Đó là những người tâm huyết cùng với giới kiến trúc sư Việt Nam, đã ấp ủ về một công trình, một không gian tưởng nhớ ngay trên vùng đất Vũng Liêm quê nhà của vị Thủ tướng "vì dân", ngay từ những ngày đầu người đột ngột ra đi.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh về thăm Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa năm nay. |
Đó là những người tâm huyết cùng với giới kiến trúc sư Việt Nam, đã ấp ủ về một công trình, một không gian tưởng nhớ ngay trên vùng đất Vũng Liêm quê nhà của vị Thủ tướng “vì dân”, ngay từ những ngày đầu người đột ngột ra đi.
Ngày 23/11 vừa qua, trong không khí long trọng kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và 77 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa tại Vũng Liêm, tôi có dịp trò chuyện, lắng nghe những tâm tư, tình cảm chân tình của kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất đối với Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hôm ấy, có cả Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn từ Hà Nội bay vào.
Nhiều lần được nghe kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cùng nhóm cộng sự trình bày ý tưởng về không gian tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng đây là lần đầu tiên tôi có dịp được trò chuyện riêng cùng ông và muốn được nghe nhiều hơn nữa những gì đã làm và những dự định “nối dài”, cũng như những kỷ niệm, tình cảm trân trọng mà giới kiến trúc sư Việt Nam dành cho chú Sáu Dân.
Tình cảm đó thể hiện thật nhất, khi ngay trong ngày sinh nhật đầu tiên vắng chú Sáu Dân (23/11/2008), tại Vũng Liêm, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã bày tỏ nguyện vọng được đảm đương phần thiết kế không gian tưởng nhớ ông.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất giải thích đơn giản: Bởi với tư cách là một người dân bình thường, thì ai cũng đều ngưỡng mộ, kính trọng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nên khi người đi xa, đương nhiên nhiều tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng tiếc thương chân thành.
Riêng với giới kiến trúc sư, tình cảm này có phần đặc biệt bởi sinh thời, cố Thủ tướng rất quan tâm đến kiến trúc và giới kiến trúc sư, ông gần gũi với nhiều thế hệ kiến trúc sư.
Tuy nhiên, với riêng kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, do có nhiều dịp được làm việc và có duyên được gần gũi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhiều nên càng thêm thấy rõ một điều, là “ông già” (thỉnh thoảng kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất gọi thân thương như thế) có sức thuyết phục lạ lùng, ông có thể trò chuyện thoải mái, tiếp cận với mọi giới, mọi tầng lớp chớ không riêng gì giới kiến trúc sư.
Một nhà lãnh đạo có tầm nhìn sâu rộng, thông tuệ mà không xa cách, từng lời nói, nụ cười toát ra chất hào sảng, chân thành của con người Nam Bộ, luôn lắng nghe, sẻ chia nhưng cũng cực kỳ quyết đoán, quyết liệt.
Do đó, chỉ sau thời gian ngắn nghiên cứu, ngày 18/5/2009, tức chưa tròn một năm sau ngày chú Sáu Dân đi xa, thay mặt giới kiến trúc, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn- Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các kiến trúc sư Khương Văn Mười, Nguyễn Văn Tất, Lê Hiệp đã trình bày phương án thiết kế “Không gian tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt” với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long tại trụ sở Huyện ủy Vũng Liêm.
Tôi còn nhớ rõ, buổi trình bày ấy có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện rất hay, nhưng đến giờ vẫn còn ấn tượng với ý tưởng của nhóm kiến trúc sư khi đề xuất tên gọi khu tưởng niệm là: “Vườn nhà ông Sáu Dân”, nghe rất Nam Bộ, dân gian.
Khu tưởng niệm được xây dựng với sự phối kết không gian Di tích hồ Vũng Linh, tượng đài Đốc binh Lê Cẩn- Nguyễn Giao và Công viên Văn hóa Nam Kỳ khởi nghĩa. |
Với tầm vóc to lớn của nhà lãnh đạo đất nước, tên gọi cần có sự trang nghiêm nhất định, do đó mà khu tưởng niệm được đặt tên như ngày nay.
Tuy nhiên, nếu ai đã từng đến đây, cũng như có theo dõi tìm hiểu cả quá trình thi công, xây dựng công trình này, đặc biệt nghe, hiểu được tâm huyết của nhóm kiến trúc sư chủ nhiệm công trình như kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất khẳng định: “Anh em đang cố gắng lột tả cho được cái tinh thần “Vườn nhà ông Sáu Dân” cho đến giờ này, dù không phải mọi thứ đều theo đúng như mong muốn”.
Đó là khuôn viên, một không gian mở để mọi người dân, đều có thể bước vào bất cứ lúc nào mà không cảm thấy xa cách.
Công trình có một khu vườn Nam Bộ phía sau với những loại cây từ nhiều địa phương ở ĐBSCL, nhưng có lẽ vẫn chưa dừng lại với những tấm lòng của những kiến trúc sư tài năng dành cho cố Thủ tướng, với ý tưởng được “nối dài” để có thể mai đây chúng ta sẽ có được một không gian tiếp tục được mở rộng về phía sau với nhiều dự định đang ấp ủ
Ông Nguyễn Văn Tất là kiến trúc sư tài năng, đã để lại dấu ấn với nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ. Tuy nhiên, trong suốt buổi trò chuyện không nghe ông nhắc một chút gì về những việc mình làm, cũng như những trọng trách, chức vụ đảm trách. Trong khoảnh khắc lắng lại, ông chia sẻ một điều: “Trên bàn thờ ba má, tôi có xin phép đặt ảnh chú Sáu Dân. Trong đời, nếu có được một con người như thế để mình thần tượng cũng đáng lắm chớ, hạnh phúc lắm chớ!” |
- Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin