Với lợi thế sẵn có của miền quê sông nước, nhiều điểm du lịch (DL) homestay tại xã Thanh Bình và Quới Thiện (Vũng Liêm) đã hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành điểm đến mới cho du khách.
Với lợi thế vùng sông nước, con người dễ hòa mình với thiên nhiên, cù lao Dài đang là điểm đến yêu thích của du khách. |
Với lợi thế sẵn có của miền quê sông nước, nhiều điểm du lịch (DL) homestay tại xã Thanh Bình và Quới Thiện (Vũng Liêm) đã hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành điểm đến mới cho du khách.
Đặc biệt, nơi đây còn có khu lăng mộ của mẹ ruột và nhạc phụ của danh thần Thoại Ngọc Hầu, được dự kiến xây dựng thành quần thể di tích lịch sử- văn hóa, hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị về DL tâm linh khi đến với cù lao Dài.
Từ DL homestay...
Do được thiên nhiên ưu ái nên vùng đất cù lao Dài có nhiều vườn trái cây đặc sản ngon ngọt như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt. Nơi đây còn có các làng nghề truyền thống dệt chiếu, xe lõi lác.
Từ chỗ chỉ quen với ruộng lúa, vườn cây, nhiều gia đình bắt đầu làm DL homestay. Trong đó, ông Nguyễn Bá Cường đã có hơn 8 năm liên kết với một số công ty DL tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đưa du khách đến nghỉ dưỡng tại nhà.
Ông Cường còn kết hợp với một số nhà vườn trồng cây ăn trái đặc sản, các làng nghề trên địa bàn làm điểm tham quan.
“Phương châm của gia đình tôi là khách đến như người thân đi xa về, thành ra khách đến đây thì cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Còn khách muốn đi tham quan thì tôi dẫn đường đi. Khách rất thích”- ông Cường nói.
Với cách làm DL chân chất mà nhiều điểm homestay ở cù lao Dài đã được du khách trong và ngoài nước chọn là nơi dừng chân trong chuyến tham quan ĐBSCL. Tính cách hào sảng, mến khách, tiếp đãi chu đáo như người trong gia đình khiến du khách thích thú.
Du khách Zaynal Marie Pierre (Pháp) không ngớt lời khen ngợi: “Đến miền quê này thật tuyệt vời. Thức ăn rất ngon. Ngoài đi tham quan các làng nghề, còn được xem các trò chơi dân gian rất thú vị. Người dân rất thân thiện, cảnh vật thì quá đẹp”.
... Đến du lịch tâm linh
Chúng tôi theo chân cán bộ văn hóa- xã hội xã Thanh Bình đến khu lăng mộ của thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu- nằm trên là trục đường chính của cù lao Dài.
Người dân nơi đây vẫn quen gọi con đường này là lộ cái- do chính danh thần chỉ huy mở trên đất cù lao xưa. Không chỉ làm đường, ông còn cho đào kinh, mương; thiết lập hệ thống thông thương; xây đình, chùa và lập nên năm thôn kiểu mẫu trên vùng đất trù phú này.
Khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết (mẹ ruột danh thần) và khu mộ ông Châu Vĩnh Huy (nhạc phụ danh thần) được xây dựng vào năm 1828, do ông Thoại Ngọc Hầu đứng ra xây dựng.
Công trình được xây dựng đơn sơ bằng vôi, cát, đá, ô dước. Tuy không hoành tráng và nhiều chi tiết mỹ thuật, nhưng đây là tấm lòng của một người con hiếu thảo đối với mẹ ruột và cha vợ của ông Thoại Ngọc Hầu.
Từ lâu, khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết bị hoang phế, do người thân không còn. Các chữ Hán trên trụ cổng, bình phong bị phai mờ không thể đọc được. Còn khu mộ ông Châu Vĩnh Huy, tuy còn hậu duệ cúng giỗ hàng năm, nhưng cũng đang xuống cấp cần tu sửa.
“Dự kiến tháng 3 tới sẽ khởi công trùng tu 2 khu lăng mộ và phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, việc trùng tu sẽ gặp không ít khó khăn do khu lăng mộ hoang hóa đã lâu và đá xây lăng mộ phải được chuyển từ các tỉnh miền ngoài”- ông Ngô Minh Tấn- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình- cho biết.
Không chỉ có ý nghĩa lịch sử trên đất cù lao Dài, khu lăng mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu còn có ý nghĩa với cả vùng đất Nam Bộ, tức trấn Vĩnh Thanh mà Thoại Ngọc Hầu từng làm trấn thủ trong những năm nửa đầu thế kỷ XIX.
Việc giữ gìn và tôn tạo 2 khu mộ là việc làm cấp thiết để đền đáp công ơn của tiền nhân có công mở đất, xây dựng quê hương, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Ông Phạm Minh Hoàng- Phó Chủ tịch UBND huyện- nhận định: Cù lao Dài là một trong những thế mạnh mà Vũng Liêm sẽ khai thác trong hướng tới.
Nói đến cù lao Dài phải nói đến ở nơi đây có khu lăng mộ cổ của thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu gắn liền với việc hình thành mở rộng vùng đất phương Nam.
Khu lăng mộ ông Châu Vĩnh Huy cần được tu sửa để ghi nhận công ơn và từng bước thúc đẩy phát triển du lịch. |
Hiện, chúng tôi đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng các sở ngành có liên quan quy hoạch nơi đây thành điểm đến cho du khách tới cúng viếng kết hợp phát triển văn hóa tâm linh, thúc đẩy quá trình phát triển chung của huyện nhà về DL.
Tại hội thảo khoa học di tích khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết và khu mộ ông Châu Vĩnh Huy- thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu, do Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức vào tháng 4/2017, ông Nguyễn Văn Quang- Chủ tịch UBND tỉnh- thống nhất ý kiến việc trùng tu 2 khu mộ gắn liền với kế hoạch khai thác DL tâm linh, đồng thời gắn với lợi thế cù lao sông nước miệt vườn của cù lao Dài.
Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, việc quy hoạch phải cân nhắc mở diện tích di tích sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển DL trong tương lai.
Đồng thời đề nghị Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh gấp rút hoàn thiện hồ sơ lý lịch di tích 2 khu mộ thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu, sớm đưa vào kế hoạch trùng tu năm 2018.
UBND tỉnh đã ký quyết định xếp hạng Di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh cho khu mộ bà Nguyễn Thị Tuyết, khu mộ ông Châu Vĩnh Huy- thân nhân danh thần Thoại Ngọc Hầu và có kế hoạch trùng tu khang trang, sạch đẹp, mở đường đi đến các khu mộ thuận lợi, tạo điều kiện thuận tiện cho nhân dân khắp nơi đến chiêm bái. Qua đó, ghi nhận công lao và vai trò lịch sử của danh thần Thoại Ngọc Hầu với đất nước, đặc biệt là vùng đất Nam Bộ; đồng thời khẳng định công lao của ông và thân nhân đối với vùng đất cù lao Dài. |
- Bài, ảnh: QUYÊN- TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin