Những câu chuyện đầu năm bên xóm rẫy

05:02, 28/02/2018

Vừa qua mùng 10 tháng Giêng, coi như hết tết, chúng tôi trở lại những xóm rẫy của huyện Bình Tân như đã hẹn trước đó, cũng là để xem bà con ăn mùa tết ra sao? Đối với nông dân, hầu như mọi vui buồn đều gắn liền với câu chuyện mùa màng, thời vụ.

 

Vừa qua mùng 10 tháng Giêng, coi như hết tết, chúng tôi trở lại những xóm rẫy của huyện Bình Tân như đã hẹn trước đó, cũng là để xem bà con ăn mùa tết ra sao? Đối với nông dân, hầu như mọi vui buồn đều gắn liền với câu chuyện mùa màng, thời vụ.
Vừa xong vụ dưa, bà con xã Tân Hưng đã đưa khoai giống xuống rẫy, chăm chút và hy vọng vào vụ mùa tốt đẹp.
Vừa xong vụ dưa, bà con xã Tân Hưng đã đưa khoai giống xuống rẫy, chăm chút và hy vọng vào vụ mùa tốt đẹp.

Vẫn có một vài cơn mưa trái mùa hồi tháng Chạp làm các rẫy dưa hấu ít nhiều ảnh hưởng, vẫn có một số loại rau màu xuống giá hồi trong tết nhưng nhìn chung là nông dân có một cái tết thật đầm ấm, vui vẻ. Giờ đây, lại bắt đầu những niềm hy vọng cho một năm mới nhiều thuận lợi.

Cắt dây dưa, đưa dây khoai xuống rẫy

Dọc theo Đường tỉnh 908, đi qua các xã Thành Trung, Thành Đông, Tân Thành A, Tân Thành, chúng tôi nhận thấy nổi bật 2 màu chủ đạo của những ruộng lúa đang vào độ vàng ươm xen giữa màu xanh ngút ngát những ruộng khoai mới cũ.

Điểm xuyết là những vạt khoai râm ran nở bông làm cho bức tranh quê thêm phần đa sắc. Có khá đông bà con đang cắt dây khoai giống, đây cũng là thời điểm bà con dứt vụ dưa hấu tết để bắt đầu vụ khoai kế tiếp.

Rẽ vào xã Tân Hưng trở lại thăm xóm dưa truyền thống ở ấp Hưng Thuận, chúng tôi nghe tâm tình mà thấy thương sự nhọc nhằn với vụ dưa làm bà con… không kịp thở, khi có người cắt xong những dây dưa hấu cuối cùng thì đã 27 tết rồi.

Vừa cắt dây dưa, thì đưa ngay dây khoai xuống rẫy nên có người xong việc đồng áng thì chỉ kịp tắm một cái thay bộ đồ mới là thắp nhang lên bàn thờ đón phút giao thừa.

Dù có mệt nhưng vẫn lấp lánh niềm vui trong nụ cười, ánh mắt, chị Hai Thổ chân tình chia sẻ: “Mừng vụ dưa cũng kha khá, nếu không có mấy đám mưa hồi tháng Chạp ngay khi dưa vừa chụp nụ, thì năm nay ăn tết lớn rồi.Thành ra, cứ 700 dây dưa mình chỉ đạt khoảng 500 trái dưa chưng thôi. Được cái giá cả kha khá nên cũng có lời chút đỉnh”. 

Đầu tư công dưa hấu tết tầm khoảng 10 triệu đồng, cắt dây cho lái tại rẫy được khoảng 15 triệu đồng/công đổ lên, coi như mỗi công lời được 5 triệu đồng. Chủ yếu là nhờ số nhiều, những người trồng diện tích lớn như chị Hai Thổ 25 công, bà Ba Rí 38 công… thì có thể lời hàng trăm triệu trong cái tết này.

Từ sáng sớm, vùng chuyên canh hành ở xã Tân Bình đã nhộn nhịp tiếng nói cười.
Từ sáng sớm, vùng chuyên canh hành ở xã Tân Bình đã nhộn nhịp tiếng nói cười.

“Cắt dây dưa xong là tranh thủ làm tiếp vụ khoai, nên bữa giao thừa vợ chồng còn ở ngoài đồng tới 10 giờ tối luôn”- chị Hai Thổ cho biết. Lý do gấp gáp là cũng muốn cho dứt vạt chuyện đồng áng, để có được mấy ngày đi chúc tết bà con, sui gia; phần nữa giá khoai đang tăng cao hiện cũng đã vào tầm 1,2 triệu đồng/tạ rồi.

Giá khoai giống cũng khá cao: 370.000 đ/muôn, mỗi công cần 2 muôn khoai giống, cộng các chi phí khác thì 1 công khoai nông dân phải đầu tư tầm 15 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu với giá này thì năng suất từ 30 tạ đổ lên là tốt rồi. Đây cũng là tín hiệu vui đầu năm, mong cho giá khoai tiếp tục ổn định cao trong năm mới.

Suy tư và ước nguyện đầu năm

Trở lại với vùng hành chuyên canh của xã Tân Bình, từ sáng sớm, cánh đồng ở ấp Tân Quy đã nhộn nhịp tiếng nói cười của bà con tưới hành, thu hoạch ớt.

Ghé vào chòi rẫy của chú Năm Cải sau gần một năm, chúng tôi thấy 8 công đậu bắp trái trĩu cây của chú đã thay bằng rẫy hành xanh rì. Chú cho biết phải luân phiên trồng nhiều loại cây để hạn chế rủi ro, sâu bệnh và tránh dội chợ.

Chú Năm Cải phấn khởi nói với giọng tin tưởng: “Hy vọng lắm vì giá hành đang quay đầu tăng trở lại, sau khi rớt giá xuống 250.000 đ/tạ hồi trước tết giờ đã lên 500.000 đ/tạ. Cỡ 20 ngày nữa là thu hoạch rồi, hy vọng tới đó giá hành sẽ tiếp tục tăng cao. Đầu tư 1 công hành tốn đến 15 triệu đồng, cho nên thu hoạch tầm 20 triệu đồng/công đổ lên mới có ăn”. 

Chú cười tươi cho biết năm ngoái “mần ăn” cũng được, “tết cũng sung túc bên gia đình, dành 3 ngày đi chúc tết vui vẻ bên mấy sui gia”.

Anh Nguyễn Nhựt Trường đang tưới ớt cạnh rẫy của chú Năm Cải, nghe chúng tôi nói cười rôm rả nên cũng sang góp chuyện.

Anh Trường trồng 3 công ớt xen với xà lách. Với sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện, anh triển khai thí điểm mô hình trồng xà lách trong nhà lưới.

“2 vụ xà lách vừa rồi khá lắm vì nhẹ công chăm sóc, sâu bệnh thì hổng thấy xuất hiện trên cây này luôn. Ớt đợt rồi bị nổ lá, tui tính bỏ luôn, ai dè trồng cỡ 2 tháng thì ổn, lúc này được 18.000 đ/kg là êm rồi, lúc cao nhất lên đến 60.000 đ/kg”- anh Trường kể.

Khoai lang là cây màu chủ lực ở xã Tân Hưng.
Khoai lang là cây màu chủ lực ở xã Tân Hưng.

Tết là khởi đầu mới mang nhiều niềm tin và hy vọng, với những người nông dân một nắng hai sương cũng vậy. Vụ mùa mới này, chú Năm Cải “sửa soạn xuống giống bí rợ với đậu bắp”.

Chú háo hức: “Cỡ này người ta hướng về trồng đậu bắp vì nhẹ chăm sóc mà mỗi công được gần 20 triệu đồng” rồi chú chỉ mảnh đất trống cạnh rẫy hành: “Tính trồng thêm 3 công bí rợ, trái thì 10.000 đ/kg, bông hổng lúc nào ế hết, cứ cắt lái thu thấp cũng 15.000 đ/kg, có khi hút lên đến 25.000 đ/kg, ngày cắt trái thì bón phân, mình “ăn” thêm phần đọt- giá cũng như bông vậy”.

Trong câu chuyện bên xóm rẫy những ngày đầu năm, chúng tôi thấy lấp lánh niềm vui, niềm hy vọng nhưng vẫn còn đó chút băn khoăn lo dội hàng, dội chợ.

Do đó, nhiều bà con đã có nhiều cách ứng phó như phân rẫy thành nhiều đợt thu hoạch, hoặc canh tác xen nhiều loại rau màu, một số bà con đã đi tìm hiểu các loại cây màu mới, phương pháp mới về phòng tránh sâu bệnh ở địa phương khác…

Đó cũng là cơ sở để tin tưởng rằng lợi nhuận của bà con sẽ ngày một tăng cao cùng với đó là sự ổn định của thị trường. Bắt đầu một năm mới với nhiều hy vọng mới.

  • Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh