Những người thầy khơi nguồn cho sinh viên sáng tạo

06:11, 13/11/2017

Thầy cô giáo là những người mang sứ mệnh "trồng người". Đối với giảng viên ĐH, CĐ thì trách nhiệm còn nặng nề hơn bởi đây là "công đoạn cuối cùng" để cho ra đời những cử nhân, kỹ sư góp sức cho gia đình, xã hội.

Thầy cô giáo là những người mang sứ mệnh “trồng người”. Đối với giảng viên ĐH, CĐ thì trách nhiệm còn nặng nề hơn bởi đây là “công đoạn cuối cùng” để cho ra đời những cử nhân, kỹ sư góp sức cho gia đình, xã hội.

Thầy Đặng Thành Tựu hướng dẫn sinh viên làm robocon.
Thầy Đặng Thành Tựu hướng dẫn sinh viên làm robocon.

Thắp lửa cho sinh viên yêu nghề

Một buổi tối thứ bảy, chúng tôi ghé dãy nhà học B, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long để xem những nhóm sinh viên chuẩn bị thi robocon.

Các nhóm này do Ths. Đặng Thành Tựu- giảng viên Khoa Điện- Điện tử hướng dẫn. Theo TS. Lê Hồng Kỳ thì thầy Tựu là giảng viên “mát tay” trong hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu khoa học.

Từ xa, chúng tôi đã nghe rộn rã tiếng cười nói từ phòng B2. Thầy Tựu cho biết: “Tôi hay pha trò để lớp học lúc nào cùng vui, sinh viên học cũng nhẹ nhàng, hứng thú hơn”.

Thầy Tựu công tác ở trường đã 10 năm nay. Ngay năm đầu tiên, thầy đã đạt giải nhì trong hội giảng giáo viên giỏi nghề (không có giải nhất).

Thầy Tựu say mê kể về những “đứa con” do mình sáng chế ra: một con robot đa năng có thể làm nhiều việc bằng cách điều khiển tay hoặc tự động- đạt giải nhì hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc 2013; một robot có thể di chuyển trên nhiều địa hình- đạt giải ba hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc 2016.

Để chuẩn bị cho những tiết dạy, thầy Tựu thường làm nhiều mô hình để tiết học thêm sinh động.

“Khi sinh viên yêu thích môn học thì tự nhiên các em sẽ nghiên cứu về nó”- thầy Tựu cười, nói thêm- “Ngay từ khi còn là học sinh, tôi đã thích đi dạy và rất thích làm robot. Nên khi được tuyển vào trường thì rất vui, mỗi đề tài đều được thực hiện”. Rồi thầy kể về những ngày tháng sinh viên, ăn cơm dĩa 2.500đ nhưng dám mua linh kiện đến 5.000 đ/con để làm robot.

Từ niềm đam mê của mình, thầy Tựu luôn muốn “truyền lửa” cho sinh viên để các em không chỉ biết học theo thầy mà còn tự nghiên cứu để tiến bộ hơn. Ngoài những giờ học lý thuyết hoặc thực hành, sinh viên có nhu cầu tìm hiểu hay thực hành ngoài giờ đều được thầy tận tình hướng dẫn.

Ngoài ra, thầy Tựu còn giới thiệu việc làm thêm, việc làm chính thức cho sinh viên sau khi ra trường. Thầy Tựu cho rằng: “Vừa học vừa làm sẽ giúp các em mau trưởng thành hơn, chuyên nghiệp hơn”.

Cá nhân, tập thể cùng tiến bộ

Mới về quản lý Khoa Công nghệ thực phẩm hơn 1 năm nhưng Ths. Nguyễn Nhu Liễu- Phó trưởng khoa- đã tạo được điểm nhấn bằng thành tích cá nhân và tập thể.

Cô Liễu chia sẻ: “Mỗi ngày, mỗi việc tôi đều lấy Bác làm gương và tự soi mình, để tiến bộ hơn”. Còn theo Ths. Đặng Thanh Sơn- phụ trách Khoa Công nghệ thực phẩm- thì: “Cô Liễu có phương pháp sư phạm hay, người có công lớn với khoa trong những năm đầu thành lập”.

Trong giảng dạy, cô Liễu không ngừng tìm tòi nghiên cứu, học hỏi những phương pháp mới từ đồng nghiệp. Đặc biệt là nghiên cứu tâm lý, sinh lý của sinh viên, vì cô quan niệm “dạy làm sao để phát huy tính tự học của sinh viên”.

Đem những điều mình biết chia sẻ với đồng nghiệp, đối với những điều mình chưa biết thì không “giấu dốt” nên nhờ đó, các giảng viên trong khoa đều đạt giải nhất trong hội giảng cấp trường. Cô Liễu luôn quan niệm: “Mình và tập thể cùng cố gắng, tập thể tiến bộ mình cũng tiến bộ theo”.

Cô Liễu luôn tìm những phương pháp dạy học sinh động, trực quan cho sinh viên dễ tiếp thu bài.
Cô Liễu luôn tìm những phương pháp dạy học sinh động, trực quan cho sinh viên dễ tiếp thu bài.

Cô Nguyễn Nhu Liễu là giảng viên đạt giải ba Hội thi khoa học sáng tạo Trần Đại Nghĩa lần thứ V với đề tài “Xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan đạt chuẩn đáp ứng đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học phần Tâm lý học nghề nghiệp tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long”.

Cô Liễu cho rằng nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ chính của người giảng viên. Ngoài tham gia các hội thi, giảng viên phải không ngừng nghiên cứu để nâng cao trình độ. Hiện tại, cô cũng đang tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ.

“Chất lượng sinh viên là uy tín của khoa, của trường và nhiệm vụ của giảng viên là đào tạo cho các em có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp vững vàng”- cô Liễu bày tỏ.

Khó khăn nhất là lớp sinh viên mới, vì các em đã quen học theo kiểu “đọc chép” khi ở phổ thông, trong khi, học ĐH đòi hỏi các em tính tự học. Ngoài ra, giảng viên phải rèn luyện cho SV kỹ năng mềm qua các hoạt động nhóm, báo cáo chuyên đề,…

Mỗi tiết học, cô Liễu không quá nghiêm khắc cũng không quá căng thẳng với sinh viên, tạo ra mối quan hệ hài hòa là điều giảng viên này hướng đến

TS. Lê Hồng Kỳ- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long

 

“Cô Nguyễn Nhu Liễu và thầy Đặng Thành Tựu là những giảng viên giỏi nghề. Ngoài giỏi chuyên môn, nghiệp vụ thì cả hai còn giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao kỹ năng, nghiên cứu khoa học. Thầy cô là những người hướng dẫn, khơi nguồn cho sinh viên yêu nghề”.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh