giành lấy sự sống cho tù nhân, đòi giảm nhẹ chế độ khổ sai, cải thiện chế độ nhà tù, “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”.

Phòng giam số 7- nơi giam giữ đồng chí Phạm Hùng cùng nhiều chiến sĩ cộng sản.
Phòng giam số 7- nơi giam giữ đồng chí Phạm Hùng cùng nhiều chiến sĩ cộng sản.

Mỗi lần kẻ thù điên cuồng đàn áp tù nhân trong khám, đồng chí Phạm Hùng đều là người đứng mũi chịu sào, lấy lưng đỡ đòn cho những đồng chí khác, nhất là những người ốm yếu hay bệnh tật.

Còn nữa những câu chuyện dài về 113 năm ngục tù Côn Đảo, nơi lửa thử vàng đã tôi luyện nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh cho đến những nhà cách mạng nổi tiếng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Hồ Văn Năm...

Cô Trương Kim Thoa- Hiệu trưởng Trường Mầm non Mỹ Thuận (Bình Tân) chia sẻ: Với tôi, đây là một chuyến đi có nhiều kỷ niệm. Tôi thấy trân trọng cuộc sống hiện tại hơn. Từ nay phải cố gắng sống và làm việc thật tốt để xứng đáng với những ân tình đó!

Đọng lại trong tất cả, đây là một chuyến về nguồn đặc biệt với rất nhiều cảm xúc. Biển động, hành trình chúng tôi kéo dài thêm 2 ngày, khoảng thời gian để đi hết 8 trại giam và viếng Nghĩa trang Hàng Dương vài ba bận.

Chúng tôi ra về, lâng lâng với những ký ức xen lẫn xúc động và tự hào, là cảm giác về một vùng đất tưởng rất xa xôi nhưng lại gần gũi, nơi có quá nhiều mất mát hy sinh để địa ngục trần gian đã sắp hóa thiên đường.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Pháp: gồm các trại giam Bagne (Banh) 1, 2, 3, Biệt Lập Chuồng Bò, Chuồng Cọp và Bagne 3 phụ. Trong đó, Bagne 1, còn có tên gọi là Lao 1 (chính quyền Sài Gòn đổi tên là trại Cộng Hòa, trại 1 hay trại Phú Hải). Đây là trại giam lớn nhất và cổ nhất ở Côn Đảo mang đậm dấu tích tù đày khổ sai tàn ác của thực dân Pháp đối với các tù nhân chính trị.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo thời Mỹ và chính quyền Sài Gòn xây dựng thêm các trại: trại 5 (còn gọi là trại Phú Phong), trại 6 (trại Phú An), trại 7 (còn gọi là trại Phú Bình hay chuồng cọp kiểu Mỹ), trại 8 (trại Phú Hưng). Bộ Văn hóa- Thông tin đã công nhận hệ thống nhà tù Côn Đảo là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia ngày 29/4/1979.

 

 

  • Bài, ảnh: VĨNH PHÚC
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh