Tìm lại những mùa xưa

07:02, 20/02/2018

Đã khác xa lắm rồi với ruộng rẫy ngày nay, máy móc hiện đại chạy ầm ầm nông dân khỏe re nhưng còn đâu hương vị những vụ mùa xưa cũ.

Ngày xưa, đồng ruộng luôn mang theo những cảnh sắc, hương thơm mùa màng thật rõ rệt, những ruộng lúa mênh mông bát ngát thuận theo lẽ tự nhiên mà tồn tại và phát triển.

Đã khác xa lắm rồi với ruộng rẫy ngày nay, máy móc hiện đại chạy ầm ầm nông dân khỏe re nhưng còn đâu hương vị những vụ mùa xưa cũ.

 Hình ảnh thân thuộc của cây rơm trên đồng vùng nước nổi đầu nguồn. (ảnh: Huỳnh Ngọc Đức)
Hình ảnh thân thuộc của cây rơm trên đồng vùng nước nổi đầu nguồn. (ảnh: Huỳnh Ngọc Đức)

Mùa màng thuận lẽ tự nhiên

Tôi lớn lên giữa những cánh đồng lúa mùa đã cắm rễ thân quen với đồng nước nổi hàng mấy chục năm rồi. Tiếp đó, tôi chứng kiến sự giao thoa, chuyển vụ của những ruộng lúa Thần nông đầu tiên vô cùng thú vị.

Cũng từ đây, ngay trên vùng đất Phú Tân (An Giang) ngày nay, đã khai vỡ thêm một lớp từ ngữ nhà nông mới, gắn với sự chuyển dần nếp sinh hoạt, văn hóa nông nghiệp mới trên nền tảng của giống lúa mùa nước nổi.

Từ những giống lúa mùa Tàu Binh, Nàng Tây,… giờ là những giống lúa Thần Nông có gốc IR cùng với những từ lạ tai: dọn cỏ, đắp bờ, phay phúp, trục trạc trang, sạ, khui nước,… Ruộng ngập thì phảng cỏ, ruộng khô thì vẩy cỏ bằng chéc…

Thập niên 60- 70 của thế kỷ XX, đã xuất hiện lai rai máy móc nông nghiệp, nhưng chủ yếu vẫn là sức người và sức trâu bò còn khá quan trọng.

Cho nên, mùa màng gắn liền với biết bao niềm vui, bởi ông bà mình hồi xưa biết nương theo tự nhiên mà tạo nên nhiều “khoảng trống” mênh mông của không gian, thời gian trong suốt vụ mùa.

Hồi đó, thỉnh thoảng tôi theo ngoại vào ruộng những ngày thu hoạch, ở ngay cầu số 7, thuộc xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành giáp ranh huyện Tri Tôn (An Giang) ngày nay.

Đó là cánh đồng nằm trong vựa lúa lớn với những dây đất nhỏ nhỏ thì năm ba chục công, nhiều chút thì vài trăm công. Đất đai hồi đó ai có sức khai phá bao nhiêu thì cắm ranh, đắp bờ mẫu lên rồi đăng ký với chính quyền mà canh tác.

Bước vào mùa sa mưa thì rục rịch gieo sạ, cứ thế mà hạt giống bám rễ lên mạ. Độ vài ba tháng, lúa vào thì con gái thì nước son về, làng xóm lao xao đón những bầy cá đầu nguồn cũng đổ về lũ lượt, mặc sức mà làm khô, làm mắm.

Cây lúa lại nương theo con nước mà vươn vai lớn lên để cuối mùa nước có thể dài đến 3- 4 thước ôm bông ngã rạp trên mặt ruộng.

Trong khoảng thời gian đó, người dân chỉ quan tâm đến chuyện cá mắm mùa nước nổi, mùa an nhiên, tự tại hoan ca; vậy mà hổng biết vì đâu mấy bài hát về con nước miền Tây thời nay nghe… thê thảm quá.

Từ lúa mùa chuyển qua lúa Thần Nông hai vụ đã làm tăng năng suất lên gấp nhiều lần, nhưng cái tết lại bớt xôm tụ hơn hồi còn làm lúa một vụ.

Đơn giản, lúa mùa luôn đầy bồ trước khi bước vào tháng Chạp, người quê mặc sức đi chợ búa mua sắm nồi niêu, xoong chảo mới hay quần áo mới, rồi trang hoàng lại nhà cửa, mua bánh mứt cúng ông bà.

Còn lúa Thần Nông, bà con đã dồn công sức gieo sạ vụ chính Đông Xuân, nó “gác ngang” qua mấy ngày tết, thành ra sắp tết mà trong nhà lúa chưa đầy bồ, nên mới đẻ ra mấy cái vụ chia thịt heo, mua sắm gì cũng ghi sổ, đợi qua tết đong lúa trừ.

Cái chuyện buôn bán ngày xưa nó cũng đậm đà tình làng, nghĩa xóm vậy đó.

Ngày xưa, khi ruộng ở xa thì người ta hay cất những cái chòi để làm mùa, dần dần có người dựng nhà đưa cả gia đình vào sinh sống ngay bên ruộng.
Ngày xưa, khi ruộng ở xa thì người ta hay cất những cái chòi để làm mùa, dần dần có người dựng nhà đưa cả gia đình vào sinh sống ngay bên ruộng.

Làm sống lại những ngày xưa

Cũng chính trên vùng đất ngày xưa những hạt giống lúa mùa đầu tiên đã sinh sôi nảy nở, thì giờ đây cũng đang bắt đầu một cuộc khôi phục những vụ mùa xưa cũ, khôi phục lại những giá trị từng bị chìm vào quên lãng.

Sau mấy thập kỷ gánh vác trên vai trách nhiệm bảo toàn vựa lúa cho cả nước, để rồi thay đổi cả một hệ sinh thái, cùng với hình thành cách ứng xử như sự “cưỡng bức” đối với đất đai, giờ đây người dân An Giang được chính quyền và những nhà khoa học tâm huyết đang bắt tay làm cuộc thay đổi lớn. Thay đổi để làm sống lại những vụ mùa thiên nhiên, sinh thái ngày xưa.

Dự án bảo tồn lúa mùa nổi ở huyện Tri Tôn (An Giang) hy vọng sẽ tạo một làn sóng mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường và an toàn hơn cho sức khỏe bà con nông dân.

Tuy nhiên, nhìn xa hơn để tạo được cả một nền nông nghiệp bền vững, giảng viên Khoa Nông nghiệp hữu cơ (Trường ĐH An Giang) Huỳnh Ngọc Đức cho rằng: Cần khai thác thế mạnh về địa lý tự nhiên sẵn có. Ví dụ, cũng là cây lúa mùa nổi nhưng ở Tam Nông và Hồng Ngự gắn với con cá đồng để tận dụng nguồn tài nguyên thủy sản ở vùng đầu nguồn.

Trong khi ở Chợ Mới (An Giang) và Tân Long (huyện Thanh Bình- Đồng Tháp) gắn lúa nổi với cây màu để phát huy ưu điểm của vùng đất cồn màu mỡ,…

Như vậy, cần nhìn lại quy hoạch “chỉ có cây lúa” ở nhiều địa phương, mà trong đó tài nguyên thiên nhiên (phù sa, cá, tôm, cây thủy sinh,…) đã bị con người từ chối để thu lại duy nhất một sản phẩm lúa. Việc khai thác thế mạnh này nằm trong triết lý sống thuận tự nhiên, mà hệ quả của nó là nông dân sẽ thu được sản phẩm an toàn và còn giảm chi phí nữa.

Giảng viên Huỳnh Ngọc Đức cũng chia sẻ về việc, cần có một đầu mối liên kết những trang trại, cơ sở sản xuất thân thiện môi trường/hữu cơ thành một mạng lưới. Mạng lưới này như là một sân chơi, họ được chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, tạo liên kết về nguồn cung cũng như quảng bá.

Từ đó những người sản xuất sạch thấy rằng họ không bị “cô đơn” như hiện nay. Có thể công bố trên web, mạng lưới này hiện nay mình chưa có. 

Nhớ lắm những cánh đồng lúa mùa, quanh năm chỉ một vụ, cây lúa vươn lên theo con nước nổi mà ngậm đòng đòng ôm bông, kịp cho những mùa vàng, để nhà nông đổ lúa vô bồ rồi nghe ngóng tiết trời xôn xao chuẩn bị cho những ngày giáp tết.

Mong rằng cũng từ mảnh đất đầu nguồn An Giang, với những con người chân chất, nhiệt tâm cùng với trí tuệ của những nhà khoa học, khát vọng hướng đến việc sản xuất thân thiện với môi trường, sẽ tạo nên làn sống lan tỏa mạnh mẽ trong cả khu vực ĐBSCL này.

Bơi xuồng, chống xuồng trên ruộng lúa mùa ở huyện Tri Tôn (An Giang). Hình ảnh quen thuộc của những vụ mùa xưa.
Bơi xuồng, chống xuồng trên ruộng lúa mùa ở huyện Tri Tôn (An Giang). Hình ảnh quen thuộc của những vụ mùa xưa.

Rồi mai đây, cứ vào mùa nước tràn đồng hàng năm, chúng ta lại đưa nhau về chốn cũ, chống xuồng băng băng trên những ruộng lúa, cùng hạnh phúc sống lại với những vụ mùa xa xưa ấy.

 Quan tâm đến việc đào tạo lớp nông dân trẻ, năng động hơn trong việc tiếp cận cái mới. Đào tạo nông dân trẻ có thể có nhiều cách: trung tâm có chức năng đào tạo, gắn thêm chức năng đào tạo cho các trang trại đã đạt tiêu chuẩn, chia sẻ với nhau trong mạng lưới như đã đề cập ở trên, khai thác khía cạnh tình nguyện viên,… Đây là khâu mà người Nhật đã tổ chức thực hiện rất tốt và bài bản.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh