Người trẻ "nặng tình" sản vật quê hương

03:02, 17/02/2018

Khởi nghiệp từ chính quê hương bình dị, với những nông sản thân quen hàng ngày- đó là con đường mà rất nhiều bạn trẻ ngày nay dám nghĩ dám làm và đã thành công...

 

Nữ giám đốc 9X giới thiệu về sản phẩm của mình.
Nữ giám đốc 9X giới thiệu về sản phẩm của mình.

Khởi nghiệp từ chính quê hương bình dị, với những nông sản thân quen hàng ngày- đó là con đường mà rất nhiều bạn trẻ ngày nay dám nghĩ dám làm và đã thành công...

Nữ giám đốc làm tinh dầu từ phụ phẩm vứt đi

Chúng tôi biết Minh Thùy từ cuộc thi dự án khởi nghiệp. Cô gái trẻ gây ấn tượng không chỉ bởi giọng nói ngọt ngào cùng mái tóc dài suôn mượt mà còn gây bất ngờ với ý tưởng tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp để chiết xuất tinh dầu.

Chuyện bắt đầu từ khi cô gái nhỏ được may mắn sinh ra trên vùng đất là thủ phủ của hoa sen cùng bốn mùa cây trái bạt ngàn. Và không biết từ bao giờ hương sen đã đi vào tiềm thức cùng mùi thơm của vỏ quýt nồng nàn khiến cô gái trẻ bồi hồi, xao xuyến...

Chính vì thế mà lớn lên cô gái ấy quyết định học ngành sinh học để nghiên cứu về thực vật và tinh dầu, với mục tiêu tạo ra giá trị cho những phế phẩm nông nghiệp của địa phương.

Ra trường, căn phòng trọ nhỏ trở thành xưởng sản xuất các loại tinh dầu. Những sản phẩm đầu tiên ra đời còn khá đơn điệu nhưng niềm tin và con đường mà cô đeo đuổi càng mãnh liệt...

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó khi Thùy tham gia cuộc thi khởi nghiệp với dự án mang tên Hương Đồng Tháp và đã nhận được sự tư vấn của các chuyên gia. Trở về sau cuộc thi, Thùy bắt tay vào hành trình khởi nghiệp.

Xà bông sen- sản phẩm được Thùy làm ra nhưng không đủ để bán.
Xà bông sen- sản phẩm được Thùy làm ra nhưng không đủ để bán.

Trong căn phòng nhỏ tại phường An Thạnh (TX Hồng Ngự- Đồng Tháp), hàng ngày Thùy cặm cụi làm việc từ sáng đến tối để cho ra những giọt dầu tinh khiết có thể dùng để chăm sóc sức khỏe và làm đẹp như: diệt khuẩn không khí, giảm căng thẳng, hỗ trợ điều trị các bệnh hô hấp,  dưỡng tóc sạch gàu, giảm đau ngứa do côn trùng cắn đốt và ngay cả dùng trong chế biến thực phẩm.

Minh Thùy chia sẻ cách làm tinh dầu: đầu tiên là chuẩn bị nguồn nguyên liệu sạch, sau đó đun sôi trong bình chưng cất, nước sôi sẽ mang hơi nước và tinh dầu qua ống dẫn đến bồn làm lạnh để ngưng tụ...

Thùy cũng tiết lộ, cô kết hợp giữa quy trình ly trích tinh dầu truyền thống và quá trình tinh sạch hiện đại giúp loại bỏ hoàn toàn các tạp chất để thu được tinh dầu tinh khiết.

“Tinh dầu này em đã chưng và có thể sử dụng làm trà. Nếu làm món nghêu hấp sả, chỉ cần một giọt tinh dầu sả thì đã có ngay món thơm lừng. Nếu muốn uống trà thơm hương bưởi thì chỉ cần hòa vào nước ấm chút tinh dầu là có ngay ấm trà thoảng mùi dễ chịu”- Thùy nói.

Hiện Thùy đã sản xuất được 23 sản phẩm tinh dầu như: bưởi Cao Lãnh, tràm gió Tràm Chim, quýt Lai Vung, hương thảo Sa Đéc, sả Java Hồng Ngự,…

Tất cả đều được kiểm nghiệm đạt  tiêu chuẩn an toàn cho người sử dụng, vì thế Thùy không lo “đụng” hàng. Ngoài bán tại địa phương, sản phẩm của Thùy đã có mặt trên cả nước thông qua kênh bán hàng online các phiên chợ sạch cuối tuần ở TP Hồ Chí Minh.

Giờ đây, khi nói đến Thùy, bà con ở vùng Lai Vung, Sa Đéc, Cao Lãnh... sẽ không thể quên cô kỹ sư trẻ không sợ nắng mưa đến tận vườn để thu mua những thứ đã bỏ đi. Và Công ty TNHH 1TV Thương mại và Sản xuất tinh dầu Hương Đồng Tháp ra đời cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao giá trị cho sản vật quê nhà.

Cô giám đốc 9X cười chia sẻ: “Từ nay, nông dân quê mình không còn phải lo phụ phẩm nông nghiệp vứt đi nữa rồi. Em sẽ mua chưng cất thành hương liệu vừa để giúp họ có thêm thu nhập, vừa quảng bá thêm cho xứ sở Sen hồng”.

Đa dạng hóa sản phẩm từ chôm chôm

Theo chân Phó Bí thư Huyện Đoàn Long Hồ- Hồ Thanh Sơn chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Minh Kha (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ).

Chạy dọc qua các tuyến đường phủ màu mai xanh mướt mát rồi đến những vườn chôm chôm sai trái chín đỏ au, Phó Bí thư Huyện Đoàn mới mở lời giới thiệu: Người dân xứ cù lao từ bao đời nay gắn bó với chôm chôm, trước giờ sản phẩm chôm chôm ở thị trường chỉ dừng lại là “ăn trái”. Giờ đây, anh Kha đã làm ra mứt chôm chôm- một ý tưởng mới cho trái chôm chôm quê mình.

Trong căn nhà thoáng mát, anh Kha cùng một vài thanh niên trong xóm đang lúi cúi chuẩn bị khay đựng, keo chứa để “ra lò” mẻ mứt chôm chôm mới. Anh cũng  không quên dành một phần mứt thật ngon để đãi khách.

Rót tách trà gừng nóng hổi mời khách, anh vui vẻ nói: Mứt chôm chôm này phải dùng với trà này thì mới “đúng điệu”. Chôm chôm ruột màu trắng, giờ thành mứt màu vàng nâu óng ánh. Mới nhìn thấy đã thấy ưa mắt đến khi thưởng thức lại có hương vị ngọt, thơm mát, pha chút dẻo dai...

Anh Dương Nguyễn Minh Kha đến tận vườn chôm chôm để thu mua sản phẩm.
Anh Dương Nguyễn Minh Kha đến tận vườn chôm chôm để thu mua sản phẩm.

Anh Kha cho biết: Ý tưởng chế biến trái chôm chôm thành mứt để tiêu thụ là do mong muốn tạo thu nhập cho nông dân, bởi có lúc bà con mình phải chịu cảnh chôm chôm dội chợ, được mùa nhưng mất giá. Và hơn hết là có thể tạo thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long.

Nói thì đơn giản vậy nhưng để làm ra được loại mứt này là cả quá trình dài với rất nhiều thử thách. Trước tiên là làm sao để chế biến ra sản phẩm ngon, đẹp mắt lại  vệ sinh. Anh cùng cả nhóm phải làm đi, làm lại rất nhiều lần. Khi thì mứt không đậm đà, lúc thì chua quá, nhão quá hay ngọt quá...

Đó là chưa kể, sản phẩm còn quá mới mẻ, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, nguồn vốn đầu tư còn ít ỏi, thiếu thốn… Khó khăn là vậy nhưng “bằng tất cả nhiệt huyết, chúng tôi hy vọng sẽ đưa ra “mứt chôm chôm” nhằm làm đa dạng hơn sản phẩm cho trái chôm chôm Bình Hòa Phước”- chàng trai trẻ chia sẻ.

Hiện tại, mặc dù sản phẩm mứt chôm chôm đã được nhiều người đón nhận nhưng anh vẫn chưa hài lòng và “vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiếp tục giảm độ ngọt, đồng thời ra mắt sản phẩm sử dụng được cả hạt làm nét riêng để quảng bá sản phẩm, định hướng tiêu dùng tốt hơn”.

Anh Kha chia sẻ thêm: để tạo thêm hướng đi mới cho sản vật quê mình, tôi đang thử nghiệm làm rượu chôm chôm, nước giải khát chôm chôm và mứt chôm chôm sợi... Vì “Thái Lan hiện có khoảng 30 sản phẩm được chế biến từ chôm chôm sao mình lại không thể?”- anh Kha quả quyết nói.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh