Đã nghe tết đến trước hiên nhà

08:02, 10/02/2018

Đó chỉ là một khoảng sân nhỏ trước nhà được các hộ tận dụng trồng hoa, trồng rau đón tết-những con số chưa từng được thống kê nhưng lại là một "nguồn thu kha khá" cho tết ấm cúng hơn. Trước hiên nhà, những giàn hoa vạn thọ, mào gà, cải làm dưa… báo hiệu xuân về, tết đến.

 

500m2 đất trồng 2 thiên vạn thọ là niềm vui cũng là niềm tự hào của chú Bảy Hải mỗi khi xuân về.
500m2 đất trồng 2 thiên vạn thọ là niềm vui cũng là niềm tự hào của chú Bảy Hải mỗi khi xuân về.

Đó chỉ là một khoảng sân nhỏ trước nhà được các hộ tận dụng trồng hoa, trồng rau đón tết-những con số chưa từng được thống kê nhưng lại là một “nguồn thu kha khá” cho tết ấm cúng hơn. Trước hiên nhà, những giàn hoa vạn thọ, mào gà, cải làm dưa… báo hiệu xuân về, tết đến.

Tấc đất tấc vàng

Với những nông dân “một nắng hai sương”, tình cảm dành cho từng tấc đất, khoảnh vườn đều vô cùng quý giá. Ngày cận tết, trước nhà người dân “hổng có miếng đất nào ở không” vì chúng được tô điểm bằng mảng màu rực rỡ của hoa vạn thọ, của luống cải xanh, của từng hàng hướng dương vươn mình trong nắng...

Những “thềm nhà có hoa” không chỉ khiến bức tranh xuân nông thôn thêm sinh động mà còn góp phần mang lại thu nhập để người dân có cái tết sung túc hơn.

Cô Nguyễn Thị Tiềm tươi rói bên thiên hoa do tay mình chăm chút.
Cô Nguyễn Thị Tiềm tươi rói bên thiên hoa do tay mình chăm chút.

Đều đặn mỗi hừng đông, cô Nguyễn Thị Tiềm (Ấp 7, xã Hậu Lộc- Tam Bình) lại ra trước sân nhà chăm chút cho giàn hoa tết. Đôi tay khéo léo tưới vào gốc hoa, nâng niu từng nụ hoa chớm nở, cô Tiềm cười hiền hậu: “7 năm nay, hổng có năm nào tui để cái sân 300m2 này trống hết đó”.

Với bấy nhiêu đất ấy, cô Tiềm trồng 1 thiên (1.000 cây) vạn thọ, một ít hoa mào gà, hướng dương cho vui tết. “Tui lấy ngắn nuôi dài, tranh thủ lúc thanh long còn nhỏ, ngày thường thì tui trồng cải, rau muống, còn tết thì hổng thể thiếu bông được”.

Cô Tiềm cho biết, từ 23/10 âm lịch, cô đã mua hột vạn thọ về ươm. “Bí kíp” của cô để bông to và nở đều cùng lúc là “làm gì làm thì tới khoảng 12/11 âm lịch cũng phải vô chậu dứt điểm trong 2 ngày à nghen”.

 

Cô Tiềm nói trồng bông cực nhất là phần tưới nước, chăm bông chứ không tốn kém nhiều vì cô tận dụng hết những thứ có sẵn ở nhà: tro trấu, phân bò.

Nhìn luống hoa rực rỡ trước nhà, cô cười tươi rói: “Năm rồi, trồng có 400 cây mà bán được gần 8 triệu đồng, lời hơn phân nửa. Tết có bông chưng, tui thấy vui nhà vui cửa. Bởi vậy ai trả giá bao nhiêu tui cũng bán, hổng sợ lỗ”.

Khoảng sân trước nhà chú Nguyễn Văn Rang được tô màu xanh ngọt ngào nhờ 500 cây cải làm dưa, mấy dây dưa hấu, luống cải ngọt, cải xanh lún phún. Điểm nhấn của khoảng sân 150m2 là hàng vạn thọ, bông nở đều và to tròn như… trái quýt hồng.

Chú Rang cười, giọng sang sảng: “Già rồi làm việc nặng hông nổi, năm nào cũng trồng vầy mà ăn tết được à. Cây đẹp thì 100.000 đ/chục (12 cây), năm nay mưa hoài cải bị chạy bắp chứ mấy năm trước có cây nặng 1kg, thừ lừ vầy nè”- vừa nói chú vừa vòng tay tròn vo diễn tả cây cải.

Khoảng sân nhà chú Nguyễn Văn Rang đầy ắp luống cải xanh mướt với hàng bông vạn thọ rực rỡ.
Khoảng sân nhà chú Nguyễn Văn Rang đầy ắp luống cải xanh mướt với hàng bông vạn thọ rực rỡ.

Thêm sắc xuân cho tết

Bon bon về ấp An Hòa (xã Phú Đức- Long Hồ), vườn nhà của anh Phan Trí Thức thu hút chúng tôi bởi 400 cây vạn thọ đang chớm nở, hàng mai vàng được trồng thẳng tắp theo hàng.

Anh Thức chia sẻ, ngoài 4 công ruộng thì 4 năm trở lại đây, tết nào anh cũng trồng thêm bông vừa chưng trong nhà vừa bán cho bà con trong xóm. Anh cười: “Của nhà trồng nên tui chỉ bán 35.000đ/cặp cho bà con dễ mua, bán giá bình dân để ai cũng mua được hết”.

400 cây vạn thọ khoe sắc trước nhà anh Phan Trí Thức.
400 cây vạn thọ khoe sắc trước nhà anh Phan Trí Thức.

Trên nửa công đất trồng 2 thiên vạn thọ, bé Tuyền- cô con gái út của chú chủ vườn Nguyễn Văn Sơn (Bảy Hải)- đang kỹ lưỡng tưới từng chậu bông. Tuyền tự hào khoe: “Kinh nghiệm 15 năm mới trồng ra bông đẹp vầy nha. Cha em rồi cô chú trong nhà ai cũng biết trồng, dù thời tiết ngày càng khó khăn nhưng mà ham lắm, hổng có bỏ nghề được”.

Nghề trồng bông cũng lắm công phu: “Ngó dễ vậy chứ cực lắm, mỗi ngày có 2 người tưới thì 2 tiếng đồng hồ mới xong, không phải ai tưới cũng được vì phải khéo, hông thôi bông bị… xệ. Rồi còn phải sửa tán cho đều, canh bắt sâu. Làm suốt, cực nhưng mà vui”- Tuyền vui vẻ kể.

Trồng bông tết cũng không phải “nghề chính” của chú Bảy Hải nhưng vì “yêu cây bông, ham trồng riết ghiền” nên tết nào không trồng bông là “cả nhà không chịu nổi”.

Cô con gái út của chú Bảy Hải bên những cây hướng dương lai với màu sắc lạ mắt.
Cô con gái út của chú Bảy Hải bên những cây hướng dương lai với màu sắc lạ mắt.

Vậy là cứ gần tết, chú lại ươm cây, lên giàn trồng vạn thọ. Màu vàng chanh, vàng cam rực rỡ của vạn thọ làm điểm nhấn cho con đường tràn ngập sắc xuân. Tuyền cười tươi như hoa: “Hổm rày nhiều người ghé chụp hình với giàn hoa nhà em rồi đó!”

Xuân tỏa hương, khoe sắc trên những luống hoa, bờ rau được người dân chăm chút bằng sự gắn bó và yêu thương.

Những người nông dân hiền hòa, hào sảng, mến khách luôn có cách tận dụng từng tấc đất để tô điểm cho mùa xuân và giúp gia đình đón tết được sung túc hơn. Xuân chạm ngõ từng nhà. Xuân của những người nông dân bắt đầu từ “thềm nhà có hoa”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh