Nghe xuân về trên biển đảo Tây Nam

05:02, 15/02/2018

Mùa xuân đến quần đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải, TX Hà Tiên- Kiên Giang) nhẹ nhàng với những chậu hoa cúc vàng tươi, những chậu tứ quý chín đậm đà và thấp thoáng mấy nhánh mai vàng... 

Mùa xuân đến quần đảo Hải Tặc (xã Tiên Hải, TX Hà Tiên- Kiên Giang) nhẹ nhàng với những chậu hoa cúc vàng tươi, những chậu tứ quý chín đậm đà và thấp thoáng mấy nhánh mai vàng...

Những gam màu tươi vui ấy xen lẫn với màu xanh lam của biển, màu xanh lá non tơ, màu xanh rì của rừng cây càng làm tăng thêm vẻ đẹp quyến rũ của vùng đất ở giữa mênh mông này. Tết thêm vui, xuân thêm sáng bởi đời sống người dân xã đảo ngày càng sung túc hơn.

Biển đảo yên bình, nuôi dưỡng bao thế hệ.
Biển đảo yên bình, nuôi dưỡng bao thế hệ.

Bốn mùa xuân

Quần đảo Hải Tặc có một vẻ đẹp thanh bình và hoang sơ trái ngược với cái tên của nó. Nói như cô Dương Thị Mai (68 tuổi) ở hòn Đốc (xã Tiên Hải) này thì: “Tôi sống ở đây 60 năm, chưa thấy cướp biển lần nào”, chỉ thấy người dân thương yêu giúp đỡ nhau, tối ngủ không cần đóng cửa vì chưa từng xảy ra một vụ trộm cắp lớn nhỏ nào.

Biển xinh đẹp ôm trọn 16 hòn đảo lớn nhỏ, biển cho người dân trên hòn những món quà của tự nhiên- tôm cá đầy ghe.

Nước biển xanh trong, đẹp động lòng người.
Nước biển xanh trong, đẹp động lòng người.

Từ món quà của biển, nhiều hộ dân đã làm giàu. Cô Lê Thị Mai (60 tuổi) là người nổi tiếng ở xã đảo Tiên Hải vì có 4 tàu đánh cá, 1 tiệm tạp hóa lớn nhất xã, 1 nhà nghỉ mấy chục phòng cho khách du lịch, thêm… 12 bè cá.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, điện thoại của cô cũng không ngừng reo vì bạn bè (bạn đi tàu đánh cá- PV) gọi điện hết mua lưới đến mua cào...

Gia đình cô Lê Thị Mai là dân tộc Khmer, với 5 người gồm: vợ chồng cô, vợ chồng con gái và cháu ngoại đang học mẫu giáo.

Cả nhà luôn tay luôn chân từ sáng đến tối nhưng cô chưa hề thấy chán mà lại ham làm, không làm là không chịu nổi. Đã qua thời cô Mai đi ghe cùng bè bạn ra biển nhưng hiện nay cả gia đình cô vẫn tất bật với chuyện đánh cá, tàu bè.

Lồng bè nuôi cá của ngư dân xã đảo.
Lồng bè nuôi cá của ngư dân xã đảo.

Người phụ nữ chịu thương chịu khó, giàu có nhưng lại rất tiết kiệm trong chi tiêu. Cô Mai thật thà, có sao nói vậy: “Thời gian đâu mà xài tiền, cạy miệng tiền cũng không rớt ra được”.

Dù chỉ riêng 4 chiếc tàu cá, sau khi chia bạn tàu, mỗi ngày cô lời cũng 2 triệu đồng. Bán tạp hóa đã đủ ăn trong gia đình, còn “dư dả” từ 12 cái lồng bè, tàu đánh cá thì cô gửi ngân hàng. Cô Mai cười thật tươi: “Làm nhiêu nó còn nhiêu vậy á. Không chỗ nào ra được hết trơn”.

Không chỉ những người làm ăn lớn, ngư phủ cũng “sống được” nhờ những món quà của biển. Ông Hoàng Tư Kim- một lão ngư “sát cá” vùng này- cười thật tươi: “Bữa nay tui bận việc nhà, đi câu có 2 tiếng, được 120.000đ”.

Rồi ông Tư Kim say sưa kể chuyện đi câu, về những ngày bội thu với nào cá bớp, cá tràm trạm, cá mú, cá vồ đém,…

Dân bạn lặn biển ở đây cũng quen với từng hòn. Ông Nguyễn Văn Phượng (53 tuổi) lặn biển hơn 20 năm nay đang ngồi tính tiền chia bạn trong chuyến đi rồi: “Bạn đi 2 ngày 2 đêm mới về, mỗi người được gần triệu rưỡi nghen”.

Biển cho cá tôm, cho màu xanh trong, cho cảnh đẹp… và nuôi dưỡng con người từ vật chất lẫn tinh thần.

Và nếu mùa xuân được định nghĩa là mùa của ấm no, yên bình, hạnh phúc thì trên xã đảo này lúc nào cũng có mùa xuân. Để rồi, có những con người vô tình đến với xã đảo đã “thương đảo” không thể rời đi!

Đảo hóa tâm hồn

Anh Cao Phước Hiền quê từ miền Trung về hòn Đốc nhiều năm nay và đã xây một ngôi nhà nhỏ cùng vợ con ngay bến tàu Tiên Hải.

Phút thảnh thơi của những người lính trẻ.
Phút thảnh thơi của những người lính trẻ.

Anh Hiền nói: “Hòn không trồng hoa tết được, nhưng hoa kiểng được chở ra từ đất liền, bạn hàng ghe tàu thì ít gì cũng một chậu cúc cúng tàu, các nhà làm ăn buôn bán thì chưng cây hạnh”.

Vậy là tết ở các hòn không chỉ có màu xanh của cây, của biển mà còn có màu vàng, màu đỏ, màu cam của hoa trái và đủ màu sắc khác từ những chiếc áo mới mừng xuân.

Cư dân trên đảo là những người từ Bắc, Trung, Nam đến đây sinh sống và cả những anh bộ đội Cụ Hồ. Anh bộ đội Nguyễn Minh Tân ở Đồn biên phòng Tiên Hải sắp xuất ngũ, rời xa biển đảo này.

Tân nói nhớ nhà nhưng sẽ nhớ những kỷ niệm ở đây: “Tôi sẽ không bao giờ quên cảnh vật, con người và những ngày tết ở đây”.

Không khí tết trên xã đảo không nhộn nhịp như đất liền nhưng ấm áp bởi tình chiến sĩ, bởi những bài hát bộ đội tặng nhau nghe giữa đêm xuân bên ánh lửa bập bùng.

Cô Dương Thị Mai, sống ở xã đảo 60 năm rồi.
Cô Dương Thị Mai, sống ở xã đảo 60 năm rồi.

“Đêm giao thừa, chúng tôi quây quần ăn bánh tét, kể chuyện nhà và những dự định khi xuất ngũ làm gì, học nghề gì”- Minh Tân chia sẻ.

Ông Hoàng Tư Kim quê gốc Ninh Bình vào đây theo đoàn quân Nam tiến, rồi ông gắn với vùng đất yên bình, con người hiền lành chất phác ở đây rồi “ở mãi không về”.

Ông Tư Kim cười, mắt nhìn xa xôi: “Ai cũng muốn về quê, nhưng tôi gắn với những hòn đảo này lâu quá nên yêu nó hơn cả quê hương mình”.

Đến với quần đảo Hải Tặc một lần, để tận hưởng mùa xuân an nhiên từ tâm hồn con người đến cảnh vật. Quà tặng chúng tôi đem về là những kỷ niệm ngọt ngào về biển đảo quê hương với những con người, cảnh vật nên thơ cho xuân thoang thoảng mà ghi sâu vào lòng.

Ông Phan Thanh Bình- Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải- cho biết: Toàn xã đảo có 14 hòn nổi và 2 hòn chìm. Thời gian gầy đây, đời sống người dân đã ổn định hơn, thu nhập bình quân đầu người khoảng 48 triệu/người/năm.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh