Không chỉ nổi tiếng với "các vị La hán", mà từ lâu, ngay dưới chân núi chùa Tây Phương, những con chuồn chuồn tre đủ mầu sắc chấp chới bay đã tạo nên nét đẹp riêng, được nhiều người biết đến, yêu thích.
Không chỉ nổi tiếng với "các vị La hán", mà từ lâu, ngay dưới chân núi chùa Tây Phương, những con chuồn chuồn tre đủ mầu sắc chấp chới bay đã tạo nên nét đẹp riêng, được nhiều người biết đến, yêu thích.
Sau hàng chục năm, kể từ ngày đầu xuất hiện, những cánh chuồn đã vượt qua lũy tre làng, bay đến nhiều đất nước, mang nét văn hóa truyền thống Việt Nam đi khắp thế giới.
Thợ thủ công xóm chùa Tây Phương làm chuồn chuồn tre. Ảnh: Thủy Nguyên |
Đến với xóm chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất (Hà Nội), điều đầu tiên đập vào mắt du khách là sự choáng ngợp với món hàng lưu niệm thủ công là hàng nghìn con chuồn chuồn tre xinh xắn đủ mầu sắc, hình dạng đậu trên đầu những que tre được dựng thẳng đứng bày bán trong các gian hàng.
Chuồn chuồn dù to, nhỏ, sải cánh dài, ngắn cỡ nào, chỉ cần đặt mỏ nhọn lên đầu ngón tay, cạnh bàn hay bất cứ vật gì cũng sẽ tự đậu, không bị rơi, chẳng khác gì những chú chuồn chuồn thật.
Tò mò, hỏi chuyện người dân địa phương về nguồn gốc, xuất xứ những cánh chuồn dưới chân chùa Tây Phương, ai ai cũng chỉ tay về hướng nhà anh Nguyễn Văn Tái và bảo: "Ðó là người đưa chuồn chuồn tre đến với làng, cũng là chủ cơ sở sản xuất lớn nhất ở đây".
Khắp mọi chỗ chung quanh nhà anh Nguyễn Văn Tái, từ vườn, sân, bậc thềm cho đến phòng khách, đâu đâu cũng rực rỡ, sinh động với chuồn chuồn tre đủ mầu sắc, kích cỡ.
Hỏi chuyện về cơ duyên đến với nghề, anh Tái kể lại: Cách đây hơn 20 năm, trong lần đi du lịch ở một tỉnh, anh chứng kiến những con chuồn chuồn tre xinh xắn, được khách du lịch yêu thích tìm mua.
Cầm trên tay một sản phẩm, anh ngắm nghía một cách thích thú. Về đến nhà, anh cố hình dung lại một cách đầy đủ nhất về những con chuồn chuồn rồi dùng dao vót tre để làm theo với mục đích ban đầu chỉ để tìm thú vui giải trí sau những ngày làm việc vất vả.
Chẳng biết anh đã dùng hết bao nhiêu thanh tre, bao nhiêu lần bị đứt tay, chảy máu, cuối cùng, cũng làm được con chuồn chuồn đầu tiên có thể đậu thăng bằng trên đầu ngón tay. Thế rồi, con chuồn chuồn tre cứ vận vào anh Tái, khiến anh nhiều hôm "mất ăn mất ngủ", để tìm ra cách tạo nên những con chuồn chuồn có độ thăng bằng nhất.
Năm ấy, chùa Tây Phương mở hội. Ði lễ, anh thấy dưới chân núi, các sạp hàng chỉ bán lèo tèo vài món đồ chơi bằng nhựa, những món đồ lưu niệm bình thường. Anh nghĩ: "Nếu thay các món đồ chơi nhàm chán kia bằng những con chuồn chuồn tre độc đáo chắc chắn sẽ thu hút du khách, lại tạo nên điểm nhấn cho không gian ở dưới chân chùa".
Nghĩ là làm, về nhà anh bàn với vợ, sẽ mở đường kinh doanh chuồn chuồn tre. Ðồng thuận cùng chồng, thế là chị cũng "xắn tay" cùng anh tạo ra những sản phẩm đầu tiên để bán cho du khách.
Từ ý tưởng ban đầu cho đến khi những con chuồn chuồn tre được bán ra cũng "tiêu tốn" của vợ chồng anh Tái cả năm trời. Ban ngày đi chụp ảnh cho khách du lịch ở chùa Tây Phương, để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, đêm đến anh lại cùng vợ làm chuồn chuồn.
Tạo được những con chuồn chuồn tre có tính thăng bằng cao, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Ðể thu hút du khách, những con chuồn chuồn còn phải đẹp, đa dạng về mầu sắc lẫn kích thước.
Vợ chồng anh Tái lại mày mò, dùng thử nhiều loại sơn mầu khác nhau để tìm được thứ sơn vừa bền mầu, vừa tạo tính thẩm mỹ cao nhất cho sản phẩm. Ngày đầu tiên đưa những con chuồn chuồn tre thủ công ra bán dưới chân chùa Tây Phương, hai vợ chồng không ngờ, hàng trăm con chuồn chuồn đều được bán hết sạch.
Sau đó không lâu, "tiếng lành đồn xa", khách khắp nơi tìm đến gia đình anh để đặt hàng. Sản phẩm làm ra không đủ để bán. Người dân trong làng, trong xã tìm đến anh để học nghề.
Thấm thoắt, đến nay đã gần 20 năm, chuồn chuồn tre là nguồn thu nhập chính của không ít gia đình xóm chùa Tây Phương và trở thành một sản phẩm làng nghề được nhiều người biết đến.
Mỗi gia đình, đều tìm cho mình những nét đặc trưng riêng trên từng hoa văn để khi đến đây, chỉ cần nhìn hoa văn, khách quen đã biết là chuồn chuồn do nhà nào sản xuất. Ban đầu, có hộ gia đình chỉ làm được vài chục sản phẩm mỗi ngày, sau nhiều năm "quen tay", con số này đã lên đến hàng trăm con chuồn chuồn tre.
Theo anh Nguyễn Văn Hiểu, một thợ làm chuồn chuồn tre ở xóm chùa Tây Phương, nhìn qua con chuồn chuồn tre sẽ thấy rất đơn giản, nhưng thực ra, để làm được một sản phẩm hoàn chỉnh phải mất rất nhiều thời gian, công sức. Ðầu tiên là phải tìm nguyên liệu.
Tre để làm chuồn chuồn phải là loại tre già nhưng có độ mềm vừa phải để vừa dễ vót, vừa bền, không bị ẩm mốc. Sau khi lựa được nguyên liệu, phải chẻ tre theo kích thước quy định để tạo thành các bộ phận như đầu, thân, đuôi và quan trọng nhất là đôi cánh.
Người thợ sẽ dùng dao vuốt phần đuôi, khoan lỗ nhỏ ở bên thân, vót mỏ theo hình cong để tạo đầu chuồn chuồn. Tiếp theo là mài đầu, vót cánh, lắp ghép các bộ phận lại với nhau bằng keo.
Khi tạo ra được những con chuồn chuồn mộc, thô sơ, người thợ sẽ đặt chuồn chuồn lên que nhỏ để tiếp tục căn chỉnh thăng bằng đạt độ chuẩn, rồi sơn mầu để tạo ra những con chuồn chuồn hoàn chỉnh nhất.
Ðiều này đòi hỏi người thợ phải đặt hết tâm trí vào đó, tỉ mỉ, kiên trì, chịu khó mới có thể theo nghề được vì từng chi tiết, công đoạn như đo, vẽ, lắp ghép các bộ phận yêu cầu độ chính xác.
Chi tiết lắp ghép không chuẩn xác, dù chỉ với sai số rất nhỏ, chuồn chuồn sẽ không thể "đậu" được cân bằng. Tính sơ sơ, từ khi bắt đầu làm đến khi ra sản phẩm hoàn chỉnh phải mất đến 10 công đoạn khác nhau. Ngoài việc làm ra con chuồn chuồn có thể đậu thăng bằng, công đoạn làm đẹp cũng hết sức quan trọng.
Theo chị Nguyễn Thị Tân, việc vẽ hoa văn lên chuồn chuồn đòi hỏi người thợ phải vừa có "hoa tay", vừa phải có óc sáng tạo. Không chỉ đa dạng về mầu sắc, trên thân chuồn chuồn cũng đòi hỏi nhiều hoa văn, họa tiết bắt mắt để tránh sự nhàm chán cho khách và tạo dấu ấn riêng.
Sau nhiều năm, thay vì chỉ xuất hiện dưới chân chùa Tây Phương, bây giờ đã có rất nhiều cơ sở thu mua tìm đến đặt hàng trực tiếp các cơ sở sản xuất với những đơn hàng lên đến hàng trăm nghìn con. Dịp lễ hội đầu Xuân cũng là mùa bội thu của người dân địa phương.
Với mỗi con chuồn chuồn có giá từ 5.000 đến 20 nghìn đồng, có hộ gia đình đã thu về hàng chục triệu đồng/tháng.
Không chỉ dừng lại ở việc làm chuồn chuồn, các gia đình ở đây còn sáng tạo ra những con bươm bướm, con chim thăng bằng với nhiều họa tiết độc đáo, tạo nên sự đa dạng của các mặt hàng.
Những con chuồn chuồn tre đã vượt ra khỏi chân chùa Tây Phương để xuất hiện trong rất nhiều các gian hàng lưu niệm ở những điểm đến du lịch như Ðà Nẵng, Hội An, TP Hồ Chí Minh… và các lễ hội truyền thống.
Không những thế, du khách đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nga, Thụy Ðiển… đã đến đây xem sản phẩm và tỏ ra rất thích thú với những con chuồn chuồn tre và đặt hàng với số lượng lớn.
Những cánh chuồn xóm chùa Tây Phương đã bay đi khắp thế giới, đến với nhiều nước. Những con chuồn chuồn tre nhỏ bé, giản dị đã trở thành đại sứ, mang nét văn hóa của đất nước Việt Nam đã đến với bạn bè khắp năm châu.
Theo Báo Nhân Dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin