Dù là mặt hàng sản xuất quanh năm nhưng từ tháng 8 đến cuối tháng 12 (âl) thì thị trường chậu hoa kiểng lại rất hút hàng. Nhiều cơ sở sản xuất chậu hoa kiểng ở một số tỉnh như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre… đang tất bật sản xuất để phục vụ nhu cầu tăng cao của khách hàng.
Dù là mặt hàng sản xuất quanh năm nhưng từ tháng 8 đến cuối tháng 12 (âl) thì thị trường chậu hoa kiểng lại rất hút hàng. Nhiều cơ sở sản xuất chậu hoa kiểng ở một số tỉnh như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre… đang tất bật sản xuất để phục vụ nhu cầu tăng cao của khách hàng.
Các cơ sở sản xuất chậu tăng tốc để kịp giao hàng theo hạn định. |
Chậu hút hàng, chủ cơ sở phấn khởi
Anh Trần Văn Sữa ở xã Mỹ Tân, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đến với nghề làm chậu khoảng 7 năm nay. Cơ sở của anh thường chỉ có 3 công nhân nhưng dịp tết này phải thuê thêm mới kịp giao hàng.
“Nghề này ăn nên làm ra nhất là dịp này. Mệt nhưng mà rất vui. Từ hôm tháng 10 đến nay cơ sở tui cung cấp ra thị trường cũng cả ngàn chậu rồi. Chậu được ưa chuộng nhất vẫn là chậu loại 5, 6 tấc”- anh Sữa phấn khởi nói.
Rời xã Mỹ Tân chúng tôi ề huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre- nơi được mệnh danh là xứ sở của các loại cây kiểng miền Tây. Tại đây, các cơ sở sản xuất chậu cũng đang khẩn trương hoàn thành các đơn hàng.
Nhu cầu mua chậu của khách hàng tăng gấp đôi ngày thường. |
Tới cơ sở của anh Nguyễn Văn Giúp Em ở xã Vĩnh Thành, dù đã gần 12h trưa nhưng những người thợ vẫn đang miệt mài trộn hồ, đổ khuôn chậu.
Quanh sân, những chiếc chậu xếp thành hàng dài, nối đuôi nhau chờ khô để ra khuôn rồi đem sơn màu. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong nghề, nên cơ sở của anh Giúp Em luôn có đơn đặt hàng.
Càng về cuối năm thì các công nhân nơi đây càng phải tăng tốc cho kịp tiến độ. “Bình thường mỗi tháng sẽ cung ứng cố định cho khách quen khoảng 500 chậu và một số bán lẻ. Còn thời điểm này là chỉ giao theo đơn đặt hàng thôi chứ không thể nào làm kịp nữa. Số lượng đơn đặt hàng đã tăng gấp đôi ngày thường”- anh Giúp Em vừa khéo léo quay chậu vừa vui vẻ cho biết.
Để làm hoàn chỉnh một chậu kiểng phải trải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu gồm có xi măng và cát nhưng công thức pha trộn thì mỗi cơ sở lại có một cách riêng. Mục đích cuối cùng là khi thành phẩm chậu phải đẹp và bền chắc.
Hầu hết sản phẩm đều làm thủ công, chậu quay xong theo khuôn được đem phơi nắng và sơn để tăng độ bền. Đáp ứng nhu cầu khách hàng, chậu hoa kiểng ngày nay có rất nhiều kiểu dáng, hình tròn, hình trái bần, hình lục giác nhưng phần nhiều vẫn là chậu tròn vì dễ sử dụng.
Bên cạnh không khí làm việc hối hả tại các cơ sở sản xuất chậu kiểng chuyên cung cấp cho thị trường trong nước, thì tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chậu nung xuất khẩu cũng tất bật không kém.
Anh Trịnh Nguyễn Huy Thịnh (nhân viên xuất kho- Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Cửu Long) ở Vĩnh Long cho biết: “Nếu ngày thường khoảng 2 tuần mới xuất kho một lần, thì mấy tháng cuối năm là ngày nào cũng xuất hàng. Bình quân mỗi tháng xuất khoảng 2000 chậu. Chủ yếu đi thị trường các nước Đức, Hà Lan”.
Người lao động có thêm thu nhập
Chậu kiểng được tiêu thụ suốt năm, nhưng tập trung nhất là 4 tháng cuối năm, bởi đây là thời điểm người trồng kiểng cho cây vào chậu, chăm sóc, tạo dáng để tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán.
Ngay thời điểm này, thị trường hoa kiểng “nóng” dần thì thị trường chậu kiểng cũng nhộn nhịp không kém. Chậu kiểng có đường kính từ 50- 60cm có giá từ 33.000- 37.000 đ/chậu, loại 70-80cm giá 80.000- 90.000 đ/chậu. Còn chậu to từ 1m trở lên sẽ có giá vài trăm ngàn đồng/chậu.
Cô Bảy Phượng kiếm thêm được 60.000 đ/ngày nhờ tăng ca. |
Cuối năm, số lượng đơn hàng tăng gấp 2-3 lần ngày thường, vì vậy, người lao động cũng kiếm thêm được khoản thu nhập khá. Cô Bảy Phượng (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cười tươi rói bảo: “Mấy nay hàng nhiều nên tăng ca cũng có thêm tiền. Mỗi buổi tăng ca 3 tiếng được 60.000đ và bữa cơm chiều nữa. Cả tiền công với tiền tăng ca, ngày cũng được hơn 200.000đ”.
Tương tự, anh Tứ Chiến (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) cũng bộc bạch: “Bình thường thì ngày làm hơn trăm ngàn, giờ tết tăng ca kiếm thêm cũng được vài chục ngàn mua quà bánh, đồ mới cho con vui. Quen rồi nên cũng không thấy nặng nhọc gì”.
Giá chậu vẫn không tăng nhiều dù sức mua tăng. |
Anh Huỳnh Hữu Nghĩa ở Phường 4, TP. Cao Lãnh- Đồng Tháp gắn bó với nghề làm chậu tại cơ sở sản xuất chậu hoa kiểng Kim Oanh đã nhiều năm nay. Anh cho hay, nhờ nghề làm chậu mà cuộc sống ổn định hơn: “Tôi làm trên 7 năm rồi. Mỗi ngày thu nhập khoảng 170 ngàn đồng, nếu tiết kiệm cũng dư được chút đỉnh”.
Như vậy, vào những tháng cận tết, không chỉ người trồng hoa phấn khởi vì một vụ mùa thuận lợi mà những người sản xuất và kinh doanh chậu cũng vui vì sản phẩm được tiêu thụ nhanh, góp phần tạo thêm việc làm và có nguồn thu cao.
Bài, ảnh: NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin