​ Kỳ 2: "Ăn chắc, mặc bền" nhờ làm kinh tế tổng hợp

02:10, 13/10/2017

Với việc phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, mà gia đình anh Nguyễn Việt Bằng (ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) không phải nặng lo hay phụ thuộc một đầu ra duy nhất. Đây là hướng đi giúp nhà nông ăn chắc, mặc bền với mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

Với việc phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, mà gia đình anh Nguyễn Việt Bằng (ấp Thạnh An, xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) không phải nặng lo hay phụ thuộc một đầu ra duy nhất. Đây là hướng đi giúp nhà nông ăn chắc, mặc bền với mảnh vườn, thửa ruộng của mình.

 Cửa hàng vật tư của anh Bằng (giữa) luôn đắt khách nhờ vào sự thân thiện, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của anh.
Cửa hàng vật tư của anh Bằng (giữa) luôn đắt khách nhờ vào sự thân thiện, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của anh.

Học theo Bác tăng gia sản xuất

Ra riêng với 5 công đất ruộng và phải sống trong căn nhà lá cột đủng đỉnh, anh Bằng xác định không thể làm giàu nếu chỉ dựa vào cây lúa vì lợi nhuận không cao. Sau nhiều đêm suy tính, vợ chồng anh quyết định lên rẫy trồng màu rồi chăn nuôi thêm.

“Lúc đó vợ chồng tui làm ngày làm đêm, ai đi ngang cũng quở, nhưng mình còn sức thì làm để sau này con cháu mình đỡ cực hơn”- anh Bằng kể.

Noi gương Bác Hồ về ý chí vươn lên và sự cần cù, chịu khó, mà một mùa rẫy vợ chồng anh mua được mấy trăm giạ lúa. Sau thời gian chuyển đổi cây trồng- vật nuôi, tích lũy được số vốn kha khá, vợ chồng anh lại lên vườn trồng thử nghiệm nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Theo anh Bằng, qua tham dự các lớp tập huấn do Hội ND phối hợp tổ chức và tham quan các mô hình sản xuất giỏi, anh rút ra kinh nghiệm là không phải lúc nào chuyên canh một loại cây trồng cũng mang lại hiệu quả.

Chính vì vậy vợ chồng anh quyết định xen canh nhiều loại cây ăn trái, chỉ cần biết cách chăm sóc, chọn cây trồng phù hợp là sẽ đạt.

 Mô hình trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái giúp anh Bằng thu về hơn nữa tỷ đồng mỗi năm.
Mô hình trồng xen canh nhiều loại cây ăn trái giúp anh Bằng thu về hơn nữa tỷ đồng mỗi năm.

“Mua thổ thì lời” nên có tiền là anh Bằng mua thêm đất, đến nay có trong tay 20 công vườn, 20 công ruộng và mở cửa hàng hàng bán vật tư nông nghiệp.

Theo ông Võ Văn Bì- Chủ tịch Hội ND xã: “Cửa hàng này bán đắt nhất xã Đông Thạnh, nhân công giao hàng suốt vì giá bán rất nới, lại vui vẻ, nhiệt tình, chỉ cần a lô là có hàng đến tận ruộng, ai hỏi kinh nghiệm sản xuất anh Bằng cũng không giấu nghề”.

Câu chuyện giữa chúng tôi với vợ chồng anh cứ bị ngắt quãng vì anh chị vừa phải bán hàng cho khách rồi lại nghe điện thoại liên tục vì đầu dây bên kia có nhu cầu giao hàng liền.

Chị Văn Thị Hum- vợ anh Bằng cười: "Giờ này bán lai rai thôi đó, chứ vô vụ lúa là bán không ngơi tay luôn". Khách tới mua phân, thuốc đều có cuốn sổ "ghi chịu, mua chịu" xong mùa thì "kết sổ" trả sau.

"Thấy dàn lúa trổ đều được đó Hạnh ơi, kỳ này trúng mùa được giá nhe. Em út mình mần được, mình mừng lắm!"- chị Hum cười tươi, vừa cân phân bán cho khách, vừa hỏi thăm rôm rả. Thái độ phục vụ, sự thân thiện chính là “chìa khóa” giúp anh chị ăn nên làm ra. Ngoài ra, nhờ mua tận công ty nên giá của anh Bằng đưa ra luôn rất “cạnh tranh”.

 

Năm qua, anh Bằng đã hỗ trợ cho nhiều hội viên, ND mượn 1.000kg lúa giống và hàng trăm cây giống, giúp đỡ vốn, vật tư, kinh nghiệm sản xuất cho 6 ND. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh còn tạo việc làm cho 10 lao động tại địa phương.

Góp công xây đời đổi mới

Hỏi về chuyện “bén duyên” với nghề kinh doanh vật tư nông nghiệp, anh Bằng cho biết: Trước đây cứ đến mùa lúa là vợ chồng tui trữ mấy chục bao phân trong nhà vì lúc đó đường sá đi lại khó khăn toàn là chèo ghe mua không hà, nên có dịp đi chợ huyện thì mua về để dành, chứ trong xã mình đâu có cửa hàng nào.

Rồi bà con lối xóm qua lại thấy hỏi chia người vài ký. Nhận thấy có nhu cầu nhiều, nên vợ chồng tui mở tiệm nhỏ bán, rồi dần dần mở rộng ra thành đại lý.

Anh Bằng cho biết, khi vô mùa là 2 người lính chạy suốt, ai “chạy giỏi” có khi kiếm được 400.000- 500.000 đồng/ngày.

Còn hết mùa cũng được hơn 100.000 đồng/ngày. “Hiện, tui có mở một cửa hàng tương tự ở xã Đông Thành và giao cho con bán. Sắp tới, khi Nhà nước đầu tư đường mở lộ phía sau nhà, tui sẽ cất thêm kho bãi, mở rộng chỗ buôn bán”- anh Bằng cho biết.

Với 20 công đất vườn, anh Bằng trồng măng cụt giữa liếp, hai bên mé mương thì trồng bưởi da xanh và xen chuối, thu lãi gần 560 triệu đồng/năm. Đó là mơ ước của nhiều người, nhưng chị Hum thì cho rằng: Chỉ tạm được hà, phải tiền tỷ tui mới “ưng bụng” vì cùng diện tích như mình nhiều người đã bỏ túi tiền tỷ rồi. Vậy còn khiêm tốn lắm!

Anh Bằng thì nói: Mình làm không giỏi lắm, nhưng làm việc nào cũng phải có trách nhiệm, đặc biệt trong trồng trọt, tui luôn chú trọng sử dụng phân thuốc hợp lý, đúng liều lượng để đảm bảo an toàn. Nhờ trước giờ có trồng nhiều loại cây nên bà con ND muốn hỏi cách chăm sóc như thế nào tui cũng dễ hướng dẫn hơn.

Kinh tế khá giả, gia đình anh Bằng còn học tập Bác Hồ ở tinh thần sẻ chia vì cộng đồng. Trường Tiểu học Đông Thạnh A khang trang như ngày hôm nay là nhờ gia đình anh Bằng đã hiến 1.000m2 đất trồng bưởi da xanh cho huê lợi mấy chục triệu đồng/năm.

“Phần đất đó bưởi cho năng suất cao nhất, ngày đốn bỏ cũng thấy buồn, nhưng nếu mình không hiến đất thì trường phải dời hơn cây số, như vậy tụi nhỏ đi học sẽ rất vất vả”- anh Bằng cho biết.

“Giờ mỗi lần đi qua vườn, thấy tụi nhỏ được học hành, tiếng cười đùa rôm rả, lòng mình cũng thấy vui”- chị Hum tiếp lời. Không chỉ có thế, mỗi năm học, gia đình anh Bằng còn hỗ trợ 5- 7 suất học bổng (300.000- 400.000 đồng/suất) cho học sinh vượt khó, tặng quà cho người nghèo, rồi đóng góp xây nhà Đại đoàn kết…

Noi gương Bác Hồ, vợ chồng anh Bằng luôn tăng gia sản xuất
Noi gương Bác Hồ, vợ chồng anh Bằng luôn tăng gia sản xuất

“Anh Bằng không chỉ là ND sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền mà còn là một công dân gương mẫu, nhiệt tình làm từ thiện và đóng góp các nguồn quỹ ở địa phương, nhất là quỹ hỗ trợ ND, gia đình anh được công nhận là “Gia đình hiếu học”, anh là tấm gương sáng cho con cháu noi theo”- ông Võ Văn Bì nhận định.

Năm 2017, toàn tỉnh có 102.809 hộ hội viên, ND đăng ký thi đua. Qua bình xét có 67.536 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó cấp Trung ương 3.868 hộ, cấp tỉnh 8.866 hộ, cấp huyện, thị, thành phố 15.151 hộ còn lại là cấp cơ sở.

 

Tại Hội nghị tuyên dương ND xuất sắc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017, có 11 tập thể và 42 cá nhân tiêu biểu cho các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM được tuyên dương điển hình.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh