Nông thôn đổi mới- cuộc sống nâng cao

05:03, 23/03/2018

Về Bình Minh những ngày này, xe chúng tôi bon bon trên các con lộ lớn trải nhựa, một số tuyến đường còn được điểm tô bởi những bông hoa khoe sắc thắm. Đâu đâu cũng thấy nhà tường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ... được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

 

 

 Xã Mỹ Hòa đã và đang khai thác lợi thế, tiềm năng lớn từ cây bưởi Năm Roi để giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xã Mỹ Hòa đã và đang khai thác lợi thế, tiềm năng lớn từ cây bưởi Năm Roi để giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Về Bình Minh những ngày này, xe chúng tôi bon bon trên các con lộ lớn trải nhựa, một số tuyến đường còn được điểm tô bởi những bông hoa khoe sắc thắm. Đâu đâu cũng thấy nhà tường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, chợ... được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Đường đi dễ dàng, nông sản bán có giá

Đến vùng bưởi chuyên canh của xã Mỹ Hòa, chúng tôi bon bon trên tuyến lộ xe 4 bánh Mỹ Hòa- Rạch Chanh, ghé thăm nhà ông Dương Văn Khéo ở ấp Mỹ Thới nhâm nhi tách trà. Ông kể: Khi Nhà nước vận động làm đường, tui ký tên trước tiên, hiến nửa công đất trồng bưởi.

Lúc làm lộ thì cây đang cho trái non, nửa công bưởi của tui nếu để thêm chờ bán cũng cho khoảng nửa tấn trái, lời ít ra cũng 30 triệu đồng, tuy hơi tiếc nhưng tui vẫn đốn trước tiên để tạo mặt bằng thông thoáng cho đơn vị thi công, vì nghĩ lợi ích lâu dài là có con lộ để đi, thông thương hàng hóa dễ dàng.

Trường lớp được đầu tư khang trang đã giúp trẻ em tiếp cận nguồn tri thức trong điều kiện tốt nhất.
Trường lớp được đầu tư khang trang đã giúp trẻ em tiếp cận nguồn tri thức trong điều kiện tốt nhất.

Chính nhờ những người tiên phong “mở đường” như ông Khéo mà bà con xung quanh cũng đồng tình.

Giờ thì ông Khéo cất nhà quay ra mặt tiền, có xe tới tận vườn mua bưởi, chứ trước đây phải vác bưởi từ vườn tới mé sông, rồi phải canh nước, chuyển xuống ghe chở đi bán, sau đó lại tốn thêm công vác lên bờ. Do di chuyển nhiều lần, trái bị giảm chất lượng, rụng cuống nên giá cả cũng không bằng bây giờ.

Điều làm ông Khéo cũng như nhiều nhà vườn phấn khởi nhất là giờ bưởi thu hoạch xong được lên xe liền, giảm tiền vận chuyển lại bán có giá hơn, nên dân lợi đủ đường. Trước đây, đất vườn có giá 40- 50 triệu đồng/công, nay đã trị giá gần 1 tỷ đồng.

Trên tuyến đường đan ấp Mỹ Phước 1, đôi bên là vườn bưởi cành lá giao nhau tạo thành vòng cung che bóng mát, trái trĩu cành. Với kinh nghiệm 18 năm trồng bưởi, anh Lê Văn Dũng cho biết, cứ 3 năm sẽ có 1 năm cho sản lượng ít hơn.

Với 2,5 công đất, anh lời từ 70- 120 triệu đồng/năm nhưng “nhiều bà con trồng ít hơn tôi nhưng cho sản lượng và lợi nhuận nhiều hơn”- anh Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Minh Quang- Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hòa, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã, điểm nổi bật nhất của Mỹ Hòa so với các xã khác là đã xây dựng được vùng chuyên canh nông nghiệp với chủ lực là cây bưởi Năm Roi, chiếm 92% (1163/1266ha) đất nông nghiệp, kết hợp với chăn nuôi bò, dê, gà.

Đặc biệt xã được quy hoạch đầu tư Khu công nghiệp Bình Minh cặp sông Hậu thuận tiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vận chuyển hàng hóa cả đường bộ lẫn đường thủy, cũng như giải quyết nhiều lao động tại
địa phương.

Qua 6 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc, đường sá thuận tiện, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư giúp người dân vui chơi thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ, đờn ca tài tử khi nông nhàn. Thứ ba hàng tuần còn có chợ đêm cho người dân tham quan, mua sắm.

Thu nhập đứng đầu tỉnh

Đến vùng chuyên canh màu của xã Thuận An, gặp lúc ông Trương Văn Bo (ấp Thuận Phú A) đang thu hoạch xà lách xoong. Quệt mồ hôi trên trán, ông Bo nói: Hôm nay có 3 lái tới hỏi cắt rau, giá 6.000 đ/kg, mùa thuận năng suất 1,5- 1,7 tấn/công, bán tầm giá này là đảm bảo có lời rồi, chứ bữa mở bờ (thu hoạch đầu tiên- PV) tui bán được tới 9.000 đ/kg.

Trồng xà lách xoong là một trong những thế mạnh lớn giúp xã Thuận An đi đầu về tiêu chí thu nhập.
Trồng xà lách xoong là một trong những thế mạnh lớn giúp xã Thuận An đi đầu về tiêu chí thu nhập.

Ngoài bán cho lái, ông Bo còn cắt xà lách xoong bán lẻ trước nhà 10- 20 kg/ngày. Với 3 công đất rẫy, mỗi năm ông Bo cũng bỏ túi rủng rỉnh cả trăm triệu đồng, có điều kiện lo các con ăn học đến nơi đến chốn và mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình, mức hưởng thụ vật chất, tinh thần ngày càng cao.

Điều làm ông Bo phấn khởi là nhờ xây dựng NTM mà thủy lợi được đầu tư khép kín, đảm bảo tưới tiêu; đường sá ngon lành, hàng hóa vận chuyển mua bán dễ dàng hơn; trường học đầu tư khang trang, con cháu có điều kiện học tập tốt hơn.

Ông cũng mong địa phương có thể khai thác hết tiềm năng của Trung tâm Học tập cộng đồng- Trung tâm Văn hóa xã thông qua việc đầu tư thêm các hoạt động vui chơi, mở thêm nhiều lớp đàn, dạy bơi, ngoại ngữ cho trẻ.

Theo ông Trương Thành Đến- quyền Chủ tịch UBND xã Thuận An, Phó BCĐ xây dựng NTM xã, với lợi thế của vùng chuyên canh màu và giao thương thuận lợi cùng với đó là đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp- dịch vụ,… đã góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn với 94,81% có việc làm ổn định. Thu nhập bình quân đầu người đạt 59,81 triệu đồng/người/năm (cao nhất tỉnh).

Đặc biệt, sau khi về đích NTM, trường lớp được đầu tư đạt chuẩn góp phần nâng cao chất lượng dân trí, Nhà Văn hóa Thể thao xã 2.500m2 cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về tinh thần người dân nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Hiếu Nghĩa- Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Minh- nhận định, trong các xã NTM thì Mỹ Hòa có lợi thế là vùng chuyên canh bưởi Năm Roi đem đến cho người dân thu nhập khá, khoảng cách giàu nghèo được rút ngắn.

Còn Thuận An cũng có lợi thế là vùng chuyên canh màu, qua đó kéo theo sự phát triển trong vùng. Mong rằng các xã sẽ phát huy vai trò đầu tàu về thu nhập, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và mức thụ hưởng cho người dân.

Thông qua các giải pháp nâng cao thu nhập, TX Bình Minh đã có bước đột phá lớn đưa thu nhập bình quân đầu người từ 11,3 triệu đồng/người/năm lên 43,34 triệu đồng/người/năm, tăng 3,77 lần so năm 2011. Qua khảo sát, đa số người dân hài lòng với chất lượng cuộc sống.

Bí thư Thị ủy- Nguyễn Hiếu Nghĩa cũng cho rằng: “Vẫn chưa hài lòng với hiện tại vì hộ nghèo vẫn còn. Vấn đề tôi quan tâm là làm sao chất lượng cuộc sống người dân ngày được nâng cao hơn. Mong muốn của thị xã trong thời gian tới sẽ cố gắng chuyển diện tích lúa sang trồng màu và cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời thu hút, kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp- dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái gắn với kinh tế vườn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

 

Ông Sơn Ry Ta (ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình): 

Đồng bào Khmer chúng tôi rất phấn khởi khi được Nhà nước đầu tư xóa nhà tạm, nhiều căn nhà “3 cứng” mọc lên khang trang. Nhờ “an cư” nên bà con “lạc nghiệp”, đa số đều có ý thức vươn lên học tập và làm kinh tế.

 

Chúng tôi cũng mong muốn Nhà nước có thể kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư tại Khu công nghiệp Đông Bình để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân của xã.

 


 

Ông Võ Thành No- Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Hòa hảo xã Đông Bình:

 

Thời gian qua các tín đồ Phật giáo Hòa hảo đã tích cực trong tham gia cùng Nhà nước xây NTM thông qua việc xây đường, bắc cầu, cất nhà, tặng quà hộ nghèo...

 

Sau khi về đích NTM, chúng tôi rất hài lòng về thành quả mang lại, nhất là các tuyến đường xập xệ, khó đi giờ đã được nâng cấp, giúp người dân đi lại, mua bán dễ dàng, cải thiện cuộc sống.

 

 

 

Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản 6 năm qua của TX Bình Minh trên 772,2 tỷ đồng, chiếm 87,58% tổng vốn của chương trình. Có 5/5 xã đều đạt chuẩn NTM. Chương trình xây dựng NTM đã đem lại lợi ích trực tiếp cho nhân dân, từ đó người dân hăng hái hưởng ứng tốt các tiêu chí NTM

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh